Trong cuộc sống, thành công sẽ đến với những người dám cam kết làm việc hết 100% sức mình, những người dám nghĩ "dù cái giá phải trả là gì đi nữa". Họ hiến dâng mọi thứ mình có để đạt được kết quả mong muốn - đó là một tấm huy chương vàng Olympic, giải thưởng dành cho những doanh nhân thành công, một bữa tối hoàn hảo, điểm A môn vi trùng học, hay là một ngôi nhà mơ ước.
Một điều đơn giản - nhưng có thể khiến bạn ngạc nhiên - là có biết bao người mỗi sáng thức giấc đều tự đấu tranh với chính bản thân mình để có thể thực hiện những lời cam kết, làm việc đúng kỉ luật, hay tiến hành các kế hoạch hành động của họ.
Quy tắc không ngoại lệ
Những người thành đạt luôn tuân theo "quy tắc không ngoại lệ" như một kỉ luật hàng ngày của họ. Mỗi lần bạn cam kết làm một việc, sẽ không có trường hợp ngoại lệ nào để từ bỏ. Nó đã được quyết định, không thể đàm phán thêm. Sẽ không có trường hợp đặc biệt dù hoàn cảnh có như thế nào chăng nữa. Không bàn cãi, không cho phép ngoại lệ, không cần nghĩ thêm về quyết định này mỗi ngày. Nó đã được đưa ra "bút sa, gà chết".
Không còn đường nào để quay lại nữa. Việc này sẽ dễ dàng và đơn giản hơn để tôi luôn giữ tập trung vào các công việc khác. Nó giúp giải phóng hàng tấn năng lượng dành cho các cuộc đấu tranh nội tâm mỗi ngày. Năng lượng dành cho các cuộc tranh luận này sẽ không thể dùng để đạt tới thành công.
Nếu bạn cam kết thực hiện nguyên tắc này bằng bất cứ giá nào, dần dần nó sẽ trở thành thói quen trong bạn. Bạn sẽ làm, dù cho bạn đang đi du lịch, hay bạn có cuộc phỏng vấn lúc bảy giờ sáng, hay ngoài trời đang mưa, hay lịch làm việc đã kín, hay đơn giản là bạn không thích nó. Bạn hãy thực hiện bằng mọi cách.
Cũng giống như đánh răng trước khi đi ngủ. Bạn luôn làm việc này. Nếu bạn lên giường rồi mới phát hiện ra mình chưa đánh răng, hãy đứng dậy và làm vệ sinh. Dù lúc đó bạn có mệt mỏi hay đã muộn lắm rồi, hãy vẫn thực hiện công việc này.
Đúng ngày trăng tròn
Thầy giáo Sid Simon là một nhà hùng biện, nhà giáo, tác giả và nhà thơ thành công. Ông phải phân bổ thời gian làm việc tại Hadley và Massachusetts vào mùa hè, Sanibel và Floria vào mùa đông. Thầy là giáo sư nổi tiếng nhất trong Khoa Đào tạo của đại học Massachusetts.
Hai lĩnh vực ưu tiên nhất của thầy là sức khỏe và thể lực. Ở tuổi 77, thầy vẫn đạp xe thường xuyên, tập thể dục, ăn đồ ăn tốt cho sức khỏe và thầy còn cho phép mình mỗi tháng ăn một cốc kem vào đúng ngày trăng tròn.
Vào bữa tiệc sinh nhật lần thứ 75 của thầy, có hơn 100 người bao gồm người thân, bạn bè và các cựu sinh viên trên khắp đất nước đã đến dự. Món tráng miệng là bánh ngọt và kem. Nhưng có một vấn đề, hôm đó không phải là ngày rằm. Để thuyết phục thầy cho phép mình phá lệ trong dịp đặc biệt này, bốn người học trò từng biết cam kết "đúng ngày trăng tròn" của thầy đã làm một vầng trăng giả lớn từ bìa cứng và nhôm lá cho thầy.
Nhưng lời thuyết phục ngọt ngào đó không làm thầy Sid thay đổi cam kết của mình. Thầy vẫn từ chối dùng kem. Thầy biết rằng nếu phá lệ một lần, rất dễ sẽ có lần tiếp theo. Sẽ dễ dàng hơn để giải thích hay viện cớ cho những lần tiếp theo. Thầy biết rằng, luôn luôn giữ cam kết sẽ dễ dàng hơn khi đã phá vỡ nó một lần. Và thầy đã không từ bỏ điều mình đã làm được suốt bao nhiêu năm. Tối hôm đó, tất cả mọi người đã học được một bài học quý giá về tính kỉ luật bản thân.
Dù là việc gì chăng nữa
Tiến sĩ Wayne Dyer, người được biết đến như một nhà diễn thuyết và chỉ đạo chương trình The Power of Intention cho PBS. Ông cũng đã tự lập một lời cam kết tương tự để bảo vệ sức khỏe và thể lực của mình. Trong suốt 22 năm qua, mỗi ngày Wayne chạy ít nhất tám dặm - liên tục không nghỉ ngày nào. Wayne chạy ở cầu thang, hành lang khách sạn trong suốt những ngày đông giá lạnh của New York - thậm chí anh còn luyện tập ngay trên các chuyến bay của mình.
Dù ý định của bạn là dành mỗi ngày một giờ để đọc sách, tập chơi piano năm ngày một tuần, gọi hai cuộc điện thoại kinh doanh một ngày, học thêm ngoại ngữ, thực hành đánh máy, đứng lên ngồi xuống 50 lần, chạy sáu dặm, suy ngẫm, cầu nguyện, đọc kinh thánh, dành 60 phút quý giá cho các con - hay dù là việc gì khác nữa bạn cần làm để đạt được mục đích của mình - thì việc cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc 100% sẽ đưa bạn tới đích bạn mong muốn.
Lý do cuối cùng giải thích vì sao 100% lại rất quan trọng
Cam kết thực hiện đúng 100% cũng rất quan trọng trong các lĩnh vực khác của cuộc sống - ví dụ, trong công việc. Hãy cùng suy ngẫm xem những tình huống có thể xảy ra nếu mọi người chỉ cam kết thực hiện đúng 99,9% mọi việc:
•Mỗi tháng sẽ có một giờ uống nước không đảm bảo vệ sinh.
•Có hai chuyến bay hạ cánh không an toàn mỗi ngày tại sân bay quốc tế O’Hare.
•Mỗi giờ có 16.000 lá thư bị thất lạc.
•20.000 đơn thuốc bị kê sai mỗi năm.
•500 ca phẫu thuật bị hỏng mỗi tuần.
•Mỗi giờ, có tới 22.000 tấm séc bị thanh toán nhầm tài khoản.
•Tim bạn sẽ đập sai 32.000 nhịp sau mỗi năm.
Bạn có thể thấy tại sao con số 100% lại quan trọng đến thế rồi chứ? Hãy thử suy ngẫm xem cuộc sống và thế giới này sẽ tốt đẹp hơn biết bao nếu bạn và mọi người đều thực hiện đúng 100% những cam kết của mình.
Thảo Nguyên
Theo Nhịp Sống Kinh Tế