Chiều 27-11, diễn đàn “Tái định hình doanh nghiệp có trách nhiệm: Vì một thế giới tốt đẹp hơn cho trẻ em” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và UNICEF Việt Nam diễn ra tại TP.HCM.
Diễn đàn đã cung cấp nền tảng để các doanh nghiệp (DN) thực hiện tốt quyền trẻ em.
Bảo vệ trẻ em là mục tiêu phát triển bền vững của DN
Tại diễn đàn, bà Phạm Chi Lan (chuyên gia kinh tế cao cấp) đưa ra khái niệm trẻ em trong lĩnh vực kinh doanh. Đó là người tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ; là thành viên trong gia đình của các nhà quản trị, các lao động; là thành viên trong cộng đồng; là chủ doanh nghiệp, là nhà quản trị, người lao động trong tương lai.
Bà Lan chia sẻ: "Đến năm 2042, hơn 20% dân số Việt Nam là người cao tuổi. Gánh nặng kinh tế đè lên vai của những người lao động trẻ làm việc trong thời gian đó, và họ chính là trẻ em bây giờ. Đó là lí do chúng ta phải chăm sóc tốt cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, để các em trở thành người lao động tốt trong tương lai".
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu. Ảnh: KHÁNH CHI
Ông Nguyễn Quang Vinh (Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết: Bảo vệ trẻ em là nội dung quan trọng trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của các DN. 85-80% DN không hoạch toán được tài chính cho vấn đề môi trường và xã hội đều thua lỗ. Một trong các vấn đề xã hội chính là bảo vệ quyền trẻ em.
DN không chỉ có trách nhiệm với các nhân viên của mình mà còn phải có trách nhiệm với gia đình của họ, trong đó có trẻ em.
Cũng theo ông Vinh, các DN đã và đang đưa ra nhiều dự án thể hiện sự nỗ lực và cam kết giảm tác động xấu đến trẻ em trong các hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, trong hoàn cảnh nhiều doanh nghiệp thiếu nhân lực sau COVID-19 thì việc đảm bảo cho người ở lại làm việc năng suất, giảm lo lắng về trách nhiệm gia đình (trong đó có chăm sóc con cái) là một vấn đề nan giải.
Tại nhiều DN nhận thức về mô hình kinh doanh có trách nhiệm, thân thiện với trẻ em vẫn còn nhiều điểm phải khắc phục. Nhiều lao động nữ phải trở lại làm việc sớm sau kỳ thai sản, khiến việc hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và chăm sóc trẻ không được đảm bảo. Nhiều DN có phòng tích trữ sữa, nhưng người lao động chưa được biết quyền lợi của họ khi sử dụng phòng này.
Bảo vệ trẻ em trong trong tất cả các lĩnh vực
"Trong khuôn khổ từng DN, nên đa dạng hóa các biện pháp chăm sóc trẻ em và người mẹ ở nơi làm việc. Có thể bố trí chế độ cho cha nghỉ khi mẹ sinh con, để cha chăm sóc con ốm nếu như người mẹ bận hoặc sức khỏe kém. Nếu sáng kiến từng cơ sở tốt thì nhà nước sẽ công nhận, nhân rộng ra toàn xã hội"- bà Chi Lan đưa ý kiến.
Bà Chi Lan chia sẻ về việc đa dạng hóa các biện pháp chăm sóc trẻ em. Ảnh: KHÁNH CHI
Dự án có sự tham gia của Bộ LĐTB&XH, Bộ Công an, Bộ GD&ĐT, nhằm hướng đến việc phát triển sản phẩm công nghệ ngay từ khâu thiết kế phải hướng đến sự an toàn cho trẻ em.
Trong khâu kiểm duyệt nội dung của Tiktok, các clip được đăng lên phải trải qua nhiều giai đoạn. Bà Diệp Quế Oanh, giám đốc truyền thông Tiktok tại Việt Nam cho biết: Tiktok có thuật toán kiểm định nội dung dựa trên những tiêu chuẩn cộng đồng, có đội ngũ kiểm duyệt nội dung tại nước ngoài và Việt Nam. Những người kiểm duyệt đó đều có hiểu biết về pháp luật, quyền trẻ em nhằm lọc ra những clip không phù hợp với người dùng Việt Nam, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Các diễn giả tại phiên làm việc thứ hai của diễn đàn. Ảnh: KHÁNH CHI
Bà Nguyễn Thị Hải Yến (giám đốc điều hành EXO Travel Việt Nam) khẳng định: "Chúng tôi đưa ra những quy định bảo vệ an toàn trẻ em và bắt buộc các nhân viên, đối tác tuân thủ".
Bà Nguyễn Minh Giang (giám đốc về bền vững của Bitis) cũng chia sẻ những dự án hướng đến trẻ em của DN. Bà nhấn mạnh DN hướng đến bảo vệ trẻ em ở 3 lĩnh vực: phát triển trí tuệ, phát triển về thể chất, và phát triển tinh thần.
Các hoạt động hướng đến trẻ em của DN gồm trao học bổng, xây dựng trường học hạnh phúc, hỗ trợ nước sạch cho đồng bào vùng cao, và tạo ra những sản phẩm truyền thông mang hơi hướng dân gian nhằm nuôi dưỡng tình yêu dân tộc cho trẻ em Việt Nam.