Người dân Bình Định dọn dẹp nhà cửa sau khi lũ rút - Ảnh: LÂM THIÊN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 2-11, ông Trần Quang Năng - trưởng phòng dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết từ ngày 1-12, mưa lớn ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên hoàn toàn chấm dứt.
Do mưa đã giảm, lũ trên các sông đang rút dần, tình trạng ngập lụt tại các địa phương miền Trung đã giảm. Hiện lũ trên các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa đang xuống, mực nước lúc 7h ngày 2-12 trên sông Kôn (Bình Định) tại Thạnh Hòa 7,3m, trên báo động (BĐ) 2 0,3m.
Dự báo trong 24 giờ tới, lũ trên các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa tiếp tục xuống dưới mức BĐ1, riêng sông Kôn (Bình Định) xuống chậm và ở mức BĐ1- BĐ2.
"Tháng 11 là thời kỳ mưa lũ chính vụ ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Trong đợt mưa lũ vừa qua, dù lượng mưa lớn nhưng không vượt quá lịch sử. Lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và Tây Nguyên đạt mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3.
Riêng đỉnh lũ trên sông Kôn (Bình Định) tại Thạnh Hòa 9,46m, vượt BĐ3 1,46m, dưới lũ lịch sử năm 2013 0,22m" - ông Năng nhận định.
Theo ông Năng, trong 10 ngày tới và đến cuối tháng 12-2021, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên chưa có dấu hiệu xuất hiện đợt mưa lớn tiếp theo. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình và đưa ra bản tin cảnh báo khi có dấu hiệu xuất hiện mưa lớn.
Lý giải về việc đưa ra cảnh báo cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên trong các bản tin cảnh báo lũ vừa qua, ông Năng cho biết từ ngày 26-11, Trung tâm đã dự báo ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt mưa lớn từ ngày 27 đến 30-11.
"Đợt mưa lũ xảy ra vào thời kỳ tích nước của các hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong dung tích các hồ thủy lợi, thủy điện tại các địa phương đang ở mức cao. Do vậy, phải thông tin khuyến cáo để các địa phương, các hồ thủy điện vận hành theo quy định, các hồ chứa thủy lợi cũng phải chủ động vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa, đề phòng cũng như tránh những sự cố" - ông Năng nói.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đến 8h sáng 2-12, mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên đã làm 18 người chết và mất tích, riêng Phú Yên có 10 người, 1.492 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại.
Tại Phú Yên, nước đang rút nhanh, chỉ còn 150 nhà ngập 0,5-1m và 2.815 nhà ngập 0,3-0,5m tại 3 huyện, TP Tuy Hòa, Phú Hòa, Tuy An.
Tại Bình Định còn 1.800 nhà bị ngập 0,2-0,4m tại 04 huyện, TP Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát. Hiện nước tiếp tục rút nhanh, các hộ dân đã trở về nhà vệ sinh môi trường, ổn định đời sống, các địa phương tiếp tục thống kê thiệt hại.
TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ đề phòng ngập úng
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện mực nước tại ven biển Nam Bộ đang có xu hướng tăng, mực nước cao nhất tại trạm Vũng Tàu ngày 30-11 4,0m.
Dự báo, do thủy triều cao kết hợp với nước dâng do gió mùa, mực nước tại ven biển Nam Bộ tiếp tục dâng cao trong những ngày tới.
Đỉnh mực nước cao nhất tại trạm hải văn Vũng Tầu là vào ngày 6-7 tháng 12-2021 và có thể đạt 4,27m.
Do ảnh hưởng triều cường, khu vực ven biển các tỉnh Đông Nam Bộ và TP.HCM có khả năng ngập úng tại các vùng trũng thấp.
TTO - Đã có 13 người chết và mất tích do mưa lũ tại Phú Yên, Bình Định. Nhiều tuyến đường bị chia cắt hoàn toàn. Công trình giao thông ở Khánh Hòa bị thiệt hại nặng nề.