vĐồng tin tức tài chính 365

Kỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ 4: Phục sinh 'đất chết'

2021-12-02 13:32
Kỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ 4: Phục sinh đất chết - Ảnh 1.

Nụ cười vui của người trồng cây trẩu ra trái trên "đất chết" - Ảnh: P.X.D.

Nhiều lần lên huyện Hướng Hóa, tôi chứng kiến không ít đồi núi xác xơ vì hậu quả chất độc hóa học.

Nơi chỉ trồng được ... "cây bêtông"

Bên cạnh những cánh rừng nguyên sinh xanh tốt là những rừng trọc, đồi trọc như hấp hối phơi mình dưới nắng hè trông rất thảm thương. Hầu như không có một loại cây nào có thể trụ lại ở đây, trừ cỏ lau và tranh nhưng cũng mọc lơ thơ, cằn cỗi.

Nhiều quả đồi bà con dân tộc thiểu số chỉ dùng để chăn thả trâu bò. Nhớ hôm ở xã Hướng Linh, nhìn dấu vết của công ty trồng cây cà phê đã bỏ của chạy lấy người, một người đồng hành đã thốt lên nửa đùa nửa thật: "Đất này may ra chỉ trồng được... cây bêtông". Câu nói vui nhưng không phải để cười. 

Mà đúng vậy, còn sót lại nhiều cột bêtông làm hàng rào, sau khi nhiều doanh nghiệp đã đến nơi đây rồi phải bỏ chạy vì không thể trụ lại trên "đất chết".

Hồi ấy, một già làng vừa lắc đầu vừa nói một cách buồn bã: "Không thể trồng được cây gì cả con ơi. Đất này bị phun chất độc hóa học nên chết rồi". Đồng bào miền núi gắn bó, thông thuộc núi rừng mà còn nói thế thì coi như bó tay.

Nhưng chẳng lẽ trọng bệnh của núi rừng là vô phương cứu chữa?

Cuộc thử thách phục sinh

Vậy mà đã có những con người tính chuyện bẻ nạng chống trời, làm chuyện mà bao người cho là không tưởng. 

Gặng hỏi nhiều lần, anh Nguyễn Tân Hiếu, cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, mới kể: "Người khởi xướng phục hồi cho những diện tích bị nhiễm chất độc hóa học là anh Hà Văn Hoan, khi ấy là phó giám đốc khu bảo tồn. Một lần anh ấy đi tham quan ở Thái Lan. 

Nhìn những mô hình phục hồi của bạn, tất nhiên không bị nhiễm chất độc hóa học nặng nề như ở nước mình, anh nảy sinh ý định: liệu mình có thể làm được không? Tất nhiên lúc đó chỉ mới là ý tưởng". Tôi được biết anh Nguyễn Tân Hiếu là cộng sự đắc lực nhất trong dự án của kỹ sư Hà Văn Hoan từ khi bắt đầu khởi sự.

Tìm gặp vào lúc rảnh rỗi hiếm hoi, anh Hoan tâm sự: "Thực ra vì quá tâm huyết với chuyện phục hồi rừng nên tôi mới có ý tưởng như vậy, còn chuyện kết quả thế nào, không ai dám nói trước. Bởi hầu như chưa hề có tiền lệ trong chuyện này, càng chưa có những đúc kết khoa học, những kinh nghiệm mà mình có thể học hỏi. 

Nghĩa là gần như tất cả bắt đầu từ con số không. Nhưng vì tâm huyết nên chúng tôi đã quyết là làm. Chuyện từ 5 năm trước".

Khu vực thí điểm chính là đồi tranh mà bà con dân tộc Vân Kiều chăn thả trâu bò hơn 40 năm nay. Nếu trồng cây thì không được chăn nuôi đại gia súc thả rông. Nghe vậy, bà con rần rần phản đối.

Anh Hoan thì nhớ lại: "Nghe bà con phản ứng, mình cũng lo, việc mới bắt đầu đã gặp trở ngại. Nhưng mình cũng tin là có thể thuyết phục được bà con. Chúng tôi lập tức về các bản tổ chức họp dân. 

Tôi giải thích cho bà con, cán bộ bảo tồn làm việc này trước mắt cũng như lâu dài cũng vì bà con ở đây, nếu thành công thì bà con càng có cơ hội xóa đói giảm nghèo. Rừng được phục hồi, giàu lên thì bà con cũng hưởng lợi. 

Trước mắt, chúng tôi tìm nguồn hỗ trợ gạo, kinh phí để bà con cùng tham gia trồng cây phục hồi với cán bộ bảo tồn, vừa bảo vệ tốt khu vực này. Mình nói chân tình, phân tích lợi hại, thiệt hơn, và bà con nghe ra, vui vẻ đồng thuận.

Đồng bào miền núi là vậy, khi họ đã hiểu, đã tin thì mình mới thành công. Kể cả việc bảo vệ rừng, chúng tôi không có lực lượng kiểm lâm chuyên trách trong khu bảo tồn, chủ yếu nhờ tai mắt bà con, thành viên các tổ bảo vệ rừng mà vẫn phát huy hiệu quả".

Đất của họ thử nghiệm chính là ở tiểu khu 667A thuộc xã Hướng Linh (huyện Hướng Hóa), khu vực "chỉ trồng được cây bêtông" như có người đã nói. Ngoài bị nhiễm chất độc dioxin thì đây là địa hình có độ dốc khá lớn, thường có nắng gắt, là "túi gió" Lào...

Dẫn chúng tôi đến đây, đứng giữa đồi cao, anh Hiếu thuyết minh: "Lúc đầu, qua khảo sát thực tế, chúng tôi quyết định trồng các loại cây bản địa như lim xanh, nhội, lát hoa, muồng đen, sau sau, rồi trẩu nữa... 

Lý do là vì những loại cây này phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, địa hình, độ dốc, độ ẩm, lượng mưa, gió cụ thể ở đây. Mặt khác, việc trồng những loại cây này nhằm làm đa dạng, phong phú về tố thành loại cây, với mục đích nâng cao chất lượng gỗ trong lâm phần, tăng độ che phủ của rừng, hạn chế xói mòn. 

Riêng cây trẩu khi có trái sẽ giúp bà con có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Chúng tôi tiến hành trồng từ năm 2015 trên diện tích 7ha".

Nhưng thử thách nghiệt ngã cũng mới chỉ bắt đầu.

Dù được chăm bẵm, ngay năm đầu cây đã chết đến 50%. Vậy là phải trồng giặm, rồi chăm sóc, làm cỏ, bảo vệ, theo dõi liên tục để "thuốc thang cho con bệnh" kịp thời. Các cán bộ khu bảo tồn kiên trì, vừa làm vừa rút tỉa kinh nghiệm suốt gần 5 năm như thế. Khó có thể nói hết những gian nan mà họ đã trải qua.

Kỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ 4: Phục sinh đất chết - Ảnh 2.

Vườn cây thuốc và một số loại cây gỗ quý hiếm - Ảnh: P.X.D.

Màu xanh trở lại

Hôm đầu tháng vừa rồi, anh Hiếu cùng anh em dân bản trong tổ bảo vệ rừng do khu bảo tồn thành lập nhiều năm nay đã đứng dưới cây trẩu, một loại cây trồng xen canh ở khu vực phục hồi rừng, bắt đầu cho quả đầu mùa. Đó là hình ảnh bình thường ở rất nhiều nơi khác nhưng ở đây là một kỳ công vượt quá sức người.

Anh Hà Văn Hoan, giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, cho hay: "Khi thử nghiệm mô hình này, chúng tôi đã được tổ chức Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt hỗ trợ. 

Sau khi thành công, nhiều nhà đầu tư nước ngoài thông qua tổ chức này đã cấp kinh phí cho chúng tôi mở rộng diện tích phục hồi, trước là các nhà đầu tư ở Nhật, nay là nhà đầu tư ở Đức. Quy mô bây giờ không còn là vài hecta như trước đây mà mở rộng 112ha, không chỉ ở xã Hướng Linh mà còn ở xã Hướng Lập".

Tôi hiểu để thuyết phục những nhà đầu tư khó tính ở nước ngoài thật không phải dễ nhưng thực tế đã có tiếng nói quyết định. 

Lại nhớ ông Hồ Vi ở thôn Hoong Mới, xã Hướng Linh, vui vẻ nói cười: "Giờ thì mình và bà con đã tin là trồng được cây ở trên đồi bị chất độc hóa học ngày trước. Khó vậy mà cũng làm được là quá giỏi! Phục hồi được rừng thì bà con cũng được có thêm công ăn việc làm và thu nhập ổn định".

Khi chia tay, anh Hà Văn Hoan nói từ tốn: "Biết anh quan tâm nhiều đến sâm Ngọc Linh, một cây dược liệu quý trồng trên đỉnh Sa Mù. Vì đây đúng cũng là chuyện lạ, rất mới ở Quảng Trị. Thử nghiệm đã có tín hiệu ban đầu, dù còn gặp không ít khó khăn. 

Khi kết quả chắc chắn mới công bố rộng rãi. Nếu thành công sẽ giúp bà con vùng cao thực sự đổi đời nhờ loại cây này".

Vậy là thêm nhiều hy vọng cho đại ngàn ...

Hy vọng sâm Ngọc Linh

Vườn thuốc trên đỉnh Sa Mù chủ yếu là cây sâm Ngọc Linh đang được trồng thử nghiệm. Ngoài ra còn có các loại cây như sa nhân, đẳng sâm... cũng có mặt ở khu vực này. Diện tích cây sa nhân là 0,8ha, đẳng sâm trồng 500 cây, ba kích tím 150 cây.

Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa cũng đã xây dựng vườn ươm cây bản địa ở lưng đèo Sa Mù với 9.000 cây. Những mô hình bước đầu có triển vọng.

**********

Một tấm bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh giữa thời bình, trong hoàn cảnh không hề có tiếng súng giao tranh khi họ thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt...

>> Kỳ cuối: Khúc vĩ cầm ở Sa Mù

Kỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ 3: Vào hang động kỳ diệuKỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ 3: Vào hang động kỳ diệu

TTO - Nai nịt gọn gàng trong tư thế người leo núi, chúng tôi có mặt ở đoạn ranh giới hai xã Hướng Việt và Hướng Lập (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) từ sáng sớm để khám phá hang động, thác ghềnh tuyệt đẹp vùng đại ngàn kỳ bí này.

Xem thêm: mth.69651629110211202-tehc-tad-hnis-cuhp-4-yk-um-as-gneiht-iun-ib-yk/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ 4: Phục sinh 'đất chết'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools