vĐồng tin tức tài chính 365

Tín hiệu đáng mừng của du lịch Việt Nam

2021-12-01 12:01

Ngày 30-11, phát biểu tại diễn đàn “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận định đại dịch COVID-19 đã làm xuất hiện những yếu tố mới trong trạng thái bình thường mới của ngành du lịch. Cụ thể như an toàn trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu được quy định bắt buộc trong mọi hoạt động du lịch.

“Bên cạnh đó, một số quy định mới mà du khách cần thực hiện trước và trong khi tham gia hoạt động du lịch. Đặc biệt một số phương tiện cá nhân từng bước trở thành yêu cầu bắt buộc phải có khi đi du lịch” - ông Bình nhấn mạnh.

Cạn kiệt tài chính, nhiều doanh nghiệp vay tín dụng đen

Nêu thực tế về hoạt động của công ty mình cũng như tại địa phương, ông Đào Mạnh Lượng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, cho biết sau gần hai năm chịu đựng sự tàn khốc của dịch bệnh, đến nay hầu hết chủ tàu, hội viên của Chi hội Tàu du lịch Hạ Long đều đã cạn kiệt nguồn tài chính. Thậm chí nhiều chủ tàu đã kiệt quệ đến mức đường cùng nên phải vay tín dụng đen với rất nhiều hệ lụy.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đến thời điểm này gần như 500 con tàu đã dừng hoạt động rất lâu; trên 3.000 người lao động mất việc làm, số ít còn lại trông giữ tàu và vận hành bảo dưỡng máy móc. Doanh thu hoàn toàn không có trong khi các doanh nghiệp (DN) vẫn phải trả các chi phí trông coi, bảo dưỡng và hàng loạt chi phí khác.

“Như DN của tôi, để duy trì việc trông giữ tám con tàu mỗi tháng ít nhất phải mất gần 200 triệu đồng, sáu tháng chi hết 1 tỉ đồng. Chúng tôi dừng hoạt động từ tháng 3-2020 đến nay vẫn phải chi 4 tỉ đồng để tồn tại” - ông Lượng dẫn chứng.

Cũng theo ông Lượng, hiện nay mặc dù một số nơi đã thận trọng từng bước mở cửa đón khách du lịch nhưng thực tế còn gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất được ông Lượng chỉ ra là các cơ quan quản lý sợ trách nhiệm nên thường đưa ra những quy định rất ngặt nghèo, hoặc quy định không đồng bộ thậm chí mỗi nơi một kiểu, gây khó khăn cho công tác đón khách.

“Điều này dẫn đến việc các chủ tàu rất e ngại hoạt động trở lại, bởi tàu du lịch muốn phục vụ phải được cấp phép, phải có lệnh. Ngoài ra, các DN cũng rất khó tiếp cận chính sách hỗ trợ về thuế, phí từ Chính phủ vì quá nhiều thủ tục hành chính và nếu có tiếp cận được cũng rất nhỏ nên không thể vực dậy DN được” - ông Lượng nêu thực tế.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Tập đoàn Vietravel, cho rằng hiện nay cơ quan chức năng đã ban hành nhiều chính sách mở cửa. Song các hoạt động này vẫn chưa thực sự đồng bộ ở nhiều địa phương. Một số địa phương vẫn còn tâm lý e ngại trong quá trình mở cửa, từ đó dẫn đến sự bị động trong công tác chuẩn bị và khôi phục trở lại của nhiều công ty du lịch.

“Vì vậy, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng xây dựng những chính sách nhất quán, lâu dài và đồng bộ để đạt được hiệu cao hơn nữa” - ông Kỳ bày tỏ.

Lãnh đạo Tập đoàn Vietravel cũng đề xuất Quốc hội và cơ quan chức năng giảm từ 10% xuống 5% đối với thuế giá trị gia tăng cho người tiêu dùng đến năm 2023. Cùng với đó, có thể giảm thuế thu nhập DN từ 22% xuống 17% để các công ty du lịch có thể vượt qua khó khăn. Đồng thời triển khai thêm gói vay để hỗ trợ bù lãi suất ngân hàng.

Tín hiệu đáng mừng của du lịch Việt Nam - ảnh 1
Sau gần hai năm du lịch ngừng trệ, mới đây những vị khách du lịch quốc tế đầu tiên trở lại Việt Nam. Ảnh: NGUYỆT NHI

Đón khách kiểu “bong bóng du lịch”

Hiện nay, Thái Lan đã thỏa thuận với hơn 30 quốc gia để trao đổi khách, Singapore cũng trao đổi với hơn 10 nước. Vì vậy, Việt Nam có thể thiết lập mối quan hệ với Singapore làm thí điểm để thực hiện đón khách du lịch theo kiểu “bong bóng du lịch”. Sau đó mở rộng hành lang du lịch ASEAN để xúc tiến du lịch từ thị trường này.

Ông NGUYỄN QUỐC KỲChủ tịch Tập đoàn Vietravel

Hết sức cân nhắc việc đóng, mở

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đánh giá rằng việc Việt Nam bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế đã mở ra bước ngoặt mới cho ngành du lịch. “Vì vậy, các DN cần phải chuẩn bị để chuyển sang trạng thái mới, từ nghiệp vụ đến kiến thức và nhận thức” - ông Bình nhắn nhủ.

Tuy nhiên, đề cập đến trạng thái bình thường mới của du lịch, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, cho rằng trước tiên phải đánh giá đúng tình hình, từ đó mới xây dựng được chủ trương, giải pháp kế hoạch kinh doanh sao cho thích ứng an toàn và hiệu quả như Nghị quyết 128 của Chính phủ.

“Chúng ta sẵn sàng chấp nhận việc đóng cửa, mở cửa. Tuy nhiên, mong các cơ quan quản lý cần tránh việc đóng cửa kiểu chủ quan và hết sức cân nhắc để không ảnh hưởng, tác động tiêu cực từ việc vừa mở lại đóng. Còn nếu đóng cửa, mở cửa do yếu tố khách quan thì phải có dự báo, đánh giá và sẵn sàng. Mặt khác, các cơ quan quản lý và chính quyền cần thấy được khi mở cửa du lịch vẫn bảo đảm an toàn, an toàn đến đâu du lịch đến đó” - ông Tài mong mỏi.

Cũng đề cập đến yếu tố an toàn trong du lịch, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Công ty Flamingo Redtours, nhấn mạnh việc tuân thủ quy định, bảo đảm sự yên tâm cho du khách là điều quan trọng nhất. “Vì yếu tố an toàn, có thể sự thoải mái của du khách sẽ bị ảnh hưởng một phần, thậm chí nhiều mong muốn, nhu cầu của du khách phải tiết chế lại. Thêm nữa, sức sáng tạo trong xây dựng và cung ứng dịch vụ du lịch sẽ bị hạn chế nhưng đó là điều phải chấp nhận trong giai đoạn hiện nay” - ông Hoan nhấn mạnh.

Nhân rộng mô hình trao đổi khách

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho hay lần đầu tiên sau gần 19 tháng kể từ đại dịch bùng phát, du lịch mới có thống kê về khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Cụ thể tính đến ngày 29-11, có 978 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sử dụng “hộ chiếu vaccine”. Về thị trường nội địa, ước tính khách du lịch nội địa tháng 11-2021 đạt 2,5 triệu lượt khách.

“Đây là tín hiệu hết sức đáng mừng đối với ngành du lịch Việt Nam trong nỗ lực phục hồi, từng bước khôi phục các hoạt động du lịch cả quốc tế và nội địa. Đây cũng là nỗ lực của ngành du lịch nói chung và cộng đồng DN nói riêng trong việc phục hồi ngành du lịch nước nhà” - ông Khánh nói.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thông tin thêm: Tổng cục Du lịch của Thái Lan và Tổng cục Du lịch của Việt Nam đang chuẩn bị họp bàn về việc trao đổi khách du lịch giữa hai nước. Theo đó, vào tháng 12, Việt Nam dự kiến sẽ đón đoàn khách du lịch đầu tiên từ Thái Lan, sau đó sẽ nhân rộng mô hình trao đổi khách. 

Xem thêm: lmth.1790301-man-teiv-hcil-ud-auc-gnum-gnad-ueih-nit/et-hnik/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tín hiệu đáng mừng của du lịch Việt Nam”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools