Đối với những nhân viên văn phòng Nhật Bản, Bonenkai vốn chẳng còn gì xa lạ khi đây là bữa tiệc rượu tất niên nhằm ăn mừng vào dịp tháng 12 hàng năm. Chúng tương đương như những buổi giao lưu khởi động (Kick off) trước khi năm mới bắt đầu.
Thế nhưng theo tờ The Guardian, giờ đây người lao động công sở Nhật Bản chẳng còn mặn mà với truyền thống này nữa. Văn hóa ăn uống, nhậu nhẹt với đồng nghiệp đã không còn thu hút được nhân viên Nhật Bản bất chấp họ vừa trở lại sau 18 tháng giãn cách vì đại dịch Covid-19.
Trong tiếng Nhật, Bonenkai có nghĩa là "Lãng quên năm cũ" (Forget the year) và là hoạt động thường niên để các đồng nghiệp và sếp ngồi lại trò chuyện, nhậu nhẹt cùng nhau. Tuy nhiên những cuộc khảo sát gần đây cho thấy người lao động Nhật Bản lại khá lo lắng, ngại ngùng khi nói về Bonenkai dù số ca nhiễm mới đã giảm còn các quán rượu đã được mở cửa trở lại bình thường.
Tờ Asahi Shimbum đã có cuộc khảo sát về Bonenkai nhằm thúc đẩy tinh thần cũng như tiêu dùng trên thị trường cho năm mới. Bất ngờ thay, rất nhiều người được hỏi chỉ cười trừ hoặc thể hiện sự phản đối bằng cách im lặng khi được hỏi về tiệc tất niên với đồng nghiệp.
Truyền thống Bonenkai được cho là bắt nguồn từ các thành viên hoàng tộc trong thời kỳ Muromachi (1336-1573) và chúng đang khiến ngày càng nhiều lao động Nhật Bản chán ghét. Nguyên nhân chính là mọi người phải để ý quá nhiều đến lịch sự xã giao thay vì một buổi tiệc hết mình đúng nghĩa. Thậm chí nhiều người còn coi đây là "cực hình" (Utter Torment) khi bị bắt phải nhậu với đồng nghiệp và sếp vào dịp cuối năm với vô số lễ nghi, ép uống...
Mệt mỏi vì phép tắc
Kết quả trên cũng tương tự như cuộc khảo sát của hãng bảo hiểm Nippon Life Insurance (NLF) khi cho thấy 60% người được hỏi tin rằng những cuộc nhậu sau giờ làm là không cần thiết. Nguyên nhân chính là do có những phép tắc phân cấp tại Nhật Bản trong các tiệc rượu như thế này thay vì vui vẻ thoải mái theo đúng nghĩa "lãng quên năm cũ".
Một số người khác thì cho rằng Bonenkai chẳng khác gì bắt nhân viên làm thêm giờ không trả công vì họ phải hầu sếp. Trong khi đó khoảng 1/5 người được hỏi thì chỉ đơn giản là không thích rượu bia.
"Ngày càng nhiều người đặt câu hỏi về sự cần thiết của nhậu nhẹt sau giờ làm, nhất là khi các bữa tiệc khó có thể tổ chức hoàn hảo vì đại dịch Covid-19", chuyên viên nghiên cứu Tomoki Inoue của Trung tâm nghiên cứu NLI Research Institute nhận định.
May mắn thay, khảo sát của tờ Asahi cho thấy vì đại dịch mà nhiều công ty đã hoãn hoặc hủy Bonenkai năm nay.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
"Thật may mắn là tôi không phải lo lắng đồng nghiệp sẽ nghĩ gì về mình khi không muốn uống tại bữa tiệc. Tôi thích không khí thoải mái tự do hơn", một người khảo sát nói với tờ Asahi.
Chính phủ ủng hộ
Trên thực tế, Bonenkai là một truyền thống khá quan trọng với các công ty Nhật Bản khi dùng để cổ vũ tinh thần, gắn kết nhân viên sau 1 năm lao động vất vả. Chúng không chỉ áp dụng với doanh nghiệp mà còn được mở rộng ra nhiều nơi, từ trường học cho đến công sở nhà nước.
Trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản rất cần thúc đẩy tiêu dùng thì Bonenkai có tác dụng khá lớn. Bởi vậy một số chính quyền địa phương đã viết thư kêu gọi nhân viên tham dự Bonenkai của công ty, thậm chí chấp nhận thanh toán một phần hóa đơn buổi tiệc nếu đạt đủ số người tham gia.
Dẫu vậy, các chuyên gia y tế thì lại phản đối bởi ngay cả khi số ca nhiễm mới đã giảm nhưng đại dịch có thể bùng phát lại bất cứ lúc nào khi có đông người tụ tập.
Do đó, khảo sát của hãng phân tích Tokyo Shoko Research cho thấy 70% doanh nghiệp Nhật Bản sẽ không tổ chức Bonenkai trong năm nay. Tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn so với 94% của tháng 12/2020.
*Nguồn: The Guardian
Băng Tâm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.47801646110211202-nab-tahn-gnod-oal-iom-auc-gnom-ca-nein-tat-ceit-aub-iaknenob/nv.zibefac