Hãng Reuters ngày 1-12 dẫn bốn nguồn tin cho biết Trung Quốc đã yêu cầu Indonesia ngừng khoan khai thác dầu và khí đốt tự nhiên ở vùng biển tranh chấp thuộc quần đảo Natuna ở phía nam Biển Đông.
Trung Quốc coi vùng biển thuộc quần đảo Natuna là khu vực thuộc chủ quyền của mình, trong khi Indonesia luôn bác bỏ yêu sách này.
Diễn biến trên đến trong bối cảnh nhu cầu năng lượng cao chưa từng có đã làm gia tăng căng thẳng về tài nguyên thiên nhiên giữa Bắc Kinh và Jakarta trong một khu vực đầy biến động và có tầm quan trọng chiến lược và kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Indonesian Joko Widodo trong một chuyến thị sát tới quần đảo Natuna. Ảnh: AP
Reuters dẫn lời Nghị sĩ Muhammad Farhan - ủy viên Ủy ban an ninh quốc gia thuộc Quốc hội Indonesia – cho hay các nhà ngoại giao Trung Quốc đã gửi đến Bộ Ngoại giao Indonesia một bức thư.
Theo đó, bức thư có nội dung: “Hãy dừng hoạt động tại một giàn khoan ngoài khơi vì nó đang diễn ra trên lãnh hải Trung Quốc”.
Trao đổi với Reuters, ông Farhan cho biết: "Câu trả lời của chúng tôi rất kiên định, rằng chúng tôi sẽ không dừng hoạt động khoan vì đó là chủ quyền của chúng tôi".
Theo ông Farhan, trong một bức thư khác, phía Trung Quốc cũng phản đối các cuộc tập trận quân sự Lá chắn Garuda, chủ yếu được tổ chức trên đất liền, hồi tháng 8.
Ông Farhan cho biết các cuộc tập trận, với sự tham gia của 4.500 binh sĩ từ Mỹ và Indonesia, là sự kiện được tổ chức thường xuyên kể từ năm 2009.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên phía Trung Quốc lên tiếng phản đối cuộc tập trận này, ông Farhan cho biết, đồng thời nói rằng trong lá thư, chính phủ Trung Quốc đã “bày tỏ quan ngại về sự ổn định an ninh trong khu vực”.
Liên quan diễn biến trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết: "Mọi thông tin liên lạc ngoại giao giữa các quốc gia về bản chất là bảo mật và nội dung của nó không thể được chia sẻ".
Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Indonesia và Đại sứ quán của Trung Quốc tại thủ đô Jakarta chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Theo Reuters, ba nguồn tin khác đã xác nhận sự tồn tại của bức thư. Hai nguồn tin trong số này khẳng định Trung Quốc đã liên tục lặp đi lặp lại yêu sách buộc Indonesia ngừng hoạt động khoan thăm dò dầu khí ở vùng biển Natuna.
Indonesia khẳng định vùng cực nam của Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Hồi năm 2017, Indonesia cũng đã đặt tên khu vực này là biển Bắc Natuna.
Trung Quốc phản đối việc đổi tên và khẳng định tuyến đường thủy này nằm trong vùng chủ quyền mở rộng theo cái gọi là "đường chín đoạn".
Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.
Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.