Phở Ngọc Vượng ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
11:00… Nội Bài - ga nội địa những ngày này đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Đặt chân xuống sảnh đến, dù vẫn còn chiếc khẩu trang kín mít, hai tay còn lễ mễ vali, túi xách, lòng tôi đã chộn rộn một cảm giác rõ rệt: VỀ NHÀ.
Tôi sẽ cần ùa vào dòng người lấy hành lý, trải qua đám mùi hỗn tạp ở sân bay, rồi bước vào một chiếc taxi, chịu đựng mùi nồng nồng của thứ tinh dầu nhân tạo treo xe thêm chút nữa để về tới nhà.
Căn nhà có cánh cổng sắt mới làm lại được vài năm, có khoảng sân gạch giữ lại được cây khế cao chót vót rợp bóng, có góc tường treo những giò lan mãi chẳng nở hoa sau nhiều nỗ lực của bố tôi. Và thế là mùi hương tôi mong đợi sẽ xuất hiện. Mùi hương "theo yêu cầu" mà tôi đã dặn mẹ trước ngày về: Con muốn ăn phở.
Ngôi nhà của ba thế hệ cùng sinh sống. Ông nội vẫn giữ nếp xưa, gọi phở là "bữa cải thiện", dù đối với bữa cơm ngày nay thì nấu phở đôi khi còn đơn giản gọn nhẹ hơn "món Tây, món Tàu" này nọ.
Cậu em trai mới lên cấp hai, ăn gì cũng được miễn là không phải ăn cơm, nên cũng thích thú trong những bữa mẹ nấu phở. Còn với bố tôi, cảnh mẹ đặt nồi nước phở sôi sùng sục lên tấm lót nồi trên bàn ăn, sau đó khéo léo chan từng bát tô lớn đã sắp sẵn bánh phở chần nóng, thịt bò thái mỏng, hành thái nhỏ…, đã trở thành hình ảnh thân thương khiến bố mỉm cười mà rót cho ly rượu đầu bữa đầy thêm một chút.
Đối với chị em chúng tôi, bát phở mẹ nấu có một mùi hương gợi ký ức hơn bất cứ bát phở nào trên mảnh đất Hà Nội này.
Khi nhắc đến phở, bao nhiêu cái tên sẽ hiện lên trong đầu bạn, những thương hiệu phở lâu đời ở đất Hà Nội, nơi mà người ta chạy xe hàng chục cây số chỉ để được đến thưởng thức đúng cái hương đó, cái vị đó.
Nhưng đối với tôi, không có bát phở nào lưu lại mùi hương lâu như bát phở ở nhà. Bởi tôi được hít hà những mùi hương từ bàn tay mẹ từ khâu chuẩn bị.
Thực khách thưởng thức phở Bát Đá tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Ấy là mùi nồi xương hầm, mùi hồi, mùi quế, mùi thảo quả, hạt mùi thơm lừng khắp nhà, khiến bất cứ kẻ ngủ nướng cuối tuần nào cũng phải bật dậy để chiều lòng cái bụng đang réo sôi ùng ục.
Rồi mùi của mùi tàu (ngò gai), hành tây, rau mùi, húng quế thơm thơm trên đầu ngón tay mẹ khéo léo nhặt, rửa. Bát phở ăn thì nhanh, nhưng mùi hương lưu lại vướng vít trong gian bếp, lan tỏa ra phòng khách, rồi phảng phất cả dưới chân cầu thang, đến nỗi bố tôi vẫn hay nói đùa: "Hôm nào nấu phở là chẳng cần gọi, cả nhà tự động ngồi vào bàn đúng giờ".
Phở ngon cần học cách làm, và ăn phở cũng cần phải học. Đến giờ, tôi vẫn không quên được "bài học ăn phở" ngày xưa mẹ đã dạy. Con gái Hà Nội, ăn phở phải ý nhị, đừng để ra đời người ta cười là "Mang tiếng người Tràng An".
Mỗi người sẽ dùng một đũa, một thìa. Khi ăn, không được tạo ra âm thanh "sột soạt" khi hút sợi phở. Khéo léo gắp sợi phở gọn trong thìa, lấy một chút nước, sau đó đưa gọn vào miệng. Bánh phở dai, miếng thịt bò mềm tan trong miệng, vị giác được thức tỉnh với các loại rau gia vị hòa cùng vị nước dùng thanh ngọt, khứu giác được nuông chiều với những sợi khói mỏng tang phả ra từ bát phở chan nước nóng già…
Sau này khi lớn hơn, tôi đã biết ăn ớt chưng, giấm tỏi, bỏ thêm chút hạt tiêu. Bát phở lên hương, lên vị đậm đà hơn, kích thích vị giác nhiều hơn, cũng khắc họa rõ nét hơn trong tâm trí tôi về một bát phở Hà Nội tròn vị là như thế nào. Để đến khi đi xa, nhớ nhiều nhất chính là mùi vị đó, hương thơm đó, một "hương Hà Nội" chẳng bao giờ lẫn vào đâu, chẳng khi nào nhòa nhạt.
Sau này, tôi cũng học mẹ cách nấu phở, cũng tập tành để mẹ "truyền nghề" cho, để thấy nụ cười của bố vẫn hiền hậu như thế, khi thấy những đứa con gái của mình đã lớn, đã biết nữ công gia chánh. Bố hay cười bảo em trai, lấy vợ chỉ cần biết nấu phở ăn sáng là đạt tiêu chuẩn.
Bạn bè tôi người miền Nam, người nước ngoài, mỗi lần có dịp lại muốn được ăn phở Hà Nội. Họ nói, mỗi người có một "tay nghề" khác nhau, nhưng cái tinh thần thì không thể lẫn đâu được.
Do vậy, bát phở do cô gái Hà Nội nấu có sức hấp dẫn lạ thường. Thế nên, họ vẫn thường "đánh bay" một bát to bự và ngợi khen hết lòng mỗi khi tôi trổ tài. Ở nhà nấu phở, tôi cho đó là bình thường; nhưng đến khi đi xa, bỗng thấy món phở Hà Nội trở thành niềm tự hào khôn tả.
Có gì hấp dẫn trong Ngày của phở 12-12-2020?
Ngày của phở 2020 sẽ tiếp tục với cuộc bình chọn "Top 10 thương hiệu phở được yêu thích" từ nay đến ngày 30-11. Top 10 năm 2020 sẽ được vinh danh tại gala Ngày của phở 12-12 (Hà Nội). Link bình chọn TẠI ĐÂY .
Năm nay, hành trình "Đi tìm người nấu phở ngon" sẽ mở thêm bảng B dành cho người yêu phở không phải là đầu bếp chuyên nghiệp, giúp tạo thêm sân chơi cho những bà nội trợ, những người đam mê món ăn quốc hồn quốc túy của dân tộc.
Cuộc thi ảnh và viết với chủ đề "Phở trong tôi" vừa được ban tổ chức công bố hiện đã nhận được nhiều bức ảnh, bài viết đầy cảm xúc, hứa hẹn lọt vào tầm ngắm của các chuyên gia, của những vị giám khảo khó tính nhưng luôn hết mình vì phở Việt.
Ngày của phở 12-12 năm nay được tổ chức với sự phối hợp của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, đơn vị đồng hành chính Acecook Việt Nam cùng các đơn vị đồng hành: VinPearl, Minh Long, sâm Ngọc Linh...
TTO - Nói đến phở, trong tôi luôn đong đầy kỷ niệm, từ tô phở bò nóng hổi ở Huế ba thưởng khi tôi được giấy khen của trường, hay chiếc xe đẩy mỗi xế chiều ngang qua ngõ.
Xem thêm: mth.45412311103110202-ihn-y-iahp-ohp-na-ion-ah-iag-noc-nad-em/nv.ertiout