Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (trái) hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30-11 tại điện Kremlin, Matxcơva, Nga - Ảnh: Bộ Ngoại giao
Với 2/3 lãnh thổ thuộc châu Á, giàu tài nguyên, có sức mạnh chính trị, khoa học - công nghệ, quân sự và văn hóa, Nga có vị thế rất quan trọng về cân bằng quyền lực và phát triển xanh trong kiến trúc an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang định hình với 5 trụ cột: địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - văn hóa, địa - sinh thái và địa - y tế.
Hướng mới cho phát triển
Quan hệ Việt - Nga kế thừa từ quan hệ Việt - Xô đã được thử thách trong hơn 70 năm qua và Việt Nam nhất quán coi Nga là một trong những đối tác quan trọng và tin cậy hàng đầu.
Chúng ta hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong các nước ASEAN, chiếm 1/3 kim ngạch xuất khẩu cũng như kim ngạch nhập khẩu của Nga với các nước Đông Nam Á. Nga cũng khẳng định Việt Nam là bạn, nước có uy tín quốc tế, đối tác quan trọng và ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga tại Đông Nam Á.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi Việt Nam phải có những bước đột phá về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trước đây, Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo gần 40.000 cán bộ và chuyên gia giỏi thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, đóng vai trò rường cột trong phát triển khoa học - kỹ thuật và công nghệ phục vụ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ năm 2019, Nga đã tăng số học bổng cho Việt Nam lên khoảng 1.000 suất/năm. Hiện có hơn 5.000 du học sinh Việt Nam tại Nga. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường hợp tác đào tạo nhân lực, phát triển Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, triển khai nhanh dự án trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân...
Mặc dù thương mại song phương hiện nay chưa đạt mốc 10 tỉ USD nhưng dư địa vẫn còn rất lớn. Hai bên đã nhất trí sớm hoàn thiện các cơ chế hữu hiệu để phát huy tiềm năng và thế mạnh mỗi nước, nâng cao hiệu quả triển khai FTA giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tin tưởng đầu tư và kinh doanh trong các lĩnh vực truyền thống và mới như năng lượng điện, công nghiệp, khai khoáng, công nghệ cao, giao thông vận tải...
Sức mạnh mềm văn hóa
Ngay từ ngày đầu khởi công hiện đại hóa nước Nga, Pyotr Đại đế đã mong muốn xây dựng Nga trở thành cường quốc văn hóa. Khát vọng này đã được kế thừa, thực hiện liên tục cho tới ngày nay.
Chưa kể những tác phẩm văn học bất hủ của Dostoevsky, Pushkin, Chekhov, Lev Tolstoy, Maksim Gorky, Sholokhov..., chỉ riêng với tượng đài Mẹ Tổ quốc kêu gọi trên đồi Mamayev, phim Bài ca người lính và bài hát Đàn sếu cũng đã đủ để Liên bang Nga tự tin và kiêu hãnh tiến bước cùng nhân loại.
Các thế hệ người Việt Nam thời kháng chiến đều có tình cảm với văn hóa Nga, trong đó có bài thơ Đợi anh về của Ximonov. Liên Xô là cái nôi đào tạo nhiều tài năng văn hóa cho Việt Nam. Tiếp tục tăng cường hợp tác văn hóa với Nga như một ưu tiên hàng đầu sẽ góp phần quan trọng vào thực hiện các quyết sách của Đảng về văn hóa đã được thể hiện trong Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24-11 vừa qua.
"Đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga đi vào chiều sâu và thực chất" sẽ giúp Việt Nam tạo thêm được "thế lợi" trong quan hệ "quân bình chiến lược" với các nước lớn theo phương châm "thế thắng lực" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Quả cân chỉ một kilogram, ở vào thế lợi thì lực của nó tăng lên nhiều, có sức mạnh làm bổng được một vật nặng hàng trăm kilogram. Đó là thế thắng lực".
Việc chọn Nga là nước lớn đầu tiên tới thăm trên cương vị mới của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là điểm nhấn chiến lược quan trọng trong triển khai chính sách đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng.
TTO - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tại Matxcơva vào ngày 1-12.
Xem thêm: mth.59360357020211202-agn-teiv-eh-nauq-gnort-gnort-nauq-na-uad/nv.ertiout