vĐồng tin tức tài chính 365

Đánh thức tiềm năng trí tuệ nhân tạo

2020-11-30 15:37

Ba dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) là tầm soát bệnh Glôcôm (lĩnh vực y tế), Music ID (lĩnh vực bản quyền âm nhạc), MiSmart (lĩnh vực nông nghiệp) vừa giành giải đồng hạng xuất sắc cuộc thi "Dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo TP HCM" năm 2020.

Giải quyết tình trạng giải cứu nông sản

Nhờ làm chủ được công nghệ sản xuất với tỉ lệ nội địa hóa đạt 70%, máy bay không người lái (drone) của Công ty CP Công nghệ thông minh Mismart (Mismart) có giá bán chỉ bằng một nửa so với hàng nhập khẩu (150-250 triệu đồng/cái).

Anh Phạm Thanh Toàn, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Mismart, cho biết mục tiêu của dự án là giải quyết từng bài toán nhỏ cho nông dân để sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Drone của Mismart có nhiều dạng, gồm drone thăm đồng và drone phun thuốc có dung tích 16 lít, 22 lít và 30 lít.

Đánh thức tiềm năng trí tuệ nhân tạo  - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức (hàng đầu, bên phải) trao 3 giải đồng hạng xuất sắc cuộc thi “Dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo TP HCM”. Ảnh: Hà An

Được tích hợp AI, thiết bị có thể phân tích dữ liệu ảnh cây trồng, chỉ ra những bất thường của cây và chẩn đoán loại bệnh, từ đó đề xuất phun thuốc trừ sâu thích hợp. Thiết bị bay được thiết kế phun sương, hạt thuốc được làm mịn với kích thước 100 nm, tăng khả năng thẩm thấu của cây trồng lên đến 90%... Qua các thuật toán AI, drone sẽ phun thuốc trừ sâu đúng chỗ cây trồng bị sâu bệnh. Hệ thống AI cũng ghi nhớ phần diện tích cây trồng đã bị phun thuốc trừ sâu để khi thu hoạch sẽ đánh dấu khu vực nông sản này, góp phần bảo đảm nguồn gốc nông sản, xây dựng sản phẩm nông nghiệp sạch.

"Là người xuất thân từ nông thôn, tôi thấu hiểu nỗi đau của người nông dân khi sản xuất rất vất vả nhưng năm nào nông sản cũng phải giải cứu. Dự án chúng tôi hướng đến là số hóa được bản đồ nông nghiệp Việt Nam, tạo cơ sở dữ liệu về nơi canh tác từng mặt hàng, thời gian thu hoạch, sản lượng là bao nhiêu để tìm cách giải quyết căn cơ tình trạng giải cứu nông sản" - anh Toàn bày tỏ.

Là công ty khởi nghiệp từ năm 2019, đến nay Mismart đã bán được 40 drone tại nhiều tỉnh ĐBSCL, sử dụng cho nhiều cây trồng như: lúa, thanh long, xoài, nhãn, cam… Theo anh Toàn, giải nhất với phần thưởng 100 triệu đồng là nguồn động viên rất lớn cho sự phát triển của công ty. Bên cạnh đó, quá trình tham gia cuộc thi, nhờ được huấn luyện bởi các chuyên gia từ Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, Vườn ươm ICM, từ đó tạo điều kiện cho công ty phát triển, hoàn thiện mô hình kinh doanh, kỹ năng gọi vốn, thuyết trình trước khách hàng.

Bảo vệ tác quyền âm nhạc

Câu chuyện bản quyền thời số hóa luôn là một vấn đề đau đầu với những người chủ sở hữu ở nhiều lĩnh vực, trong đó có âm nhạc. Dự án Music ID của tác giả Lương Công Trung Nguyên, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM), là giải pháp bảo vệ bản quyền âm nhạc sử dụng AI.

Bằng việc xây dựng thuật toán về AI, nhóm tác giả đưa ra giải pháp giúp người sáng tác biết được sản phẩm của mình có bị sao chép, đăng trên các mạng xã hội như YouTube, Facebook... hay không.

Hệ thống giúp phát hiện những người đăng tải sản phẩm âm nhạc khi chưa được tác giả cho phép, cung cấp bằng chứng để người sáng tác làm việc với người đăng tải, cơ quan quản lý để bảo hộ bản quyền.

Trong lĩnh vực y tế, với dự án tầm soát bệnh Glôcôm, nhóm bác sĩ Bệnh viện Mắt TP HCM đưa ra giải pháp chụp ảnh màu gai thị, sử dụng phần mềm AI (Eye DR) của tác giả Phạm Thị Thủy Tiên.

Glôcôm có tên gọi khác là cườm nước, là một dạng bệnh lý ở mắt gây tổn hại thần kinh thị giác, gây mù lòa. Phương pháp chụp ảnh màu gai thị có tốc độ chụp 6,5 giây mỗi ảnh với độ nhạy trên 92%, chẩn đoán chính xác 92%. Dự án được đánh giá cao, giúp tăng năng suất khám của bác sĩ, giảm thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh…

Ứng dụng AI xây dựng thành phố thông minh

AI đang dần trở thành một công cụ quan trọng để vận hành các hoạt động, xây dựng văn hóa làm việc trực tuyến, giao dịch qua mạng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, AI giúp nền kinh tế, sản xuất và đời sống vận hành bình thường.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, nhận định các giải pháp công nghệ tạo nền tảng để hiện thực hóa mô hình tăng trưởng mới. "TP HCM sẽ là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo nhất cả nước, tận dụng các cơ hội phát triển của công nghệ 4.0, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn. TP cũng khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực" - ông Đức nhấn mạnh.

Từ chương trình "Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TP HCM giai đoạn 2020-2030", TP đặt mục tiêu xây dựng và phát triển hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; đưa AI trở thành công nghệ then chốt phục vụ chuyển đổi số, xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh...

Ông Jesse Arlen Smith - Chủ tịch AlforGood châu Á, Giám đốc điều hành "The Robot of the Year" - đánh giá tiềm năng AI ở Việt Nam là khổng lồ, có thể nhảy vọt.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trong sản xuất và ứng dụng AI, Việt Nam cần có chiến lược bài bản, tầm nhìn dài hạn, không nên nóng vội, dễ sinh ra "sản phẩm lỗi".

Cuộc thi "Dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo TP HCM" năm 2020 do Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học - công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phát động từ đầu tháng 5-2020 với 108 dự án tham gia.

Ngoài 3 giải xuất sắc, có 5 giải khuyến khích được trao cho các dự án ứng dụng AI vào nuôi trồng thủy sản, chẩn đoán bệnh Alzheimer, chẩn đoán các bệnh về da, BOT bán hàng, hệ thống xác định âm thanh và các tín hiệu bất thường cho máy công nghiệp. Ban Tổ chức cũng trao giải Ấn tượng cho dự án phát hiện học sinh vắng hoặc chưa xuống xe bằng AI.

Xem thêm: mth.84932444103110202-oat-nahn-eut-irt-gnan-meit-cuht-hnad/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đánh thức tiềm năng trí tuệ nhân tạo”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools