Hãng tin Sputnik ngày 28-11 đưa bài viết của nhà phân tích quân sự Scott Ritter (Mỹ) về tác động của sự việc nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát đến nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông Joe Biden.
Ông Ritter là cựu chuyên viên tình báo của quân chủng Thủy quân lục chiến Mỹ, từng là thanh sát viên giám sát thực hiện Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa Mỹ và Liên bang Xô viết, và từng là thanh sát viên vũ khí của Liên Hợp Quốc.
Bước đi đầy tính toán của Israel
Mở đầu bài viết, ông Ritter đặt câu hỏi liệu vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran có phải là âm mưu của Israel nhằm buộc ông Biden phải từ bỏ ý định theo đuổi ngoại giao thay vào đó là dùng hành động quân sự để đối phó tham vọng hạt nhân của Iran hay không. Nếu thế thì ông Biden sẽ chọn phương án nào?
Ông Fakhrizadeh được cho là kiến trúc sư đứng sau chương trình hạt nhân của Iran. Iran hiếm khi đề cập đến nhân vật này và những việc làm, đóng góp của ông này. Vốn là một chuẩn tướng trong Bộ Chỉ huy Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, ông Fakhrizadeh tham gia vào nhiều khía cạnh học thuật của an ninh quốc gia Iran, sau đó lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Vật lý – nơi ông vạch ra thiết kế cũng như thu mua nguyên vật liệu để phục vụ nỗ lực làm giàu uranium của Iran.
Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu (trái) và ông Joe Biden - người sắp trở thành tổng thống mới của Mỹ. Ảnh: THE TIMES OF ISRAEL
Tháng 4-2018, Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu tuyên bố xem ông Fakhrizadeh là nhân vật lãnh đạo chương trình hạt nhân phục vụ mục đích quân sự của Iran – điều Tehran luôn phủ nhận. Ngày 28-11, nhà khoa học hạt nhân 62 tuổi này bị ám sát chết bên ngoài thủ đô Tehran. Hiện vẫn chưa ai tuyên bố nhận trách nhiệm, tuy nhiên Iran khẳng định thủ phạm là Israel.
Thời điểm bị ám sát, ông Fakhrizadeh là lãnh đạo Tổ chức Nghiên cứu và Đổi mới (RIO) thuộc Bộ Quốc phòng Iran. Một báo cáo tháng 6 năm nay về giải trừ hạt nhân do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố cáo buộc rằng ông Fakhrizadeh đã sử dụng tổ chức RIO “để sử dụng các nhà khoa học chương trình vũ khí trước đây vào các hoạt động kỹ thuật lưỡng dụng liên quan đến việc vũ khí hóa (hạt nhân)…để hỗ trợ mọi tiến trình phát triển vụ khí hạt nhân nào trong tương lai, trong trường hợp có quyết định khôi phục công việc này”.
Nội dung này, cùng với việc Iran quyết định nới lỏng tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân ký với nhóm P5+1 năm 2015 có ảnh hưởng thực tế đến việc ông Fakhrizadeh bị ám sát, theo ông Ritter.
Các hạn chế trong thỏa thuận hạt nhân được thiết kế dựa trên tính toán viễn cảnh Iran cần “một năm” để sản xuất đủ uranium làm giàu cao chế tạo được một quả bom hạt nhân, một khi Iran quyết định thôi tuân thủ thỏa thuận.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) và hiện trường nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát. Ảnh: REUTERS
Tháng 5-2019, một năm sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran bắt đầu nới lỏng tuân thủ các cam kết. Nếu theo viễn cảnh trên thì thời gian Iran tiến đến sở hữu bom hạt nhân chỉ còn vài tuần.
Chuyện Iran không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân phần nào khiến chính phủ ông Trump lúng túng. Chính sách “tối đa hóa áp lực” dựa vào trừng phạt mà ông Trump áp dụng từ năm 2018 rõ ràng đã không có hiệu quả nếu nói đến mục tiêu buộc Iran quay trở lại bàn đàm phán nhằm thương lượng một thỏa thuận mới theo ý Mỹ và nhiều hạn chế hơn với Tehran.
Bên cạnh tin rằng Iran vẫn tiếp tục duy trì tham vọng vũ khí hạt nhân, chính phủ ông Trump cũng phải đối mặt với thực tế là mình đã tạo điều kiện cho Iran đẩy nhanh tiến trình tiến tới sản xuất một vũ khí hạt nhân đe dọa trực tiếp đến Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở khu vực, đặc biệt Israel hay Saudi Arabia. Có thể nhận thấy điều này qua một số bản tin gần đây rằng ông Trump đã cân nhắc sử dụng phương án quân sự nhắm vào chương trình hạt nhân của Iran, theo ông Ritter.
Hiện trường nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát, bên ngoài Tehran. Ảnh: REUTERS
Với Israel, vấn đề càng nghiêm trọng hơn. Trong khi với Mỹ khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân của Iran là một câu đố hóc búa về chính sách, thì với Israel một quả bom hạt nhân của Iran là một đe dọa hữu hình.
Vì lý do này, lâu nay Israel luôn cứng rắn khi đối mặt với khả năng Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Dù thế, hành động của Israel chống lại chương trình hạt nhân của Iran lại rất tiêu cực, theo ông Ritter. Thời gian 2009-2010, Israel hợp tác với tình báo Mỹ tấn công mạng Iran, cài đặt virus Stuxnet cản trở hoạt động các máy ly tâm của Iran tại nhà máy hạt nhân Natanz. Thời gian 2010-2012 là một chương trình ám sát với mục tiêu giết bốn nhà khoa học hạt nhân Iran. Vụ ám sát thứ năm suýt giết chết người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran.
Tình báo Israel cũng được cho là đứng đằng sau hàng loạt các vụ nổ bí ẩn ở các cơ sở liên quan hạt nhân của Iran trong năm nay, vốn gây ra thiệt hại nặng nề và phần nào làm gián đoạn chương trình ly tâm của Iran.
Tới thời điểm này Israel vẫn không nhận trách nhiệm vụ nhà khoa học hạt nhân Fakhrizadeh bị ám sát, tuy nhiên theo ông Ritter hoàn toàn hợp lý và có cơ sở để xem chuyện nhân vật này bị ám sát là một nỗ lực tiếp nối của Israel nhằm làm suy yếu năng lực hạt nhân Iran.
“Món quà nặng ký” gây khó cho ông Biden
Ông Biden không lạ gì các biện pháp này của Israel. Thời còn làm phó tổng thống Mỹ, ông Biden từng tham dự nhiều cuộc họp quan trọng liên quan việc triển khai virus Stuxnet. Ông Biden hoàn toàn nhận thức rõ áp lực đặt lên Tổng thống Barack Obama về chuyện có dùng hành động quân sự với Iran hay không. Ông Biden cũng hiểu vai trò của các vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân Iran là nhằm làm tăng áp lực này lên phía Mỹ.
Ông Jake Sullivan – người từng đảm nhiệm vị trí cố vấn an ninh quốc gia cho ông Biden thời ông còn là phó tổng thống – có vai trò quan trọng trong quá trình thương lượng ban đầu tiến tới ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông Biden biết rõ rằng thỏa thuận này là một đường tránh ngoại giao cho con đường chính sách, để con đường này không dẫn đến chiến tranh. Ông Biden cũng tường tận sâu sắc với các đánh giá viễn cảnh “một năm” – thời gian Iran có thể sản xuất đủ uranium làm giàu cao để chế tạo vũ khí hạt nhân, và quyết định (ký thỏa thuận) được đưa ra nhằm làm dịu bớt lo ngại về khả năng Iran có vũ khí hạt nhân phục vụ quân sự.
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei (ảnh lớn) và nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh (ảnh nhỏ). Ảnh: REUTERS
Dù Israel chưa nhận trách nhiệm nhưng ông Ritter cũng tin rằng ám sát nhà khoa học hạt nhân Fakhrizadeh là một hành động có tính toán của Israel. Cái chết của ông Fakhrizadeh không có tác động thực sự đến các hoạt động hạt nhân của Iran – từ lâu đã có một thế hệ mới các nhà khoa học hạt nhân Iran được đào tạo và tuyển dụng trong một chương trình được cho tiên tiến và thuần thục hơn nhiều chương trình ông Fakhrizadeh đã bắt đầu hơn 20 năm trước.
Tuy nhiên về tâm lý mà nói thì việc ông Fakhrizadeh bị ám sát – giữa ban ngày ngay giữa trung tâm Iran – là một cú sốc tâm lý với dàn lãnh đạo Tehran, và một lần nữa chứng minh cánh tay tình báo Israel đủ dài để có thể tiếp cận bất cứ ai.
Tuy nhiên tác động lớn nhất từ việc này là ảnh hưởng của nó đến đội ngũ an ninh quốc gia xung quanh ông Biden. Thời gian qua ông Biden và đội ngũ của ông nói nhiều đến việc đưa Mỹ tham gia lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên các điều kiện phía ông Biden đưa ra để tham gia lại thỏa thuận – Iran phải quay trở lại tuân thủ hoàn toàn các cam kết và ngay lập tức xúc tiến thương lượng một thỏa thuận khác nhiều hạn chế hơn với Tehran – lại được đánh giá là các yếu tố phá vỡ thỏa thuận.
Thực tế, nhiều nhân vật cố vấn thân cận của ông Biden – gồm ông Antony Blinken dự kiến sẽ là ngoại trưởng và ông Jake Sullivan dự kiến sẽ là cố vấn an ninh quốc gia – từng ám chỉ rằng ông Biden có thể không có lựa chọn nào khác là phải tiếp tục chính sách “tối đa hóa áp lực” dựa trên trừng phạt mà ông Trump đã áp lên Iran.
Với Israel, chính sách “tối đa hóa áp lực này” này – được áp dụng trong khi chờ đợi cải thiện thương lượng về khả năng Mỹ tham gia lại thỏa thuận – là không thể chấp nhận được. Từ quan điểm của Israel, “tối đa hóa áp lực” đã không chỉ thất bại trong việc buộc Iran quay lại bàn đàm phán mà còn đặt Iran vào thế phải phát triển năng lực vũ khí hạt nhân.
Việc ám sát ông Fakhrizadeh phục vụ hai mục đích chính. Thứ nhất, cản trở Iran bắt tay với ông Biden. Sau khi ông Fakhrizadeh bị ám sát chết, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã chỉ đạo các nhà khoa học nước này tiếp tục các hoạt động khoa học và kỹ thuật của ông Fakhrizadeh ở tất cả các lĩnh vực ông này nghiên cứu, thực hiện.
Các lãnh đạo Iran (ảnh) đang chờ xem chính sách của ông Biden. Ảnh: ARAB CENTER WASHINGTON DC
Tuy nhiên mục đích quan trọng nhất đằng sau việc ám sát ông Fakhrizadeh là nhằm tạo một tình thế đã rồi mà chính phủ tương lai của ông Biden phải tính đến khi bàn các phương án chính sách.
Khả năng Mỹ tham gia lại thỏa thuận hạt nhân Iran không có triển vọng thành công, Iran sẽ không bao giờ đồng ý với các điều kiện tiên quyết mà ông Biden và các cố vấn của ông muốn, theo ông Ritter.
Cũng như thế, việc tiếp tục thực hiện chính sách “tối đa hóa áp lực” thời ông Trump cũng không phải là một phương án chính trị bền vững, khi chương trình hạt nhân của Iran không ngừng phát triển.
Ông Ritter cho rằng các sự việc bất ngờ mà chính phủ ông Trump từng đối mặt thì chính phủ ông Biden cũng sẽ phải đối mặt ngay trong ngày đầu tiên ông làm tổng thống.
Và theo ông, với việc ám sát ông Fakhrizadeh, Israel đã làm hết sức có thể để đảm bảo rằng, với ông Biden thì hành động quân sự là phương án khả dĩ duy nhất mà ông có thể làm với Iran.