Các loại thuế quan bổ sung của Mỹ đối với Trung Quốc đã buộc nhiều doanh nghiệp quốc tế suy nghĩ lại về hoạt động sản xuất của mình - Ảnh: REUTERS
Gần đây, nhà sáng lập hãng chế tạo linh kiện điện tử Foxconn (Đài Loan), ông Terry Gou, đã nhắc đến khái niệm "G2" để mô tả việc chuỗi cung ứng thống nhất sẽ chia tách ít nhất thành hai.
Tương tự, chủ tịch Foxconn, ông Young Liu, hồi tháng 8 nhận định Ấn Độ, Đông Nam Á và châu Mỹ có thể trở thành những hệ sinh thái sản xuất riêng trong tương lai.
Hãng tin Bloomberg nhận định xu hướng này đang ngày một không thể thay đổi trong bối cảnh các nước như Việt Nam và Ấn Độ nỗ lực củng cố cơ sở hạ tầng, thu hút nhà đầu tư nhờ chi phí thấp và bối cảnh địa chính trị ổn định.
"Khi Trung Quốc trở nên ngày một đắt đỏ, chính trị Mỹ vẫn còn khó đoán, giới doanh nghiệp đã di dời hoạt động sản xuất một số mặt hàng ra khỏi Trung Quốc. Xu hướng đó sẽ tiếp tục vì Trung Quốc vấn tiếp tục đắt đỏ hơn, trong khi Việt Nam và Ấn Độ đã cải thiện khả năng cạnh tranh", ông Dan Wang, chuyên gia phân tích công nghệ thuộc hãng Gavekal Dragonomics, nhận định.
Lập trường thương mại cứng rắn của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc đã buộc nhiều nhà sản xuất di dời hoạt động tới các quốc gia khác để tránh thuế quan bổ sung, cũng như hạn chế rủi ro bị trừng phạt trong tương lai.
Hãng công nghệ Apple vốn là một trong những công ty chống lại việc chuyển đổi quy mô lớn như trên nhưng đã dần thay đổi trong vài năm trở lại đây.
Hãng sản xuất iPhone đã vận động chính phủ Mỹ hỗ trợ hoạt động sản xuất chip điện tử địa phương bằng ưu đãi thuế. Nhà cung ứng chính của hãng, tập đoàn sản xuất chip Đài Loan TSMC, đã lên kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất chip tại tiểu bang Arizona. Dù quy mô và công nghệ của xưởng sản xuất chủ yếu tập trung đối tượng khách hàng nhỏ hơn, nhưng đây cũng là tín hiệu cho thấy sự thay đổi đã bắt đầu.
Ngoài Apple, công ty mẹ Alphabet của Google đã đặt Foxconn nhiều đơn hàng linh kiện quan trọng cho các máy chủ của hãng tại Wisconsin. Quá trình sản xuất quy mô lớn được cho là sẽ được xúc tiến trong quý I-2021.
Trong khi đó, hãng công nghệ Nintendo (Nhật Bản) đã giao một phần hoạt động sản xuất máy chơi game Switch cho chi nhánh của Sharp (Nhật Bản) tại Malaysia. Trước đó, Nintendo đã yêu cầu đối tác là Foxconn đề xuất địa điểm thay thế cho hoạt động sản xuất chủ lực tại Trung Quốc.
Foxconn Tech, một liên doanh lớn giữa Foxconn và Sharp, đã móc nối cho hợp tác giữa 2 doanh nghiệp Nhật trên.
TTO - Thủ tướng Úc Scott Morrison nói Trung Quốc nên “thực sự xấu hổ” vì đã đăng tải hình ảnh tuyên truyền sai trái, bạo lực về quân nhân Úc trên mạng xã hội, yêu cầu gỡ bỏ nội dung này.