Qua những văn bản vào tháng 3 năm 2020, Ủy ban chuyên gia Nhật Bản về các biện pháp đối phó với bệnh truyền nhiễm do virus SARS-CoV2 đã lưu ý toàn dân rằng 3 tình trạng sau đây rất hay gặp ở các địa điểm có lây nhiễm hàng loạt (nhiễm cụm, cluster infection).
(1) Không gian kín và thông gió kém
(2) Nơi có nhiều người đông đúc
(3) Nói chuyện, la lớn khi ở gần nhau (trong tầm với, dưới 1 mét).
Vì thế, người dân Nhật Bản đã được khuyến cáo làm theo chính sách Tránh Tam mật (san mitsu) để ngăn ngừa lây nhiễm tại cộng đồng.
- "Mật Bế": Hạn chế không gian kín
- "Mật Tập": Hạn chế/Không tụ tập đông người
- "Mật Tiếp": Hạn chế/Không tiếp xúc gần
Chủ trương "Ba Không" này được vẽ hình trên các poster treo ở ngoài đường, nhà ga, xe điện ngầm, quán ăn,và lan tỏa trên mạng xã hội…
Trong số đó, việc cải thiện tình trạng "không gian kín hay kém thông thoáng" được đặc biệt chú trọng để người dân có thể làm việc, kinh doanh trong bình thường mới an toàn. Để quý độc giả tại Việt Nam có thêm thông tin tham khảo, xin giới thiệu ngắn gọn các phương pháp đơn giản mà hiệu quả đang được áp dụng để tăng thông gió tại xứ Phù Tang.
Tăng thông gió nhờ mở cửa sổ tự nhiên
Mở toang cửa sổ mỗi giờ trên 2 lần. Mỗi lần mở cửa sổ nên kéo dài trên vài phút và càng lâu càng tốt.
Hình 1, thông khí bằng 2 cửa sổ sẽ làm thoáng thí gấp 10 lần so với khi có 1 cửa sổ.
Như minh họa ở Hình 1, thông khí bằng 2 cửa sổ sẽ tăng hiệu quả làm thoáng thí tới 10 lần so với khi có 1 cửa sổ. Ngoài ra, không khí sẽ lưu thông tốt nhất nếu phòng mở 2 cửa sổ đối chéo nhau.
Nếu phòng chỉ có 1 cửa sổ thì nên mở thêm cửa chính để tăng thoáng khí.
Nếu trong nhà có nhiều cửa sổ ở các tầng khác nhau, bố trí để gió vào ở cửa dưới thấp, gió ra ở cửa trên cao cũng là một cách tăng thoáng khí hiệu quả.
Tăng thông gió nhờ các thiết bị thông gió
Khi không có 2 cửa sổ mở đối góc phòng, chúng ta vẫn có một số cách để cải thiện thông khí. Nếu phòng thiếu gió tự nhiên, có thể đặt thêm quạt để đẩy không khí ra ngoài (Hình 2).
Hình 2. Nếu phòng thiếu gió tự nhiên, có thể đặt thêm quạt để đẩy không khí ra ngoài.
Các tòa nhà tại Nhật đều được khuyến khích mở thiết bị thông gió (nhất là thiết bị có HEPA filter) 24/24 để hạn chế tình trạng không khí trì trệ.
Nếu cảm thấy phòng không đủ thoáng khí, các công ty xí nghiệp được khuyên hạn chế số người sinh hoạt, làm việc trong cùng không gian. Những việc này bao gồm đổi lịch làm việc lệch nhau, nghỉ lệch giờ nhau, nghỉ ngơi khác phòng và làm việc online tại nhà.
Làm thế nào để ước lượng thoáng khí
Nhiều độc giả sẽ hỏi làm cách nào để đánh giá phòng thoáng khí hay không. Về mặt cảm giác, nếu chúng ta thấy phòng có gió lồng lộng lùa vào, không khí mát lạnh tươi mới thì có thể yên tâm là phòng đang thoáng khí. Ngược lại, nếu phòng có vẻ tù túng, không khí nặng mùi thì đó là dấu hiệu cho thấy phòng đang kém thông khí. Về mặt khoa học, có một số chỉ số giúp đánh giá khách quan xem không khí có đang lưu thông tốt hay không.
1. Lượng khí lưu thông quanh mỗi người: Là chỉ số cho thấy lượng khí lưu thông trung bình quanh mỗi người. Mục tiêu thông khí sẽ thay đổi tùy theo tình huống, đặc biệt là mức độ hoạt động, hô hấp của những người trong phòng. Mức tiêu chuẩn là 30 m3/h đối với những văn phòng làm việc yên tĩnh. Đối với các quán nhậu, nơi có nhiều người nói chuyện ra vào thì lượng khí lưu thông cần tăng nhiều hơn gấp đôi 60 m3/h. Đối với những quán karaoke hay những nơi tiệc tùng đông đúc thì cần đặt mục tiêu gấp 3, tức 90 m3/h. Công thức tính toán: Lượng khí lưu thông trong 1 tiếng/số người trong phòng.
2. Số lần thay mới không khí: Là số lần không khí được thay mới trong 1 giờ.
Theo công thức tính toán: Lượng khí lưu thông/(diện tích sàn x chiều cao căn phòng), chỉ số này thay đổi tùy theo thể tích căn phòng và lượng không khí lưu thông trung bình trên một người. Đối với những phòng làm việc tĩnh lặng thì cần thay mới khí 2-3 lần/giờ.
3. Nồng độ CO2 trong không khí: Có một số máy đo nồng độ này, giúp đánh giá tình trạng thông khí tốt hay xấu.
◊ Dưới 1000 ppm: Tốt
◊ 1000-1500 ppm: Hơi xấu
◊ 1500-2500 ppm: Xấu
◊ 2500-3500 ppm: Quá xấu
◊ Trên 3500 ppm: Cực kỳ xấu
Trên thị trường hiện nay có bán một số loại máy đo trực tiếp nồng độ CO2 trong phòng. Quý vị cần lưu ý là các máy đo giá quá rẻ có thể không chính xác. Ngoài ra, cần lưu ý đo ở những nơi có nhiều người, đo khi có nhiều người trong phòng và đo ở những nơi không khí dễ bị trì trệ (như ở góc phòng) để đánh giá đúng tình trạng căn phòng.
Nếu không có máy đo, quý độc giả có thể nhờ bạn bè biết tiếng Nhật sử dụng công cụ ước lượng thông khí miễn phí qua website của Hiệp hội Sức khỏe nghề nghiệp Nhật Bản dưới đây. Những thông tin tham khảo này được đưa ra dựa theo mô phỏng nhiều tình huống tại Nhật, với hàng trăm yếu tố liên quan như loại hình kinh doanh/sản xuất, diện tích chỗ làm, hoạt động của người trong phòng đó.
http://jsoh-ohe.umin.jp/covid_simulator/covid_simulator.html
Như vậy, giúp phòng ốc thông thoáng là một trong những việc làm quan trọng để ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2 khi sinh hoạt và làm việc. Trước quan ngại rằng nhiều hộ dân cư và khu công nghiệp tại Việt Nam dễ xảy ra nhiễm cụm vì thoáng khí kém do thiết kế, hi vọng bài viết ngắn này có thể giúp mọi người nhận thức tốt hơn về vấn đề này và sớm triển khai phương pháp cải thiện, ứng phó thích hợp.
TS. BS Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Kyoto Miniren, Đại học Kyoto (Trưởng Dự án Y học cộng đồng)
Tài liệu tham khảo
https://www.ykkap.co.jp/consumer/satellite/lifestyle/articles/ventilation/ https://www.env.go.jp/earth/zeb/index.html
https://www.kantei.go.jp/index.html
Hình 1. Minh họa hiệu quả thông gió với các vị trí cửa sổ khác nhau.
Hình 2. Đặt thêm quạt máy để tăng thông khí trong phòng
Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên.
Website https://yhoccongdong.com/ tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.
Theo TS. BS Phạm Nguyên Quý
Doanh nghiệp và Tiếp thị