Ca nhiễm COVID-19 chủng biến thể Omicron đầu tiên của Nhật Bản được cho là một hành khách đến từ Namibia - Ảnh: KYODO
Biến thể B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận tại Nam Phi và được báo cáo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 24-11. Đến 25-11, WHO xếp biến thể này vào nhóm biến thể đáng lo ngại và đặt tên là Omicron.
Ngày 27-11, nghiên cứu tại Ý công bố so sánh 2 biến thể Delta và Omicron cho thấy Omicron có số lượng đột biến ở protein gai (tương tác với tế bào người) lên tới 43, trong khi ở Delta là 18.
1. Khả năng lây truyền
Cập nhật mới của Bộ Y tế cho biết nguy cơ tái nhiễm tăng với biến thể này, số lượng nhiễm biến thể Omicron đang gia tăng ở hầu hết các tỉnh của Nam Phi.
2. Miễn dịch
Một số đột biến trong Omicron có thể góp phần né tránh miễn dịch, tuy nhiên chưa có bằng chứng nào cho thấy biến thể Omicron làm giảm hiệu quả của vắc xin đang sử dụng rộng rãi. Tiêm chủng vẫn là biện pháp quan trọng trong đáp ứng với COVID-19.
3. Chẩn đoán
Xét nghiệm bằng PCR đang được sử dụng có thể phát hiện biến thể này, giống như đang được sử dụng để phát hiện các biến thể Delta, Alpha... Các nhà khoa học khắp thế giới cũng đang nghiên cứu ảnh hưởng của đột biến chứa trong Omicron.
4. Mức độ của bệnh khi nhiễm Omicron
Chưa có bằng chứng về việc Omicron làm gia tăng mức độ trầm trọng của bệnh khi nhiễm Omicron. Đến nay đã có 17 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca nhiễm chủng biến thể này.
5. Khuyến cáo của WHO
Vì Omicron là biến thể đáng lo ngại, WHO khuyến nghị các quốc gia tăng cường giám sát và giải trình tự gene các trường hợp bị nhiễm, báo cáo các trường hợp hoặc chùm ca bệnh ban đầu cho WHO, thực hiện điều tra dịch tễ tại thực địa và đánh giá trong phòng thí nghiệm để hiểu rõ hơn về Omicron liên quan đến hiệu quả vắc xin, các biện pháp cộng đồng, điều trị, chẩn đoán...
Với người dân, WHO khuyến cáo giữ khoảng cách ít nhất 1m khi tiếp xúc với người khác, đeo khẩu trang vừa vặn, mở cửa sổ để thông thoáng không khí, giữ tay sạch.
Đến nay đã có 69 quốc gia triển khai các biện pháp tạm dừng, hạn chế đi lại quốc tế để phòng chống biến chủng Omicron. Trong đó hầu hết đều áp dụng từ chối tiếp nhận hành khách đến từ các quốc gia châu Phi và các khu vực xuất hiện biến chủng Omicron, hoặc tiến hành cách ly y tế, chỉ tiếp nhận hành khách đã tiêm đủ vắc xin và có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72h.
TTO - Trong khi Canada và khu vực Mỹ Latin đã ghi nhận các ca mắc biến thể Omicron đầu tiên, Mỹ vẫn chưa phát hiện ca nào. Mỹ đang tăng cường giám sát tại 4 sân bay lớn ở khu vực New York, Atlanta và San Francisco.