Một lô thuốc bảo vệ thực vật lậu bị cơ quan chức năng thu giữ, mang đi tiêu hủy - Ảnh: CHÍ TUỆ
Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa có công văn gửi các hiệp hội và các tổ chức, cá nhân kinh doanh về kế hoạch rà soát, loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật.
Đơn vị này đã và đang tiến hành thu thập các bằng chứng khoa học của một số hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường để đề xuất Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn loại bỏ khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Dự kiến kế hoạch các hoạt chất sẽ được đưa ra khỏi danh mục:
- Quý 2-2022, gồm hoạt chất Carbosulfan, Benfuracab;
- Quý 1-2023, nhóm thuốc Dithiocarbamate: Mancozeb, Propined, Zineb, Maneb, Zizam;
- Quý 2-2023, nhóm thuốc trừ cỏ: Atrazine, Acetochlor;
- Quý 4-2023 loại bỏ hoạt chất Chlorothalonil, nhóm thuốc Carbaryl, Propineb, Thiodicarb và nhóm thuốc kháng sinh: Erythromycin, Gentamicin sulfate, Kanamycin sulfate, Oxytetracycline (oxytetracyline hydrochloride), Streptomycin (streptomycin sulfate), Tetramycin.
Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật chủ động phát triển các sản phẩm mới, đồng thời có kế hoạch giảm dần việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật có trong kế hoạch loại bỏ.
Từ năm 2017 đến nay, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã loại bỏ 12 hoạt chất gồm Carbendazim, Thiophanate Methyl, Benomyl, Paraquat, 2,4D, Acephate, Diazinon, Zinc phosphide, Malathion, Chlorpyrifos ethyl, Fipronil, Glyphosate, 1.706 tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường và 1.265 hàm lượng hoạt chất không đáp ứng quy định ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Đưa vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam đối với 2 hoạt chất Carbufuran và Trichlorfon.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, do một bộ phận người dân chưa nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật đã bị loại ra khỏi danh mục, vẫn còn thói quen, nhu cầu sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nói trên đã tạo điều kiện, gián tiếp tiếp tay cho việc nhập lậu, vận chuyển, buôn bán cung ứng tới người dân để sử dụng.
Do đó, cục cũng vừa có công văn đề nghị cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, ngoài danh mục.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đang lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội, để chuẩn bị ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam với 1.683 hoạt chất với khoảng 4.000 tên thương phẩm để sử dụng trong nông nghiệp.
Tại hội thảo góp ý dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức ngày 29-11, ông Đỗ Hà Nam - phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - cho biết hiện danh mục thuốc bảo vệ thực vật có khoảng 4.000 loại thuốc, 2.000 doanh nghiệp, chưa kể thuốc trừ sâu giả, thuốc độc.
"Ngay cả sản phẩm đi châu Âu thời gian qua như hồ tiêu, cà phê cũng phát hiện hoạt chất không được phép sử dụng tại Việt Nam là Chlorpyrifos, Glyphosate còn tồn dư trong sản phẩm nên bị EU áp dụng kiểm tra hàng hóa rất chặt, ngoài ra còn nhiều ‘chất cấm khác’ cũng có trong nông sản, vậy thì chúng ta quản lý thế nào? Chúng tôi mong rất bộ xem xét, cụ thể hóa vào chiến lược" - ông Nam đề nghị với Bộ trưởng Lê Minh Hoan.
TTO - Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất thuốc bảo vệ thực vật than trời vì bị nhiều đơn vị làm giả "y chang" bao bì nhãn mác nhưng lại đưa chất cấm vào trong ruột để bán rẻ nhằm chiếm thị trường.