Đó là "lời tòa soạn" do Chủ bút Phạm Quỳnh viết giới thiệu cho số Tết 1918 của báo Nam Phong - được ghi nhận là tờ báo xuân đầu tiên của Việt Nam.
Tinh thần của tờ báo xuân đầu tiên ấy cũng chả khác gì với hậu sinh hơn 100 năm sau, đó là "Dẫu người buồn đến Tết cũng phải vui"! Vì vậy, nhà nhà đều làm báo Tết khi xuân về, và điều đó trở thành một nét độc đáo của báo chí Việt Nam.
Nhưng, làm báo Tết có sướng không? Báo Tết có phải là một số báo tổng kết năm không? Câu trả lời cho hai câu hỏi vừa nêu là hai chữ "không"!
Cái khổ của đội ngũ làm báo Tết kể ra khó mà đủ cho khuôn khổ một bài báo, nhưng trong các loại khổ (khổ việc tìm kiếm chủ đề, khổ vì đi đặt bài, ngóng bài…) thì khổ nhất là chuyện làm bìa.
Từ ngày xưa cho đến tận bây giờ, cha ông hay kẻ hậu sinh cũng đều gặp nhau một điểm: Làm cái bìa sao cho tươi tắn, lạc quan.
Bởi, nói như ông Phạm Quỳnh, dẫu người buồn đến Tết cũng phải vui mà. Một cái bìa dù đẹp, nhưng u buồn thì khó mà được chọn vì truyền thống của người Việt là ba ngày Tết phải vui; vui cho cả năm mới đều vui.
Chẳng thế mà, ở tờ báo Tết đầu tiên, ông Phạm Quỳnh cho vẽ ông Thọ, ông Phúc trên bìa. Hay cho dù đó là bìa của danh họa Nguyễn Gia Trí vẽ cho báo Tết Ngày Nay năm 1938, thì cũng là một thiếu nữa có gương mặt thật đẹp e ấp đứng bên cội hoa đào, cùng hai đứa bé mặc áo dài tung tăng hớn hở.
Ngày nay, gu làm bìa của đa số báo Tết cũng theo mô-típ đó: Một cô gái thật đẹp, bên cành đào với báo phía Bắc và bên cành mai với báo phía Nam. Báo ngành thì cô gái trên bìa ấy mặc bộ lễ phục ngành; trên báo dành cho người lao động thì mặc bộ đồ công nhân…
Có báo muốn thoát ly lối mòn ấy thì chọn cách cứ năm con vật nào thì đưa hình con vật ấy được vẽ cách điệu ra bìa.
Riêng với báo Xuân của Tuổi Trẻ thì sao? Với thâm niên hơn chục năm được Ban biên tập phân công vào nhóm làm báo xuân, cùng với thâm niên "ăn lương" Tuổi Trẻ gần 30 năm, tôi xin cung cấp thông tin cho những "thí sinh" tham gia cuộc thi thiết kế bìa báo Tuổi Trẻ Xuân năm nay như sau:
- Đương nhiên, điều tiên quyết vẫn phải là vui tươi, lạc quan để bạn đọc không ngại "xúi quẩy" khi mua báo mang về nhà! Và cũng vì vậy, màu sắc chủ đạo của báo Tết thường là đỏ, vàng theo truyền thống, hoặc xanh của lạc quan, hy vọng; chứ đen và xám, dù có nghệ thuật đến mấy cũng khó mà được bạn đọc tiếp nhận.
- Yêu cầu kế tiếp là không thoát ly khỏi dòng thời sự. Thời sự ở đây không phải là là sự kiện vừa mới xảy ra hay sắp xảy ra, mà đó là một vấn đề lớn mà xã hội quan tâm trong năm qua hoặc là năm sắp tới.
Nhưng tính thời sự ấy, nó không giống nhật báo là mang tính phản ánh, mà nó phải được nâng tầm, mang theo một thông điệp. Ví dụ như số báo Xuân Kỷ Hợi, sự kiện đình đám nhất, thu hút sự quan tâm nhiều nhất trong dịp gần cuối năm cũ là bóng đá. Nhưng, nếu thiết kế một cái bìa hình Quang Hải thuần túy thì nó giống với một tờ báo thể thao chứ không phải một tờ báo chính trị - xã hội của giới trẻ.
Vì vậy, phải làm sao để nâng tầm câu chuyện bóng đá thành công? Một mẫu số chung cho mọi sự thành công chứ không riêng gì bóng đá, đó là phải đầu tư ươm mầm. Và thế là cái bìa ngôi sao Quang Hải có một động tác như ôm lấy các cầu thủ nhí của lò PVF được trình làng. Bìa ấy đã đoạt giải A tại Hội báo xuân.
Dĩ nhiên, không phải năm nào cũng có được cái bìa thành công. Vì vậy, phải nói rằng thiết kế bìa là một khâu rất khó khi thực hiện một tờ báo xuân.
Vì vậy năm nay nhóm thực hiện báo Tuổi Trẻ Xuân Tân Sửu muốn có sự hà hơi tiếp sức của đội ngũ những người thiết kế chuyên nghiệp trong việc thực hiện bìa báo. Trong những ngày qua, chúng tôi đã nhận được khá nhiều tác phẩm dự thi, nhưng thật sự chưa có ứng cử viên cho giải nhất.
Để các ứng viên thoải mái hơn, chúng tôi xin đưa ra một vài gợi ý như sau:
1. Đừng quá bị ám ảnh với con trâu bởi chủ đề Tân Sửu An Vui. Chủ đề này chỉ nhằm ghi dấu đây là năm Tân Sửu, chứ từ khóa quan trọng là An-Vui.
2. Tại sao phải An? Tại sao phải Vui? Vấn đề thời sự lớn nhất của đất nước chúng ta trong năm qua là sự bất an do dịch COVID; do bão lũ tàn phá miền Trung. Vì vậy, An là điều mà tất cả chúng ta cùng mong mỏi, cầu nguyên cho năm mới. Còn Vui, như đã nhắc ở trên với lời cụ Phạm Quỳnh "dẫu người buồn đến Tết cũng phải vui" kia mà.
Tóm lại, dù các bạn vẽ tranh, hay đồ họa, hoặc thiết kế dựa trên hình ảnh chụp… thì miễn sao tác phẩm của mình sẽ giúp cho bạn đọc Tuổi Trẻ nhìn thấy được một sự bình an - vui vẻ ở đó. Có thể, độc giả mới vui vẻ rước về nhà để nhâm nhi trong ba ngày Tết Tân Sửu!
Bìa báo Xuân quyết định hơn 50% sức mua của công chúng
Làm báo Xuân, đọc báo Xuân đã có truyền thống trên dưới trăm năm ở nước ta. Báo Xuân được coi là giai phẩm không thể thiếu của tờ báo trong dịp xuân về, Tết đến. Vì là giai phẩm nên nó đòi hỏi đặc sắc cả về nội dung lẫn hình thức, nhất là trang bìa phải thật ấn tượng, bắt mắt. Bìa báo Xuân quyết định hơn 50% sức mua của công chúng.
Người ta thường không đọc báo Xuân mà thưởng thức báo Xuân như một món ăn tinh thần đúng nghĩa, thậm chí nhiều người còn dùng báo Xuân làm vật trang trí trong phòng khách hoặc làm quà tặng cho nhau trong ngày Tết. Do đó, bìa báo Xuân phải đẹp và có ý nghĩa.
Một bìa báo Xuân "hay" phải tổng hòa bốn yếu tố, gồm hương vị Tết truyền thống, hơi thở thời đại, chủ đề của giai phẩm và bản sắc của tờ báo.
Nhưng thực tế, các bìa báo Xuân thường chỉ tập trung thể hiện được một trong bốn yếu tố này mà thôi. Từ đó, hình thành nên những xu hướng và phong cách làm bìa báo Xuân khác nhau với những chỉ dấu đặc trưng, không khó để nhận thấy.
Theo tôi, bìa báo Xuân hiện nay nên chú trọng tính mỹ thuật, dùng tranh vẽ theo phong cách hiện đại sao toát ra thông điệp chung của Tết cổ truyền dân tộc: tươi vui, an lành, may mắn.
Còn tinh thần thời đại, tính thời sự có thể duy trì trong nội dung các bài viết nhưng không nhất thiết "show" ra ở trang bìa. Báo Xuân chủ yếu để thư giãn, thưởng thức và suy ngẫm lúc nghỉ ngơi, thanh nhàn.
Giảng viên báo chí Nguyễn Văn Hà (PHẠM VŨ ghi)
Những người trẻ nên nắm bắt cơ hội tuyệt vời này với báo Tuổi Trẻ
"Bìa báo xuân gần đây không bằng thời bao cấp", họa sĩ Lê Thiết Cương, một họa sĩ đã và đang tham gia vẽ nhiều bìa báo Tết, thích mua, đọc báo xuân đã phải than phiền như vậy khi trò chuyện với Tuổi Trẻ Online về cuộc thi Thiết kế bìa giai phẩm Tuổi Trẻ Xuân Kỷ Sửu 2021.
Lý do theo ông là bởi trước đây các họa sĩ có tên tuổi như Mai Long, Trần Lưu Hậu, Bùi Xuân Phái, Sỹ Ngọc… đều tham gia vẽ minh họa cho báo và đặc biệt là bìa báo xuân.
Nhưng gần đây, các họa sĩ trình bày quá lạm dụng máy tính, nhiều tờ báo lại đặt nặng tính chính trị trong khi các họa sĩ lười suy nghĩ khiến các bìa báo xuân nhiều khi nhàm chán và giống nhau.
Cho nên theo ông Cương, cách mà báo Tuổi Trẻ tổ chức thi thiết kế bìa báo xuân (có lẽ là lần đầu tiên một tờ báo tổ chức) là rất hay, có thể huy động được sức sáng tạo lớn trong cộng đồng họa sĩ để có được bìa báo xuân ấn tượng.
"Công nghệ đang mang đến cho các họa sĩ trẻ khả năng sáng tạo vô biên. Những người trẻ nên nắm bắt cơ hội tuyệt vời này với báo Tuổi Trẻ", họa sĩ Lê Thiết Cương nhắn nhủ.
Ông cũng có gợi ý cho các họa sĩ dự thi theo quan điểm cá nhân, một bìa báo xuân đẹp, ấn tượng là bìa báo mà mầu (hoà sắc) phải tươi, hình ảnh phải mới và tổng thể phải vui.
THIÊN ĐIỂU (ghi)
Phải cách tân mạnh mẽ từ nội dung lẫn hình thức
Họa sĩ trẻ Thành Phong - một họa sĩ chuyên về truyện tranh và minh họa rất quen thuộc với công chúng trẻ qua những dự án cá nhân cũng như minh họa nhiều cuốn sách được yêu thích như Thương nhớ thời bao cấp, Số đỏ, bộ Long thần tướng - lại nhấn mạnh tới tính ấn tượng của một bìa báo xuân .
Theo họa sĩ Thành Phong, hiện nay, báo chí, đặc biệt là báo in, đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với mạng xã hội. Để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này thì báo in phải cách tân mạnh mẽ từ nội dung lẫn hình thức, phải mạnh dạn đổi mới.
Họa sĩ này lấy ví dụ về sự đổi mới rất ấn thượng của tạp chí New Yorker. Tờ này dùng bìa vẽ hinh họa chứ không phải cắt dán ảnh. Cách này theo anh là rất ấn tượng với độc giả hiện nay, nhiều bìa của tạp chí này còn đặc biệt "chất lừ".
Thành Phong cho rằng hiện nay có nhiều bạn trẻ minh họa tốt, nhưng dường như các bạn vẫn chưa được mở cho những cơ hội để phát huy sức sáng tạo của mình trên bìa báo xuân nên các bìa báo Tết đến nay đa phần vẫn "hơi an toàn" và cũ.
Vì vậy, anh rất kì vọng cuộc thi thiết kế bìa báo xuân của báo Tuổi Trẻ sẽ mang đến cơ hội để sức trẻ được bung tỏa, mang đến những bìa báo "chất lừ" cho giai phẩm Tuổi Trẻ Xuân Kỷ Sửu 2021, một giai phẩm đặc biệt khép lại một năm chứng kiến nhiều vất vả và yêu thương của người Việt, để mở ra một năm mới nhiều tươi vui.
THIÊN ĐIỂU (ghi)
TTO - Báo Tuổi Trẻ tổ chức thi thiết kế bìa giai phẩm Xuân 2021. Giải nhất 50 triệu đồng, sử dụng làm bìa báo cùng 5 giải khuyến khích mỗi giải 5 triệu đồng. Tuổi Trẻ Online trò chuyện với một số nhà văn hóa, chuyên gia để hiểu thêm về bìa báo xuân.