vĐồng tin tức tài chính 365

Đề nghị gia hạn giá FIT cho những dự án điện gió "chưa kịp về đích"

2021-12-01 13:52

Đó là chia sẻ của ông Bùi Văn Thịnh - CEO của Thuận Bình Wind tại hội nghị Năng lượng gió Việt Nam diễn ra sáng nay (1.12). Ông này cho rằng, khi chưa có cơ chế đấu thầu, vẫn nên gia hạn giá FIT cho các nhà đầu tư điện gió, để những dự án đang về đích có thể về đích được và có doanh thu.

"Đừng để người mua thì cứ lỗ, người bán thì cứ kêu"

Cuối tháng 10.2021, khi cơ chế giá FIT cho điện gió hết hạn để chuyển sang cơ chế đấu thầu, Thuận Bình Wind có 3 dự án đã kịp về đích với tổng công suất trên 100 MW.

Ông Bùi Văn Thịnh - CEO của Thuận Bình Wind cho hay, Bình Thuận là tỉnh có tiềm năng về năng lượng tái tạo rất lớn, có sự hiện diện của các dự án điện gió trên bờ, gần bờ, điện mặt trời. Và tương lai kỳ vọng sẽ có dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại đây.

Nhắc về "cuộc đua" giá FIT trước thời hạn 30.10.2021, ông Bùi Văn Thịnh cho rằng, cần gia hạn cơ chế gia FIT cho các nhà đầu tư chưa kịp về đích trong thời gian vừa qua.

"Khi chúng ta chưa có cơ chế đấu thầu, vẫn nên gia hạn giá FIT cho các nhà đầu tư điện gió, để những dự án đang về đích có thể về đích được và có doanh thu. Tuy nhiên, giá như thế nào cần được xem xét cẩn trọng, cân đối hài hoà lợi ích giữa các nhà đầu tư với nhau.

Tôi lấy ví dụ, khi giá FIT chuẩn bị hết hạn, có nhà đầu tư "đổ" thêm rất nhiều tiền để thuê thêm cẩu, nhân công để về đích. Cho nên tôi kiến nghị từ sau 1.11.2021, chúng ta vẫn giữ cơ chế giá FIT, nhưng mỗi tháng sẽ giảm đi 1%.

Như vậy, nếu kéo dài cơ chế giá FIT đến năm 2023, tại thời điểm đó, chúng ta sẽ giảm được 24%. Điều này sẽ giải quyết được vấn đề giá FIT cho các dự án đang tồn tại và cho cả dự án sắp chuẩn bị đầu tư khi chưa có cơ chế đấu thầu", ông Thịnh nói.

Ông Bùi Văn Thịnh phát biểu tại Hội nghị Năng lượng gió Việt Nam. Ảnh: C.N
Ông Bùi Văn Thịnh phát biểu tại Hội nghị Năng lượng gió Việt Nam. Ảnh: C.N 

Nói về cơ chế đầu tư lưới điện để truyền tải năng lượng tái tạo khi nguồn điện này chiếm tỉ trọng ngày càng lớn, ông Thịnh cho biết, hiện nay lưới điện Việt Nam tương đối độc lập, chưa có liên kết vùng, mới chỉ có lưới điện 110kV với Campuchia, lưới 500kV với Lào và lưới 220KV với Trung Quốc, nhưng công suất còn rất nhỏ.

Khi tỉ trọng năng lượng tái tạo ngày càng lớn, ông Thịnh cho rằng, cần phải có liên kết vùng để điều hoà lưới điện và hài hoà câu chuyện điều độ hệ thống điện. 

Nhưng câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người đầu tư lưới điện này? Theo quan điểm của CEO Thuận Bình Wind, hiện giá bán điện bình quân dao động từ 7,5-7,8cent/kWh, trong đó, với điện gió gần bờ là 7,8 cent/kWh, trên bờ 8,5 cent/kWh; chưa kể chi phí truyền tải phân phối.

"Tôi rất mong Chính phủ có chính sách mới về giá điện. Theo đó với những hộ gia đình sử dụng trên 100kWh nên xem xét giá điện như thế nào cho phù hợp để cân đối nguồn và lưới điện”, ông Thịnh nói.

Để tư nhân tham gia đầu tư lưới điện

Tại hội nghị Năng lượng gió Việt Nam diễn ra sáng nay, bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào 2050.

Trong quá trình chuyển dịch năng lượng, điện gió nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng là chìa khóa để Việt Nam thực hiện mục tiêu đề ra. Nhưng điều cần thiết không chỉ ở cơ chế, chính sách mà còn ở công nghệ, như lắp đặt, vận hành, giám sát, bảo trì, xử lý tái chế, nhân lực, tạo ra những mô hình mới trong ngành năng lượng.

Còn ông Niels Holst - đại diện Copenhagen Offshore Partners (đơn vị quản lý dự án điện gió ngoài khơi La Gàn) cho rằng, Việt Nam rất giống Đan Mạch khi đang thực hiện quá trình chuyển dịch từ điện than sang năng lượng tái tạo và sử dụng các công nghệ mới theo xu hướng phát triển xanh. 

"Kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, khu vực tư tham gia đầu tư vào lưới điện rất nhiều. Đây có thể là giải pháp để Việt Nam tham khảo và học hỏi, có thể cho tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này.

Cần phải giảm những thách thức với lưới điện, cũng như cần huy động nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân vào năng lượng tái tạo trong đó có điện gió ngoài khơi. Với tư cách là nhà đầu tư, chúng tôi rất sẵn sàng hợp tác", ông Niels Holst nói.

Xem thêm: odl.717979-hcid-ev-pik-auhc-oig-neid-na-ud-gnuhn-ohc-tif-aig-nah-aig-ihgn-ed/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đề nghị gia hạn giá FIT cho những dự án điện gió "chưa kịp về đích"”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools