vĐồng tin tức tài chính 365

Băn khoăn ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản cho thuế

2020-11-30 09:40

LTS: Theo Nghị định 126/2020 có hiệu lực từ ngày 5-12-2020, các ngân hàng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng khi được ngành thuế yêu cầu. Quy định mới này nhận được nhiều ý kiến trái chiều, trong đó nhiều ý kiến băn khoăn về tính bảo mật thông tin cá nhân, quyền công dân của khách hàng.

Xung quanh việc ngân hàng (NH) phải cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng cho ngành thuế vẫn còn nhiều vấn đề khúc mắc, cần làm sáng tỏ.

Theo dõi các giao dịch ngân hàng 

 Nghị định 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế nêu rõ: Người đứng đầu cơ quan thuế được quyền yêu cầu NH cung cấp các thông tin như giao dịch qua tài khoản, số dư, số liệu giao dịch… của người nộp thuế. Đáng chú ý, việc cung cấp thông tin này được thực hiện định kỳ.

Theo đó, việc cung cấp thông tin được thực hiện lần đầu trong 90 ngày kể từ khi Nghị định 126 có hiệu lực (kể từ ngày 5-12-2020) và cập nhật các thông tin về tài khoản hằng tháng trong 10 ngày đầu mỗi tháng.

“Việc cung cấp các thông tin kể trên nhằm phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp; thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế” - nghị định nêu rõ. 

Nghị định 126 cũng yêu cầu NH phải khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của nhà cung cấp nước ngoài (Facebook, Google, YouTube…) không có cơ sở thường trú tại Việt Nam (VN) nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân trong nước...
Theo giải thích của ngành thuế, quy định mới xuất phát từ thực tế vấn đề quản lý, thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hiện gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc ngành thuế nắm giữ các giao dịch NH sẽ giúp kiểm soát dòng tiền từ nước ngoài, tạo sự công bằng trong kinh doanh.
Bình luận về quy định mới này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, cho biết: Trước đây, chỉ khi nào ngành thuế có đề nghị, các NH mới cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế. Tuy vậy, việc thực hiện rất khó khăn do tốn thời gian khiến cơ quan thuế thất bại trong việc truy được các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử.
Thế nhưng, với việc Luật Quản lý thuế đã luật hóa việc các NH phải cung cấp thông tin định kỳ sẽ giúp cơ quan thuế dễ dàng truy vết được bất cứ ai ở VN có thu nhập hàng tỉ đồng nhờ các kênh thương mại điện tử hoặc các trang mạng xã hội để đánh thuế.
“Rất nhiều người trong chúng ta có thu nhập trên 10 triệu đồng đã phải đóng thuế nhưng có những người có thu nhập cả chục tỉ mỗi năm mà không tốn đồng thuế nào. giờ đây Nghị định 126 sẽ tạo ra công bằng, hợp lý cho mọi người” - luật sư Đức bày tỏ.
Tuy vậy, luật sư Trương Thanh Đức lưu ý khi thực hiện quy định mới, các cơ quan chức năng cần phải làm rõ trách nhiệm và quyền lợi của các bên để hạn chế rủi ro thiệt hại cho các bên liên quan.
Lo ngại về quyền riêng tư
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc NH Agribank, cho biết: Từ trước đến nay, phía NH vẫn cung cấp các số liệu liên quan khi có yêu cầu của cơ quan thuế cũng như các cơ quan chức năng khác. Tuy nhiên, đó không phải là công việc thường xuyên, liên tục và cũng không phải với số lượng khách hàng lớn.
Thế nhưng giờ đây Nghị định 126/2020 yêu cầu các NH phải có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng khi được ngành thuế yêu cầu. Để thực hiện theo tinh thần của nghị định này thì ngành NH và ngành thuế chắc chắn sẽ phải ngồi lại với nhau để đưa ra cách thực hiện phù hợp. Trong đó, giải pháp thực thi khả quan nhất là nên quy về một đầu mối thông tin, ví dụ như mã số định danh.

Băn khoăn ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản cho thuế - ảnh 1
Ngân hàng được yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho ngành thuế. Ảnh: THÙY LINH

Đồng thời phải có hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia về thanh toán để các bên liên quan có thể kết nối tự động, tương tự hình thức truy cập dữ liệu thông tin tín dụng của khách hàng trên CIC (Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia VN). Bởi lẽ các NH khó có đủ nhân lực để cung cấp các số liệu theo yêu cầu của cơ quan thuế một cách đại trà. 

“Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng liên quan cũng phải tính toán, cân nhắc về cơ chế chia sẻ thông tin với nhau. Việc chia sẻ thông tin cần đảm bảo yêu cầu an toàn cho cả NH và khách hàng” - bà Phượng đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng giám đốc NH SCB, chia sẻ: Khi Nghị định 126 có hiệu lực thì việc các NH buộc phải chấp hành quy định của pháp luật là điều đương nhiên. Liên quan đến trách nhiệm của NH trong việc sao kê các thông tin để cung cấp cho cơ quan thuế thì NH không gặp khó khăn, trở ngại nhiều nhưng nó gây ra tâm lý e ngại cho khách hàng về quyền riêng tư liệu có còn được bảo vệ hay không.
“Do đó, tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần phải đưa ra các quy định chi tiết hơn những trường hợp nào thì cơ quan thuế được quyền yêu cầu cung cấp thông tin và mức độ thông tin mà NH buộc phải cung cấp là như thế nào” - ông Hoàn nhấn mạnh. 
Chi phí tăng, ai gánh chịu?
Liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin khách hàng, Nghị định 126 nêu rõ: Cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế và quy định của pháp luật liên quan.
Tuy nhiên, tổng giám đốc một NH nêu quan điểm: Hiện chưa biết khối lượng thông tin mà cơ quan thuế cần NH cung cấp là như thế nào, số lượng tài khoản mỗi tháng cơ quan thuế đẩy về phía NH để yêu cầu truy xuất thông tin là ít hay nhiều…
Do vậy, NH chưa thể tính toán được chi phí tốn kém ra sao khi thực hiện quy định mới. nếu trường hợp số lượng tài khoản hằng tháng cần truy soát ở mức độ nhiều thì chắc chắn NH sẽ phải tốn thêm chi phí.
“Trong tất cả hoạt động vận hành thì đều có rủi ro đánh cắp dữ liệu. Do đó, bản thân các NH luôn phải có hệ thống phòng ngừa để đảm bảo tính an toàn và bảo mật thông tin cho NH và khách hàng. Trường hợp phía cơ quan thuế muốn cung cấp dữ liệu theo hình thức trực tuyến thì chắc chắn NH sẽ phát sinh thêm chi phí để thiết lập hàng rào nhằm đảm bảo hệ thống an ninh, an toàn của NH. Vậy câu hỏi đặt ra là khi phát sinh chi phí đó thì bên nào sẽ gánh chịu?” - vị lãnh đạo NH này đặt câu hỏi.
Đại diện Vietcombank cũng băn khoăn về quy định NH phải có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập với khoản tiền nhận được từ YouTube, Google, Facebook... Bởi về bản chất, các NH thương mại, trung gian thanh toán là cung ứng dịch vụ thanh toán. Do vậy, trên thực tế, các NH, trung gian thanh toán thiếu thông tin xác định khoản tiền nào liên quan đến thu nhập chịu thuế để xác định nghĩa vụ thuế của khách hàng.
“Vậy cách thức NH thương mại cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng cho ngành thuế ra sao? NH thực hiện nghĩa vụ này là khó khăn nên rất mong có hướng dẫn cụ thể để thực hiện đúng quy định” - đại diện Vietcombank thắc mắc.•

Băn khoăn ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản cho thuế - ảnh 2
Các cơ quan chức năng cần phải đưa ra các quy định chi tiết hơn những trường hợp nào thì cơ quan thuế được quyền yêu cầu cung cấp thông tin . Ảnh minh họa


 
Chế tài nặng nếu làm rò rỉ thông tin khách hàng

 Đại diện một doanh nghiệp cho rằng cần có thông tư hướng dẫn Nghị định 126/2020 cụ thể, rõ ràng. Trong đó nêu rõ đối tượng, tiêu chí khách hàng nào phải cung cấp thông tin, từ đó xác định phương thức cung cấp. Đồng thời, không tạo ra những thủ tục hành chính phức tạp làm tốn thêm chi phí cho các bên liên quan. 

“Quan trọng nhất là quy định cụ thể về cam kết bảo mật thông tin, trách nhiệm của cơ quan quản lý, NH. Trong trường hợp vi phạm bảo mật thông tin thì sẽ bị chế tài, xử lý ra sao. Thậm chí cần đưa quy định xử lý hình sự nếu để rò rỉ thông tin gây thiệt hại, ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức” - đại diện doanh nghiệp này kiến nghị.

Xem thêm: lmth.837259-euht-ohc-naohk-iat-nit-gnoht-pac-gnuc-iahp-gnah-nagn-naohk-nab/et-hnik/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Băn khoăn ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản cho thuế”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools