- Đâu là rào cản khiến người nghiện bỏ dở điều trị Methadone?
- Tìm hướng giải quyết người nghiện ngoài cộng đồng
- Không thể coi người nghiện ma tuý là người bệnh
Nhiều người được hỏi còn thẳng thừng rằng, những người tìm đến ma túy là ý thức chủ quan, tự mình tìm đến vì muốn được “hưởng thụ”, muốn tìm “cảm giác lạ” nên không thể xem là người bệnh được. Mặt khác, thứ mà họ sử dụng là chất cấm, là sử dụng trái phép thì cần phải xử lý hình sự để đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật.
Công an TP Hồ Chí Minh thu giữ số lượng ma túy khủng trong một đường dây ma túy. |
Điều 199, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định “Người nào sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy thì bị phạt tù từ 3 tháng đến hai năm. Tái phạm tội này thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm”.
Với quy định nghiêm khắc như vậy, những người trót lỡ dại vướng vào ma túy (bị lôi kéo, dụ dỗ) luôn nỗ lực, cố gắng thoát nghiện, nếu không phải chịu cảnh tội tù. Còn những kẻ tự tìm đến ma túy thì cố gắng tuyệt giao với ma túy sau khi bị xử lý hình sự lần đầu. Thế cho nên kể từ thời điểm Bộ luật Hình sự 1999 có hiệu lực, những người nghiện hút chẳng dám hút chích công khai giữa đường, nhất là sau khi đã có “tiền án, tiền sự” về tội danh này. Từ đó mà tình hình mua bán, sử dụng trái phép ma túy ở Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng được kiểm soát, kéo giảm.
Trước đây, trong một báo cáo gửi Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi điều 199 Bộ luật Hình sự, theo đó không coi người nghiện ma túy là tội phạm hình sự. Với đề xuất này, nhiều đại biểu Quốc hội lúc bấy giờ bày tỏ quan điểm không đồng thuận, bởi cho rằng “sẽ là thảm hoạ quốc gia nếu bỏ hoặc sửa điều 199”. Thực tế, không phải nước nào người ta cũng coi người nghiện là người bệnh. Ở một số nước phương tây coi người nghiện là bệnh nhân nhưng điều kiện kinh tế-xã hội, dân trí của họ khác, không giống ở Việt Nam.
Cho nên, đến một lúc nào đó, xã hội phát triển hơn, trình độ dân luật nâng lên thì có thể tính toán đối xử khác với người sử dụng chất ma túy, còn thời điểm hiện tại là không nên. Khi coi người nghiện là bệnh nhân, việc chỉ xử lý hành chính người sử dụng trái phép chất ma túy, con nghiện như được “sổ lồng”, tha hồ hút chích.
Từ đó, TP Hồ Chí Minh đã thật sự trở thành vùng trũng về tệ nạn ma túy. Ở công viên Phú Lâm (giáp ranh giữa quận Bình Tân và Quận 6), các con nghiện sống lang thang chọn ghế đá, gốc cây làm nhà để chăn dắt gái làng chơi kiếm tiền mua ma túy. Cũng chính công viên này đã nuôi sống khá nhiều băng cướp là con nghiện sống lang thang và gây ra nhiều vụ án chấn động dư luận, như băng cướp của, giết xe ôm do Hà Văn Lưu cầm đầu; băng cướp giật gây ra hàng chục vụ do Nguyễn Văn Cuộc cầm đầu…
Ở khu vực cầu Chà Và (đại lộ Võ Văn Kiệt, phường 13, quận 5) lúc nào cũng có con nghiện chiếm bờ kè làm chỗ ngủ, tiêm chích. Ban ngày họ tỏa đi các nơi nhưng vẫn giăng mắc quần áo, mùng mền, nệm ở khu vực bờ kè tạo ra hình ảnh rất phản cảm giữa phố thị đông người.
Phía bên kia cầu Chà Và là địa bàn quận 8 với ba phường được xem là điểm nóng về ma túy là phường 6, 12 và phường 14. Ở các điểm này có nhiều con nghiện sử dụng ma túy, ngủ ở lề đường. Cùng “cảnh ngộ” các công viên như Văn Lang (quận 5), 23-9 (quận 1), Gia Định (Phú Nhuận)… cũng trở thành những điểm nóng về ma túy.
Tệ hại hơn là khu vực ngã tư An Sương (giáp ranh giữa quận 12 và huyện Hóc Môn), do là điểm giao nhau giữa quốc lộ 22 và quốc lộ 1A nên con nghiện không chỉ có người địa phương, mà còn đến từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ. Quanh đây lúc nào cũng có hàng chục kẻ nghiện chích ma túy rồi vứt kim tiêm vương vãi khắp nơi, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh trật tự.
Từ ngã tư An Sương dọc theo quốc lộ 1A hướng về quận Thủ Đức có khá nhiều khu vực lùm cây vắng người và một số cầu vượt như cầu vượt Quang Trung, Tân Thới Hiệp, Ngã Tư Ga, Bình Phước, Gò Dưa… cũng là “nhà” của người sống lang thang và con nghiện. Gần đây, giữa tháng 11-2020, con nghiện tụ tập hút chích ở khu vực ngã tư An Sương đã bùng phát trở lại, cơ quan chức năng lại phải ra quân đẩy đuổi. Tuy nhiên, số con nghiện mà có “chỗ ở ổn định”, chưa bị đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc thì vẫn còn đó và sẽ chuyển sang địa bàn khác rồi tiếp tục… hút chích!
Cũng trong 10 năm kể từ khi bỏ điều 199, những con nghiện mới chuyển sang sử dụng hàng đá. Nơi những con nghiện sử dụng không còn ở công viên, vỉa hè, mà chuyển sang quán bar, vũ trường, khách sạn, nhà nghỉ, karaoke… nên hình ảnh con nghiện hút chích công khai ở lề đường giảm hơn là vì vậy.
Khi tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng, cuối năm 2014, Quốc hội mới có Nghị quyết 77 cho phép TP triển khai đề án đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc trở lại nhưng cũng chỉ giới hạn đối tượng người không có nơi ở ổn định.
Trước đó, Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 quy định, không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện có nơi cư trú ổn định, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại phường, xã, thị trấn (thời hạn từ 6-12 tháng) mà vẫn còn nghiện. Nghị định này còn quy định việc quyết định đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc do TAND cấp huyện quyết định đã kéo dài thêm thủ tục gây khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật và dễ tạo điều kiện cho con nghiện bỏ trốn trước khi bị đưa đi.
Theo thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh, từ năm 2011 đến 6 tháng đầu năm 2020, Công an TPđã phát hiện, điều tra khám phá 15.553 vụ, bắt 32.487 đối tượng, khởi tố 15.847 bị can; thu giữ 592,943kg heroin, hơn 2.788kg ma túy tổng hợp, 154,784kg cần sa...
Trong 5 năm gần đây, lượng ma túy tổng hợp mà Công an TP thu giữ tăng bình quân hằng năm hơn 100%. Riêng trong năm 2019, số lượng ma túy phát hiện, thu giữ vận chuyển qua địa bàn TP tăng đột biến với gần 340kg heroin, hơn 1,4 tấn ma túy tổng hợp, hơn 42kg cần sa… Còn theo thống kê của Bộ Công an, tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có gần 240 ngàn người nghiện có hồ sơ quản lý, tăng 60% so với năm 2009. Án về ma túy của năm 2019 cũng tăng 77% so với năm 2008.
Điều đó đã nói lên rằng, sự nhân đạo xem con nghiện là bệnh nhân đã thật sự cản bước cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến ma túy dẫn đến hậu quả nặng nề do con nghiện gây ra như thời điểm hiện nay.
Ngày 2/11/2020, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Nhiều đại biểu đồng tình cho rằng phải xử lý nghiêm chứ không xem người nghiện là bệnh nhân.
Xem thêm: /376126-nahn-hneb-al-neihgn-iougn-ioc-uen-gnoul-nohk-auq-uaH/us-ioht-yan-moh-ed-naV/nv.moc.dnac