Mưa lớn khiến cầu Nước Oa ngập sâu làm H.Nam Trà My bị cô lập. ẢNH: NAM THỊNH |
Trong khi đó, ông Trần Toại, Phó chủ tịch UBND H.Bắc Trà My cho biết, từ khuya 29 đến sáng 30.11, trên địa bàn huyện có mưa lớn, khiến lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về nhiều. Vì vậy, nước đã băng qua 2 cầu ngầm tại sông Trường, sông Nước Oa gây chia cắt tuyến Quốc lộ 40B.
Theo ông Toại, mưa lũ đã gây chia cắt, cô lập hoàn toàn nhiều xã trên địa bàn huyện như: xã Trà Giáp, Trà Giác, Trà Bui, Trà Tân… và H.Nam Trà My (Quảng Nam). Ngoài ra, huyện đã chỉ đạo các địa phương chủ động ứng phó mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”, bố trí lực lượng chốt chặn, cấm người và phương tiện qua lại các khu vực cầu cống, ngầm bị ngập, chia cắt và các điểm nguy cơ sạt núi.
Thoát hiểm trong gang tấc khi sạt lở kéo ngọn núi đổ sập ở Quảng Nam |
Dừng tìm kiếm 17 nạn nhân mất tích do sạt lở
Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng (H.Nam Trà My) cho hay, do trên địa bàn xảy ra mưa lớn nên sáng 30.11, công tác tìm kiếm 13 nạn nhân mất tích do vụ sạt lở núi ở nóc Ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng) tiếp tục tạm dừng để đảm bảo an toàn cho lực lượng chức năng. Sau nhiều ngày nỗ lực tìm kiếm hiện vẫn chưa tìm thấy thêm nạn nhân vụ sạt lở.
Máy móc được huy động để tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở Trà Leng. ẢNH: NAM THỊNH |
Ông Cường cũng cho rằng, hiện một số con suối trên địa bàn xã nước dâng cao, chảy xiết nên mọi phương tiện lưu thông vào xã không đi được. Trước nguy cơ xảy ra lũ quét nếu mưa lớn vẫn kéo dài nên địa phương sơ tán khoảng 100 người dân sinh sống dọc ven sông suối, nơi có nguy cơ sạt lở đất đá đến ở tạm các lều, nhà kiến cố ở xã. Về lương thực, thực phẩm đủ cung cấp cho bà con ở xã được khoảng hơn 1 tháng.
Ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc (H.Phước Sơn, Quảng Nam) cho biết, do mưa lớn nên sáng nay (30.11) lực lượng chức năng cùng với lực lượng tại chỗ của xã đã tạm dừng tìm 4 nạn nhân vẫn còn mất trong vụ sạt lở núi xảy ra vào chiều 28.10.
Ngoài ra, tuyến đường từ trung tâm xã Phước Lộc vào thôn 3 chưa thể thông tuyến vì có nhiều điểm sạt lở đất lớn, trong khi phương tiện máy móc chưa thể vào được. Bên cạnh đó, tuyến đường ĐH 2 nối từ xã Phước Thành đến Phước Lộc lại xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất đá trở lại, gây khó khăn cho phương tiện, người dân.
“Chúng tôi cũng đã tiến hành sơ tán hơn 50 người dân ở thôn 3. Về lương thực, thực phẩm đủ cung cấp cho bà con trong vòng 3 tháng”, ông Thoại nói.
Trước đó, vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra ngày 28.10, đã xóa sổ hoàn toàn một ngôi làng, vùi lấp 55 người trong đó 33 người may mắn thoát chết, 9 thi thể được tìm thấy. Hơn 1 tháng nay lực lượng chức năng triển khai tìm kiếm tại hiện trường, dọc sông Leng. Đến nay vẫn còn 13 nạn nhân mất tích chưa được tìm thấy.
Cũng trong thời điểm đó, tại xã Phước Lộc xảy ra vụ sạt lở núi khiến 13 người bị vùi lấp, hiện đã tìm được 9 thi thể và 4 nạn nhân vẫn còn mất tích.