Dự định tăng tốc tapering của Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (Fed) Jerome Powell đang đặt ông vào vị thế mà thị trường tài chính chưa từng thấy kể từ năm 2018: diều hâu.
Chứng khoán Mỹ sụt giảm, lợi suất ngắn hạn đi lên và các chỉ số đo lường biến động tăng vọt sau khi ông Powell cảnh báo lạm phát cao có thể khiến Fed kết thúc chương trình mua trái phiếu nhanh hơn dự định. Cộng với lo ngại về COVID-19, chỉ số S&P 500 trải qua khoảng thời gian hỗn loạn nhất trong hơn một năm.
Đối với nhà đầu tư, câu hỏi cấp bách nhất bây giờ là liệu phiên điều trần trước Quốc hội hôm 30/11 có phải bước ngoặt đối với chính sách tiền tệ đã giúp chỉ số S&P 500 tăng gấp đôi kể từ Giáng sinh năm 2018 hay không. Đây là thời điểm ông Powell có sự chuyển hướng lớn gần nhất: Kết thúc đợt tăng lãi suất đã biến quý IV/2018 trở thành một trong những giai đoạn tăm tối nhất với chứng khoán Mỹ.
Ông Max Gokhman, Giám đốc đầu tư tại Alpha TrAI nhận xét: "Powell không chỉ sử dụng giọng điệu diều hâu hơn, mà còn buông bỏ những hàm ý chính sách lớn mà gần như không quan tâm đến phản ứng của thị trường. Tất cả khả năng dự đoán về lịch trình taper và tăng giảm lãi suất mà ông ấy đã cố gắng trau dồi trước đây đều đang bị nghi ngờ".
Theo Bloomberg, phát biểu của ông Powell hôm 30/11 thiếu vắng cảm giác về sự từ tốn, điểm đặc trưng trong các thông điệp của ông kể từ khi chuyển biến từ diều hâu sang bồ câu vào cuối năm 2018.
Trong hoạch định chính sách tiền tệ, "diều hâu" là những người chủ trương thắt chặt tiền tệ, "bồ câu" là muốn nới lỏng, taper là cắt giảm chương trình bơm tiền thông qua mua trái phiếu.
Sự thay đổi trong giọng điệu của ông Powell là cực kỳ rõ ràng đối với thị trường đã đắm mình trong những lời động viên của Fed trong ba năm qua. Nhà đầu tư giờ đây thấy số phận của họ có thể bị định đoạt bởi các báo cáo kinh tế đã vẽ ra bức tranh ngày càng thảm khốc về lạm phát.
Ông Michael Kantrowitz, trưởng bộ phận chiến lược danh mục đầu tư tại Cornerstone Macro dự đoán: "Thị trường sẽ phản ứng rất mạnh với dữ liệu, có thể là phản ứng quá mức. Chúng ta sẽ phải vượt qua nhiều giai đoạn mờ mịt, không rõ ràng".
Kể từ khi giữ chức Chủ tịch Fed vào tháng 2/2018, ông Powell đã gắng sức thay đổi cách ngân hàng trung ương đánh giá ưu tiên về việc làm và lạm phát.
Dưới sự chỉ đạo của ông, Fed chấp nhận để cho lạm phát tăng nhanh hơn các mục tiêu quá khứ để tạo ra thêm việc làm và người lao động được trả lương cao hơn. Với mỗi lần phát biểu, bản tính "bồ câu" của ông Powell lại được thị trường tung hô, chứng khoán Mỹ nhảy vọt.
Giờ đây ông Powell đang báo hiệu rằng mục tiêu lạm phát đã được đáp ứng. Nếu việc làm tiếp tục được phục hồi, ông sẵn sàng đặt ra lãi suất cao hơn, theo ông Neil Dutta, nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại Renaissance Macro.
Ông Powell "đang mở ra cánh cửa để tăng lãi suất sớm hơn với việc báo hiệu việc đẩy nhanh taper. Rủi ro tới thị trường là Fed bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ trước khi đạt được mục tiêu việc làm", ông Dutta cho biết.
Ông Powell chưa hoàn toàn hóa thành diều hâu. Ngay cả khi quy mô mua trái phiếu hàng tháng bị cắt giảm, mỗi đồng tiền Fed bơm ra đều tiếp thêm nhiên liệu cho nền kinh tế. Và ông Powell cũng chưa lên lịch tăng lãi suất, dù việc đẩy nhanh taper có thể khiến lãi suất lên cao sớm hơn dự định.
Lãi suất tăng không phải lúc nào cũng dập tắt thị trường giá lên. Chỉ số S&P 500 tăng trung bình 5,3% trong 12 tháng sau lần tăng lãi suất đầu tiên trong 17 lần Fed thắt chặt chính sách kể từ năm 1946, theo nghiên cứu của Ned Davis Research.
Tuy nhiên, tốc độ thắt chặt tạo ra sự khác biệt rõ rệt: S&P 500 trung bình giảm 2,7% trong năm đầu tiên nếu Fed nhanh chóng thắt chặt và tăng 11% nếu Fed từ từ.
Đổi ý
Đối với một số người, ông Powell chỉ đơn giản là đang bắt kịp với thực tế rằng các biện pháp khẩn cấp không còn cần thiết khi mà kinh tế Mỹ đang bùng nổ. Nhiều chuyên gia bao gồm cựu bộ trưởng tài chính Lary Summers đã thúc giục Fed ngừng các biện pháp kích thích kinh tế sớm hơn kế hoạch để tránh lạm phát vượt quá tầm kiểm soát.
Nhà đầu tư cũng biết về những lần ông Powell nhượng bộ thị trường khi phản ứng của nhà đầu tư quá dữ dội. Tháng 10/2018, ông Powell dõng dạc tuyên bố rằng bất chấp một số lần gia tăng, lãi suất điều hành vẫn còn "cách xa" mức trung lập và các điều kiện tài chính vẫn đang "giúp đỡ" thị trường.
Ba tháng sau, với chỉ số S&P 500 lao dốc gần 20%, ông Powell đổi giọng và trấn an rằng Fed rất linh hoạt và các quan chức đang "lắng nghe cẩn thận" thị trường tài chính.
Ông lặp lại "cú quay xe" này một lần nữa vào mùa hè năm 2019, khi các bình luận về sự điều chỉnh giữa chu kỳ khiến cổ phiếu cắm đầu rơi xuống.
"Thị trường hoảng loạn và chỉ trong vài ngày, Powell đã rút lại lời. Ông ấy vẫn còn lựa chọn đó", nhà quản lý danh mục Zhiwei Ren của Penn Mutual Asset Management nói với Bloomberg. "Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu lần này Powell lại đổi ý nếu thị trường biến động quá mức chịu đựng của ông ấy".