Ngày 1-12, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương để nghe báo cáo kết quả tình hình kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản trái phép.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), từ đầu năm 2021 đến nay tỉnh đã xử lý 814 vụ với tổng số tiền phạt 5,66 tỉ đồng.
Một điểm khai thác khoáng sản trái phép tại Hàm Thuận Nam. Ảnh PĐ
Tuy nhiên, các khu vực khai thác khoáng sản trái phép mà tỉnh đã chỉ đạo xử lý như tình hình khai thác cát trái phép tại khu vực lòng hồ Biển Lạc xã Gia An, huyện Tánh Linh; khai thác đất cát bồi nền trái phép khu vực núi Đất giáp ranh giữa xã Sơn Mỹ và xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân; khai thác vật liệu trái phép thi công cao tốc Bắc - Nam... vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Tại khu vực lòng hồ Biển Lạc, hiện vẫn còn hơn 10 ghe hút cát có gắn thiết bị khai thác đang neo đậu, lén lút khai thác cát trái phép.
Tình trạng khai thác vật liệu san lấp để phục vụ thi công dự án cao tốc vẫn xảy ra nhiều nơi. Đáng chú ý trong thời gian gần đây, việc khai thác khoáng sản trái phép trong lĩnh vực này vẫn tiếp tục diễn ra mà cụ thể là hai vụ tại huyện Hàm Thuận Bắc.
Khu vực khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn giáp ranh giữa xã Sơn Mỹ và xã Tân Xuân đã xác định được chủ sở hữu toàn bộ diện tích đất tác động khai thác (4,13 ha), đồng thời xác minh rõ nơi tiêu thụ (có biên bản xác nhận giữa bên mua và bên bán cùng khoản tiền giao dịch).
Ông Đăng yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải xem công tác kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản trái phép là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài.
Đối với các vụ việc nổi cộm trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải tập trung giải quyết dứt điểm, không để tái phạm.
Thi công cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết
Ông Đăng giao Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành và địa phương trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản liên quan đến dự án cao tốc và các dự án trọng điểm khác trên địa bàn tỉnh; tập trung rà soát, thống kê, nắm danh sách các đối tượng thường xuyên bị xử lý vi phạm hành chính, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự nếu tái phạm.
Để giải quyết tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, theo ông Đăng các sở, ngành, địa phương phải phối hợp với Sở Xây dựng trong việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn; đẩy nhanh thời gian giải quyết thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản để đáp ứng kịp thời nhu cầu chính đáng về vật liệu phục vụ các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Ngày 1-12, tin từ Sở TN&MT cho biết, bà Phan Thị Xuân Thu, Phó Giám đốc sở đã ký thông báo chấm dứt hiệu lực thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định hiện hành đối với hai mỏ khoáng sản cát, đá tại huyện Hàm Thuận Nam và huyện Hàm Tân. Cụ thể tháng 2-2010, tỉnh đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (trước đây là Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh) lập hồ sơ xin cấp phép thăm dò, khai thác hai mỏ khoáng sản gồm mỏ cát xây dựng Tân Lập 2 tại xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam có diện tích 22,6 ha và mỏ đá xây dựng Tân Phúc tại xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân có diện tích 10 ha. Tuy nhiên đến nay hai mỏ khoáng sản trên chưa được tỉnh cấp phép khai thác. Căn cứ Luật Khoáng sản năm 2010 và báo cáo của Công ty TNHH Tập đoàn BITEXCO đề xuất dừng tiếp tục triển khai hai mỏ trên, Sở TN&MT thông báo chấm dứt hiệu lực thực hiện các trình tự thủ tục để cấp phép khai thác hai mỏ này. Trong trường hợp tỉnh cấp phép khai thác hai mỏ khoáng sản này cho tổ chức khác thì sẽ yêu cầu tổ chức được cấp phép hoàn trả chi phí thăm dò cho Công ty theo quy định pháp luật. |