Theo số liệu công bố từ Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2020 có gần 93,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Con số này tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy tính trung bình mỗi tháng có 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Cụ thể trong gần 93,5 nghìn doanh nghiệp nói trên có 44,4 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 59,7%; 33,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 11,7%; hơn 15,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,1%.
Gần 93,5 nghìn doanh nghiệp đóng cửa trong 11 tháng đầu năm (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Dù bị tác động lớn bởi đại dịch COVID-19, song tình hình hoạt động của các doanh nghiệp vẫn cho những tín hiệu tích cực trong thời gian gần đây. Theo đó, số doanh nghiệp thành lập mới tháng 11/2020 tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2019; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 5,4% và tăng 59,8%. Đặc biệt, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11 tăng 72% so với tháng trước và tăng 103,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 11 tháng năm 2020, cả nước có gần 124,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới tăng 21,7%.
Xuất siêu cao kỷ lục
Hoạt động xuất nhập khẩu là điểm tích cực khác trong bức tranh kinh tế của Việt Nam. Cụ thể theo Tổng cục Thống kê, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng năm 2020 đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước tính đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% và nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%.
Việt Nam xuất siêu 20,1 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2020
Thống kê cũng cho thấy, trong 11 tháng có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 138 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 90,2 tỷ USD, tăng 1,5%; nhóm hàng nông, lâm sản đạt 18,7 tỷ USD, giảm 0,1%; nhóm hàng thủy sản đạt 7,7 tỷ USD, giảm 0,9%.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng với kim ngạch đạt 69,9 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 43,1 tỷ USD, tăng 16%. Thị trường EU đạt 32,2 tỷ USD, giảm 2,4%. Thị trường ASEAN đạt 20,9 tỷ USD, giảm 10,6%. Hàn Quốc đạt 17,7 tỷ USD, giảm 2,7%. Nhật Bản đạt 17,3 tỷ USD, giảm 6,5%.
CPI của cả nước giảm 0,01%
Một số liệu đáng chú ý khác, theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới; giá điện, nước sinh hoạt giảm do nhu cầu tiêu dùng giảm trong mùa mưa là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2020 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 0,08% so với tháng 12/2019, tăng 1,48% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2020, CPI tăng 3,51% so với cùng kỳ năm 2019.
Giá xăng dầu giảm đã giúp CPI tháng 11 giảm nhẹ
Trong đó, CPI khu vực thành thị tăng 3,13%, khu vực nông thôn tăng 3,87% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản 11 tháng năm 2020 tăng 2,43% so với cùng kỳ năm 2019.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.46841010103110202-gnaht-iom-auc-gnod-peihgn-hnaod-0058/et-hnik/nv.vtv