Hãng Channel News Asia dẫn lời các chuyên gia nhận định còn “quá sớm" để nói liệu các biện pháp bổ sung có cần thiết để đối phó biến thể Omicron ở Singapore hay không, song nếu cần thiết, các hạn chế về đi lại và tụ tập sẽ hiệu quả nhất.
Phó giáo sư Natasha Howard từ Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc ĐH Quốc gia Singapore lưu ý rằng biến thể Omicron dường như “dễ lây truyền hơn nhiều” so với biến thể Delta.
Theo bà, tuy điều này có thể đồng nghĩa với "sự gia tăng đáng kể" về số ca nhiễm, song không có dấu hiệu nào cho thấy biến thể Omicron làm tăng nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong.
Chuyên gia Singapore nêu các bước chuẩn bị cho sự xuất hiện của biến thể Omicron. Ảnh: CNA
“Chúng ta chưa có đủ thông tin về Omicron để biết liệu biến thể này gây ra rủi ro lớn như thế nào và liệu các biện pháp phòng ngừa bổ sung có cần thiết hay không” – bà Howard nói.
“Chúng ta đang ở giai đoạn đầu và hàng ngày tìm hiểu thêm về biến thể mới đáng quan tâm này, vì vậy (chúng ta) phải duy trì các biện pháp hiện có cho đến khi có bằng chứng mới cho thấy liệu việc gia tăng các biện pháp hạn chế có cần thiết hay không” – bà Howard nói thêm.
Theo Channel News Asia, lực lượng đặc nhiệm liên ngành chống COVID-19 của chính phủ Singapore ngày 30-11 cho biết việc biến thể Omicron xuất hiện tại Singapore chỉ là “vấn đề thời gian”.
Singapore đã đưa ra các biện pháp thắt chặt, bao gồm tăng cường các quy trình kiểm tra đối với tất cả du khách. Quốc gia này dự kiến sẽ không mở các làn đường đi lại mới đối với hành khách đã tiêm chủng, ngoài những làn đường đã được thông báo trước đó.
Trước đó, khi đề cập biến thể mới của virus gây đại dịch COVID-19, Thủ tướng Lý Hiển Long nói rằng Singapore có thể buộc phải lùi lại "một vài bước" trước khi tiến thêm các bước.
Trong khi đó, Phó Giáo sư Luo Dahai từ Trường Y dược Lee Kong Chian thuộc ĐH Công nghệ Nanyang cho biết còn nhiều câu hỏi về biến thể mới vẫn chưa được giải đáp.
“Rất khó để xác định mức độ hạn chế nào là phù hợp và hiệu quả trong việc bảo vệ Singapore và người dân Singapore” – ông Dahai nói thêm.
Biện pháp giảm thiểu sự lây lan Omicron hiệu quả nhất
Theo PGS Howard, các chuyên gia nhận định biến thể Omicron có thể sẽ xuất hiện ở Singapore trong vài ngày tới. Do chưa rõ hiệu quả của các loại vaccine hiện có đối với biến thể Omicron ra sao, nên các biện pháp hạn chế giúp giảm thiểu sự lây lan sẽ có hiệu quả nhất.
“Những biện pháp này bao gồm làm việc tại nhà, giảm thiểu quy mô và tần suất tụ tập - đặc biệt là trong nhà, tiếp tục đeo khẩu trang và củng cố các quy trình phòng chống lây nhiễm tại các cửa khẩu biên giới” – bà Howard nói.
Các biện pháp khác đối với du khách đến Singapore bao gồm xét nghiệm PCR khi nhập cảnh và cách ly tại nhà cho đến khi nhận được kết quả âm tính.
Theo Channel News Asia, bà Ling Li Min - bác sĩ về bệnh truyền nhiễm - lưu ý rằng hiệu quả của vaccine là một vấn đề cần quan tâm.
“Do có nhiều đột biến ở các vùng tương tự của protein gai, nên biến thể có thể tránh được một số kháng thể mà mọi người đã có được từ việc tiêm vaccine hoặc sau khi nhiễm COVID-19” – bà Ling nhận định.
Theo bà Ling, một số phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng có thể không hiệu quả trong việc đối phó biến thể Omicron.
Theo PGS Luo, bất kỳ biện pháp hạn chế nào được thực hiện sẽ bao gồm một loạt biện pháp liên quan việc giao lưu giữa các hộ gia đình, hoạt động xã hội, ăn uống tại các quán ăn và đi lại trong và ngoài Singapore.
Bà Luo cho rằng việc hạn chế đi lại sẽ giúp giảm nguy cơ phơi nhiễm với virus, đặc biệt là đối với hoạt động du lịch quốc tế.
Xác định rủi ro
Tuy nhiên, GS Dale Fisher tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore cho rằng việc đóng cửa biên giới sẽ chỉ làm chậm quá trình biến thể Omicron xuất hiện tại Singapore.
Biến thể Omicron. Ảnh: REUTERS
“Tôi nghĩ đó là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta không thể đóng cửa biên giới mỗi khi có một biến thể mới. Bất kỳ biện pháp nào được đưa ra phải phù hợp với chiến lược phục hồi COVID-19 của chúng ta” – giáo sư này cho hay.
Liên quan quan điểm này, PGS.TS Howard nhấn mạnh rằng việc đóng cửa biên giới khi biến thể đã lây lan ở nhiều quốc gia có thể không “đặc biệt hữu ích”.
“Điều quan trọng nhất là phải xác định càng nhanh càng tốt những rủi ro mà biến thể mới này gây ra, cách vaccine có thể cần được cập nhật và liệu các biện pháp phản ứng y tế công cộng hiện có của chúng ta có cần được sửa đổi hay không” – bà Howard nhận định.
Tạm dừng nới lỏng và lập kế hoạch cho tình huống xấu nhất
Theo GS Fisher, tham số quan trọng nhất trong việc quyết định các biện pháp hạn chế sẽ là mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron.
Ông Fisher cho rằng thông tin kết quả ở những người được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng khi nhiễm biến thể Omicron cần được phân tầng theo độ tuổi và các bệnh lý đi kèm.
“Nếu nhận thấy rằng các kết quả là tương tự hoặc tệ hơn biến chủng Delta và những kết quả này xảy ra bất kể tình trạng vaccine thì chúng ta chắc chắn gặp vấn đề” – ông Fisher nói thêm.
Trường hợp xấu nhất liên quan biến thể Omicron sẽ “thực sự đòi hỏi các biện pháp quyết liệt dựa theo mức độ lây nhiễm”.
“Việc một biến thể không nghiêm trọng nhưng rất dễ lây truyền thay thế biến thể Delta có thể sẽ là một điều tốt. Nhưng vẫn còn quá sớm để nói điều gì” – ông Fisher nhận định, nói thêm rằng nhiều thông tin hơn về biến thể Omicron sẽ xuất hiện trong vài tuần tới.
“Tạm dừng nới lỏng và lập kế hoạch cho tình huống xấu nhất trong khi chờ đợi dữ liệu kết quả là con đường mà chúng ta nên đi vào thời điểm này” – ông Fisher nói thêm.
Tuy nhiên, PGS Howard cho rằng không có lý do gì để hoảng sợ vì các phản ứng y tế công cộng “đã được thử nghiệm và đúng đắn” của Singapore tiếp tục có hiệu quả trong từng giai đoạn đại dịch.
Theo đó, bà Howard kêu gọi mọi người nên tiêm phòng và tiêm vaccine mũi nhắc lại khi đủ điều kiện.