Chương trình "Hành lý tình yêu" có sự tham gia của người chơi Công Hoàng với quan điểm được cho là "trọng nam khinh nữ" bị dư luận Huế phản ứng dữ dội - Ảnh chụp màn hình
Dư luận Huế, đặc biệt các bạn trẻ, đang khá bất đồng quan điểm với Công Hoàng (30 tuổi, người tham gia một chương trình game show hẹn hò phát trên sóng VTV) khi chàng trai người Huế này nói sẽ ly hôn nếu không sinh được con trai.
Sau khi tập 4 chương trình "Hành lý tình yêu" được phát sóng và có mặt trên các nền tảng mạng xã hội, vô vàn "gạch đá" cư dân mạng đã "chọi" xuống quan điểm được cho "trọng nam khinh nữ" của người tham gia chương trình Công Hoàng.
Theo đó, Hoàng nói mình là người Huế và đưa ra những quan điểm "khắt khe" trong việc chọn vợ tương lai. Đáng chú ý trong đó có việc ly hôn nếu không sinh được con trai và giải thích do mỗi khi trong gia đình có giỗ kỵ, "con trai là trụ cột, còn con gái chỉ ngồi mâm dưới thôi".
Sau đó Hoàng giải thích thêm thường ở các lễ cúng kỵ sẽ làm 2 mâm cỗ: mâm lớn dành cho phái nam, còn mâm dưới (có thể ngồi sau bếp) thì dành cho phái nữ.
Trả lời câu hỏi của đạo diễn Lê Hoàng về việc mâm trên và mâm dưới có gì khác nhau, Công Hoàng nói "khác nhau rất lớn".
Theo chàng trai này, sau khi cúng bái tổ tiên, các của ngon vật lạ sẽ được dọn lên mâm trên, còn mâm dưới ít đồ ăn hơn. Nếu mâm trên ăn dư thừa đồ ăn "có thể" đưa xuống mâm dưới cho phụ nữ dùng.
Hoàng cũng nói rằng những người phụ nữ trong gia đình anh không có ý kiến gì và tự động thực hiện những việc trên sau mỗi lần giỗ kỵ.
Quan điểm trên vấp phải phản ứng quyết liệt của dư luận xứ Huế, đặc biệt những người trẻ.
Anh Lê Nguyên (29 tuổi) cho biết thấy rất khó chịu khi xem xong chương trình này: "Năm 2021 rồi nhưng sao còn có người trẻ suy nghĩ một cách cổ hủ như vậy nhỉ? Tôi tưởng quan điểm 'trọng nam khinh nữ' chỉ có ở thời phong kiến chứ người Huế nay đâu như thế nữa".
Cũng theo anh Nguyên, có thể đây là một tình huống được chương trình dựng lên để tạo sự chú ý của dư luận.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, người Huế có thể cầu kỳ trong việc chuẩn bị mâm cỗ cúng kỵ nhưng không có chuyện phân biệt "mâm trên, mâm dưới" cho nam và nữ. Trong ảnh: cỗ cúng giao thừa của một người dân xứ Huế - Ảnh: P.T
Còn nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng có thể nhiều người hiện vẫn có tư tưởng mong sinh được con trai để nối dõi nhưng không đến mức nghiêm trọng như vậy.
Thậm chí ông Hoa nói ở Huế còn xuất hiện xu hướng ngược lại "trọng nữ hơn nam" trong việc sinh con cái.
"Nhiều gia đình Huế còn nói đùa 'có con trai chết thì sướng còn có con gái sướng đến chết', ngụ ý nói con trai sẽ thờ tự sau khi cha mẹ khuất núi, còn con gái sẽ chăm sóc cha mẹ nhiều hơn khi còn sống. Nói vui vậy để biết ở Huế hiện nay không còn chuyện 'trọng nam khinh nữ' như thời phong kiến nữa", ông Hoa nói.
Còn chuyện "mâm trên, mâm dưới", ông Hoa nói rằng "đây là chuyện tào lao".
Theo ông Hoa, có thể việc "mâm trên, mâm dưới" có xuất hiện trong những nhà quan lại, hoàng tộc xưa.
"Theo thiết kế nhà rường xứ Huế, gian giữa căn nhà là nơi rất trang trọng nên có thể là nơi ăn uống của những bậc cao tuổi trong gia đình. Còn con cái bất kể trai hay gái đều có thể ăn ở gian nhà phụ phía sau, có thể là gian bếp với bà mẹ", ông Hoa diễn giải.
Còn chuyện "mâm trên ăn thừa còn lại sẽ đưa xuống cho mâm dưới ăn", ông Hoa khẳng định "văn hóa Huế, người Huế không có chuyện đó".
Nói về ý kiến cho rằng có thể đây là kịch bản được chương trình sắp xếp từ trước, ông Hoa nói càng không thể chấp nhận được và các cấp có thẩm quyền nên vào cuộc chấn chỉnh nếu đúng sự thật như vậy.
TTCT - Ngày 8-3 năm nay, giới nữ Nhật chắc là rất buồn bởi phát biểu (vào ngày 27-1-2007) của Bộ trưởng Y tế Hakuo Yanagisawa rằng phụ nữ Nhật nên là “những cái máy đẻ”.