Năm 2020 giá cà phê xuống thấp, cà phê nhân xô chỉ khoảng 32.500 đồng/kg. Năm nay, giá cà phê khởi sắc hơn, khoảng 40.000 đồng/kg. Đây là giá bán tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Hiện vùng trồng cà phê lớn nhất của cả nước đang vào thu hoạch với tổng diện tích trên 540.000 ha, dự kiến sản lượng đạt trên 1,6 triệu tấn.
Tuy mới bắt đầu thu hoạch rộ, nhưng nông dân trồng cà phê vô cùng phấn khởi khi cà phê cho năng suất, chất lượng vượt trội so với các năm trước.
Mùa cà phê năm nay là vụ vui nhất đối với bà Hồ Thị Dung ở xã Cư Mgar, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk. Với 1 ha cà phê, mọi năm sẽ cho 3 tấn cà phê nhân, nhưng năm nay, bà Dung dự kiến thu hoạch được 3,5 tấn. Với giá cà phê nhân hiện tại là 40 triệu đồng/tấn, bà Dung thu về khoảng 140 triệu đồng.
Hiện nay, nông dân các tỉnh Tây Nguyên đã thu hoạch được 40% diện tích cà phê. (Ảnh: TTXVN)
"Bà con cũng mừng, phấn khởi hơn năm ngoái. Năm ngoái giá có 30, hơn 30, nhưng năm nay giá 40 thì bà con cũng phấn khởi", bà Hồ Thị Dung bày tỏ.
Bên cạnh niềm vui được mùa, được giá, nông dân trồng cà phê còn vui vì việc tiêu thụ nông sản diễn ra thuận lợi. Mặc dù chi phí đầu tư trong năm có tăng từ 20 - 30%, nhưng cây cà phê vẫn giúp bà con có lãi từ 30 - 35 triệu đồng mỗi ha. Bên cạnh đó, các đại lý cũng cam kết thu mua cà phê cho bà con.
"Thời điểm này giá tiêu và cà phê lên, nói chung dân cũng phấn khởi, mà đại lý cũng phấn khởi. Người dân có đồng tiền vô tiền ra, lo cho con cái, trả tiền công nợ cũng đỡ hơn", bà Hồ Thị Nhâm, Đại lý Sơn Hà Vina, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk, cho biết.
Hiện nay, nông dân các tỉnh Tây Nguyên đã thu hoạch được 40% diện tích cà phê. Đa số người dân thực hiện hình thức tận dụng nguồn nhân lực tại chỗ để đổi công, hỗ trợ nhau thu hoạch, vận chuyển và tránh di chuyển ra khỏi địa bàn cư trú để phòng chống dịch bệnh. Do đó, hầu hết các địa phương không xảy ra tình trạng thiếu nhân công.
Nâng giá trị cà phê từ khâu thu hoạch
Năm nay là một vụ mùa phấn khởi của bà con trồng cà phê. Điều đáng nói, trước đây, người trồng cà phê nhiều nơi do chưa nắm vững kỹ thuật thu hái nên chất lượng cà phê ở nước ta thường bị đánh giá thấp hơn các nước khác trên thế giới. Còn hiện nay, người trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đã chia vụ thu hoạch cà phê ra thành nhiều đợt để tập trung hái quả chín. Đây là cách làm đảm bảo chất lượng và giá trị cà phê khi đưa vào chế biến xuất khẩu.
Bước vào vụ mùa cà phê năm nay, ông Trần Quang Bảy (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk) cẩn thận lựa hái từng trái cà phê chín. Do đó, với diện tích hơn 1 ha cà phê, dự kiến ông Bảy thu hái trái chín đến đầu tháng 1/2022 mới xong. Tuy nhiên ông không tỏ ra lo lắng, bởi hái cà phê chín giúp ông tăng giá bán cao hơn hẳn.
"Gia đình mình năm nay lợi nhuận khác hẳn mọi năm vì 1 kg cà phê của mình khi làm hữu cơ giá gần gấp đôi so với cà phê hóa học", ông Trần Quang Bảy cho hay.
Việc thu hái quả chín còn được các tỉnh Tây Nguyên tăng cường tuyên truyền, vận động đến các tổ chức, cá nhân, đảm bảo tỷ lệ trái chín đạt trên 80%. Toàn bộ cà phê chín sau khi thu hoạch phải chuyển về ngay nơi sơ chế, chế biến ướt và khô trong vòng từ 12 - 24 giờ. Việc áp dụng đúng đúng kỹ thuật thu hái và sơ chế nhằm mục đích nâng cao chất lượng, giá trị và uy tín của mặt hàng cà phê khi đưa ra thị trường.
Bà con trồng cà phê phấn khởi vì vừa được mùa, vừa được giá. (Ảnh: TTXVN)
"Sở Nông nghiệp đã đăng ký các chương trình kết nối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các địa phương, trung tâm tiêu thụ để giới thiệu Đắk Lắk có các sản phẩm này, thời gian thu hoạch như vậy để kết nối cung cầu", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương chia sẻ.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, giá cà phê thế giới được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Xuất khẩu cà phê cuối năm sẽ đạt khoảng 260.000 tấn. Với mức giá cao như hiện nay, ngành cà phê có thể đem về thêm 600 triệu USD trong 2 tháng cuối năm, để đưa kim ngạch cà phê năm 2021 đạt ngưỡng 3 tỷ USD.
Hàng loạt nông sản chủ lực đã có sự bứt phá về năng suất, chất lượng trong 3 tháng cuối năm góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu năm nay có thể chạm mốc 44 tỷ USD.
Bộ Nông nghiệp khuyến nghị các doanh nghiệp, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức sản xuất linh hoạt để duy trì chuỗi khi thị trường đang bước vào cao điểm.
VTV.vn - Theo giới chuyên gia, việc thiếu hụt nguồn cung ở các quốc gia xuất khẩu cà phê chủ lực của thế giới có thể sẽ khiến xu hướng tăng giá mặt hàng này tiếp tục diễn ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.69910241110211202-aig-coud-aum-coud-ehp-ac/et-hnik/nv.vtv