vĐồng tin tức tài chính 365

20 năm cầu Mỹ Thuận - Những chuyện chưa kể - Kỳ 1: Một thời cách trở dòng sông

2020-11-29 13:54
20 năm cầu Mỹ Thuận - Những chuyện chưa kể - Kỳ 1: Một thời cách trở dòng sông - Ảnh 1.

Cảnh kẹt xe ở bến phà Mỹ Thuận đầu thập niên 1960 - Ảnh tư liệu

Bởi nửa đầu thế kỷ 20, người Pháp đã lỡ hẹn, rồi 20 năm nỗ lực của chính quyền Sài Gòn với các nhà thầu Mỹ, Nhật, Hàn cũng không đi đến đâu...

"Tôi nhớ hôm khánh thành cầu Mỹ Thuận ngày 21-5-2000, cố Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn cả mẹ đi thăm. Bà và người dìu bị lẫn vào "biển" người dân nô nức tham quan. Ông Sáu Khải rất vui, hỏi chúng tôi liên tục về cây cầu và chốc chốc cũng ngoái hỏi thăm: "Mẹ tui đâu rồi?". 

 Và ông lại tiếp tục cười khi biết bà đang vui vẻ bên đồng bào ở phía sau ..." - 20 năm đã trôi qua với biết bao đổi thay, nhưng ông Đỗ Ngọc Dũng, nguyên phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án cầu Mỹ Thuận, vẫn nhắc nhớ kỷ niệm xúc động khó quên.

Qua sông phải "lụy" phà

Ông Đỗ Ngọc Dũng khẳng định đây là cây cầu đi vào lịch sử Đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí của cả Việt Nam với rất nhiều điều đặc biệt như thời gian thi công nhanh chỉ trong ba năm, kỹ thuật cầu dây văng mới nhất được áp dụng và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình.

Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất trong những điều đặc biệt mà chính lãnh đạo đất nước thời ấy và những người làm cầu cũng không ngờ là sự quan tâm của người dân. Hiếm có sự kiện nào mà người dân lại hân hoan tụ về đông như thế. 

Từ đêm hợp long đến buổi sáng khánh thành cầu Mỹ Thuận, đồng bào các nơi tụ về đứng kín cả cây cầu dài bắc qua sông Tiền. Thậm chí, đường dẫn lên cầu và hai bên bờ sông cũng rợp bóng dân...

Ngược thời gian trở lại quá khứ, để có được cây cầu mở rộng cửa ngõ miền Tây Nam Bộ này là cả một hành trình rất dài với biết bao thời cuộc máu lửa, thăng trầm đằng đẵng cả thế kỷ. 

"Tôi nhớ khoảng tháng 9 năm 1955 đã cùng gia đình qua phà Mỹ Thuận để về khu dinh điền Cái Sắn, Kiên Giang. Hôm đó hình như là nước lũ đổ, chiếc phà nhỏ chở đoàn người di cư bị chết máy, trôi theo dòng nước. 

Phải khó khăn lắm, một chiếc tàu khác mới kéo được phà chúng tôi an toàn qua bên bờ Vĩnh Long" - cụ ông Nguyễn Văn Ngọc đã ở tuổi 84 vẫn chưa quên kỷ niệm những ngày đầu di cư từ miền Bắc vào Nam.

Trước khi người Pháp khởi lập phà động cơ hơi nước vào khoảng đầu thế kỷ 20, khu vực bến Mỹ Thuận đã có đò qua sông của người dân địa phương. 

Tuy nhiên, theo trí nhớ truyền đời của các bậc cao niên đôi bờ sông Tiền, thì đò nhỏ qua sông thời kỳ đó rất vắng khách. Bởi trước khi người Pháp mở mang công lộ về lục tỉnh, dân cư vùng này chủ yếu đi đường sông rạch, nhà nào cũng có xuồng ghe thay cho chiếc xe sau này.

Từ buổi ban đầu người Pháp làm phà còn ít khách, bến Mỹ Thuận dần dần chứng kiến cảnh kẹt xe ngay từ thập niên 1940 - 1950. 

Báo Lẽ Sống của Sài Gòn số ra ngày 31-10-1955 đã đăng bài "Nạn kẹt xe tại bắc Mỹ Thuận" với những lời lẽ rất nóng: "Đây là tiếng nói hành khách từ Sài Gòn về các tỉnh Hậu Giang kể lại. Tối nay, hành khách có dịp từ Sài Gòn về các tỉnh Hậu Giang đều bị trải qua nhiều vất vả thảm thương tại bến bắc Mỹ Thuận, vì nạn kẹt xe chở họ đến rồi đều phải đậu hết lại... chờ bắc (phà). 

Mặc dầu đường thông thương từ Sài Gòn về lục tỉnh đã được xả cảng cho xe cộ chạy tự do lâu rồi, nhưng bắc Mỹ Thuận mỗi ngày chỉ khởi sự chạy chuyến đầu tiên vào lúc 6 giờ, nên tất cả xe cộ phải chờ tới giờ ấy mới có bắc mà qua sông.

Thành thử người gấp công việc, chịu khó thức khuya để kịp lên xe tại bến Sài Gòn, nhiều khi tới đó rồi lại hoàn toàn thất vọng. Vì trong lúc chờ bắc, xe nhà binh tới, lẽ tự nhiên là các xe khác lại phải chờ nữa. Quyền ưu tiên qua bắc bao giờ cũng là của xe nhà binh.

Khổ nỗi lúc này mùa mưa, hành khách phải ướt át và nheo nhóc. Hơn nữa, cũng nhọc cho người có phận sự sắp đặt trật tự tại đó, và chỗ xe được sắp đặt chờ bắc là một chỗ sình lầy, lồi lõm rất có thể gây tai nạn cho xe cộ.

Vì mục đích chăm lo cho dân chúng trong tất cả mọi phương diện và nhất là để tỏ rõ sự an ninh đã vãn hồi khá lâu rồi trong xứ, dân chúng yêu cầu Nha Công chánh Nam Việt và nhà cầm quyền địa phương nói trên đây nên lệnh đổi giờ cho bắc Mỹ Thuận chạy sớm hơn thuở giờ...".

Cuối bài viết, báo Lẽ Sống đề nghị phà Mỹ Thuận bắt đầu hoạt động từ 5 giờ sáng, thì hai tháng sau tổng giám đốc Nha Công chánh Nguyễn Văn Dinh đã đề nghị bộ trưởng công chánh và giao thông cho phà hoạt động từ 4 giờ đến 22 giờ và những lúc cần thiết thì cho chạy suốt đêm. Đề nghị này được thực hiện sau đó...

20 năm cầu Mỹ Thuận - Những chuyện chưa kể - Kỳ 1: Một thời cách trở dòng sông - Ảnh 2.

Bến phà Mỹ Thuận năm 1965 vẫn còn rất lụp xụp, tạm bợ - Ảnh tư liệu

Lách vé và những tai nạn

"Những năm cuối thập niên 1950, thỉnh thoảng chúng tôi có việc từ Kiên Giang lên Sài Gòn đều qua phà Mỹ Thuận. Tôi nhớ hồi đó, phà hay kẹt vào các buổi đầu sáng, trưa và chiều tối đúng tầm xe Sài Gòn hay các tỉnh chạy tới phà. 

Cha mẹ tôi hay mang cơm và cá khô theo để ăn trong lúc đợi phà" - ông Ngọc kể thêm kẹt nặng nhất là mỗi khi có đoàn quân xa qua phà, tất cả các xe đều phải đi sau.

Sang năm 1960, để giảm tải cho bắc Mỹ Thuận vào ban ngày, nhà chức trách đã tăng thêm giờ phà hoạt động đêm, trong khi tăng giá vé qua phà ban ngày. Các nhà xe nào muốn lợi giá vé thì sắp đặt giờ xuất bến để qua phà ban đêm. 

Tuy nhiên, biện pháp này đã gặp sự phản đối quyết liệt của các nhà xe lớn. Nhiều hãng vận tải lớn như Đức Hiệp, Đại Đồng, Đại Hưng, Lập Thành, Hiệp Lợi đã ngồi lại với nhau lập "Liên hiệp vận tải Sài Gòn - Cà Mau" để tìm cách giảm chi phí qua phà Mỹ Thuận.

Cuối cùng, họ đã thống nhất cách lập cùng lúc hai đội xe từ Sài Gòn đến bờ Bắc Mỹ Thuận và đội xe từ bờ Nam Mỹ Thuận xuống các tỉnh miền Tây. Xe vận chuyển hành khách từ Sài Gòn đến phà dừng lại cho khách đi bộ qua phà để lên xe đợi sẵn ở bờ bên kia và ngược lại. 

Như vậy, các hãng sẽ không phải tốn tiền vé xe qua phà. Với 9 hãng và gần 30 xe hoạt động kiểu này đã làm bến phà Mỹ Thuận thất thu suốt nhiều tháng năm 1960.

Trong lịch sử hoạt động của phà Mỹ Thuận, hiếm có tai nạn nghiêm trọng xảy ra. Nhưng trước năm 1975 cũng từng có những vụ đụng phà và chìm xe ở đây. 

Tài liệu Nha Kiều lộ ghi lại ngày 3-2-1958, chiếc xe khách mang biển số NDC 579 do tài xế Đinh Văn Hoàng ở Xóm Mới, Gò Vấp, chở dân di cư về Hậu Giang đang lên chiếc phà 25 tấn số 4E25 thì bị chết máy và tuột chìm xuống sông làm chết một số người, trong đó có trẻ em. 

Sang đêm ngày 27-9-1963, hai chiếc xe hàng từ Sài Gòn lên chiếc phà B50 loại 50 tấn ở Mỹ Thuận đã dồn lệch một bên làm phà bị nghiêng và chìm hẳn xuống sông. Tai nạn không có người chết nhưng gây sóng gió trên báo chí Sài Gòn và ra cả các dân biểu.

Dự định xây cầu Mỹ Thuận qua sông Tiền được khởi lập từ những năm giữa thập niên 1950 lại càng khẩn thiết hơn...

Ngoài thiếu phà, tình trạng phà nhỏ, yếu thời đó cũng là nguyên nhân làm chậm lưu thông qua Bắc Mỹ Thuận.

Ngày 3-10-1958, ông Trần Bá Hoàn, kỹ sư trưởng Ty Công chánh Vĩnh Long, đã phúc đáp tình trạng báo chí phản ánh phà chậm chạp: “Lúc đó, tôi ở trên chiếc phà 50 tấn mạnh nhất với 2 máy mới. Tôi đã chứng kiến phà vào bến 5 lần mới cập được. 4 lần trước, phà cứ giảm tốc lực để cập bến thì lại bị luồng nước đầy lui ra xa 50 mét”.

Năm 1965, Nha Kiều lộ thuộc Bộ Giao thông và công chánh Việt Nam Cộng hòa lập dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận đã báo cáo: “Mặc dù với sự trang bị rất lớn: 3 phà 50 tấn, 2 phà 25 tấn và 1 phà 100 tấn, nhưng hiện phà vẫn không đủ để giải quyết lưu thông qua lại trên sông này. Số xe qua lại hằng ngày lên đến 1.000 chiếc, do đó đã xảy ra nạn kẹt xe tại bến phà. Trong những giờ đông đảo, xe cộ phải đợi hàng giờ mới qua được phà”.

Ít người biết từ năm 1956, chính quyền Sài Gòn đã toan tính ba phương án là cầu treo, cầu trên cột hoặc làm hầm nối đôi bờ Mỹ Thuận.

Kỳ tới: Phải có một cây cầu

Quốc lộ 1 đoạn vào cầu Mỹ Thuận nứt nẻ và nhiều ổ gàQuốc lộ 1 đoạn vào cầu Mỹ Thuận nứt nẻ và nhiều ổ gà

TTO - Tuyến quốc lộ 1 đoạn đến cầu Mỹ Thuận đang bị hư hỏng nặng, trong khi đó mật độ xe lưu thông trên tuyến đường này rất lớn sẽ làm đường hư hỏng nặng nề hơn.

Xem thêm: mth.29063449092110202-gnos-gnod-ort-hcac-ioht-tom-1-yk-ek-auhc-neyuhc-gnuhn-nauht-ym-uac-man-02/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“20 năm cầu Mỹ Thuận - Những chuyện chưa kể - Kỳ 1: Một thời cách trở dòng sông”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools