InterNations, cộng đồng người nước ngoài lớn nhất thế giới với hơn 4 triệu thành viên, vừa công bố báo cáo xếp hạng các thành phố lý tưởng cho người nước ngoài đến làm việc (Expat City Ranking 2021).
Bảng xếp hạng năm nay khảo sát 12.420 lao động đang làm việc ở nước ngoài về 57 thành phố, xoay quanh 5 hạng mục: chất lượng cuộc sống đô thị, ổn định cuộc sống, đời sống công việc, tài chính và nhà ở, chi phí sinh hoạt.
Kết quả, TP HCM xếp hạng 6 toàn cầu về nơi làm việc tốt nhất cho người nước ngoài. InterNations đánh giá, đây là nơi "có chi phí sinh hoạt xuất sắc nhưng chất lượng cuộc sống thấp". Cụ thể, thành phố hạng nhì về mức độ hài lòng đối với chi phí sinh hoạt, với 84% đánh giá tích cực so với trung bình toàn cầu là 48%.
*Thứ hạng các thành phố châu Á trong "Expat City Ranking 2021"
Bangkok | TP HCM | Hong Kong | Kuala Lumpur | Thượng Hải | Singapore | Tokyo | |
Thứ hạng chung | 11 | 6 | 46 | 1 | 13 | 5 | 53 |
Chất lượng cuộc sống | 43 | 52 | 36 | 41 | 19 | 3 | 14 |
Ổn định cuộc sống | 18 | 10 | 28 | 1 | 27 | 12 | 57 |
Công việc | 40 | 10 | 46 | 30 | 13 | 37 | 49 |
Tài chính và Nhà ở | 3 | 2 | 36 | 1 | 22 | 20 | 43 |
Chi phí sinh hoạt | 9 | 2 | 54 | 3 | 27 | 43 | 38 |
Mức độ hạnh phúc | 85% | 89% | 81% | 85% | 79% | 79% | 65% |
Thậm chí, TP HCM còn đứng đầu trong hạng mục phụ về đánh giá tài chính. Theo đó, 75% người nước ngoài nói rằng thu nhập hộ gia đình khả dụng của họ là quá đủ để trang trải chi phí (so với 52% trên toàn cầu), và 77% hài lòng với tình hình tài chính của họ (so với 64% trên toàn cầu).
Có đến 61% lao động nước ngoài cho rằng chi phí nhà ở phải chăng (so với
42% toàn cầu) và dễ tìm (88% so với 60% trên toàn cầu). Ngoài ra, TP HCM còn có thành tích tốt về chỉ số đời sống việc làm đô thị (hạng 10) và sự hài lòng tổng thể trong công việc (hạng 1).
Tuy nhiên, một số hạng mục về chất lượng cuộc sống, TP HCM lại có các thứ hạng cuối trong 57 thành phố được khảo sát. Nơi đây xếp hạng 52 về chỉ số chất lượng sống đô thị và đứng áp chót (hạng 56) chỉ sau Johannesburg về giao thông vận tải. Gần hai phần ba người nước ngoài (65%) không hài lòng với yếu tố này (so với 20% trên toàn cầu), và 49% đánh giá về môi trường đô thị tiêu cực (so với 16% trên toàn cầu). "Chất lượng môi trường có thể thách thức, chẳng hạn như ô nhiễm, thiếu tái chế và tiếng ồn", một lao động người Canada giải thích.
Dù có một số chỉ số thuộc nhóm cao nhất lẫn thấp nhất, về tổng thể, TP HCM lại có thang điểm hạnh phúc (Happiness Level) cao nhất trong 7 thành phố châu Á có mặt trong bảng xếp hạng, với 89%. Theo sau là Kuala Lumpur, Bangkok và Hong Kong.
Có 77% người nước ngoài cho biết dễ dàng kết bạn mới ở đây; 74% hài lòng so với cuộc sống xã hội. Có đến 93% đánh giá người bản địa thân thiện với người nước ngoài (trung bình toàn cầu là 67%). Dù 80% thừa nhận khó học được tiếng Việt nhưng 77% nói vẫn sống được dễ dàng mà không cần biết ngôn ngữ bản địa.
Trong bảng xếp hạng năm nay, Kuala Lumpur dẫn đầu thế giới là nơi lý tưởng nhất cho người nước ngoài đến làm việc. Riêng với các thành phố tại châu Á còn lại trừ TP HCM, có Singapore (hạng 5), Bangkok (hạng 11), Thượng Hải (hạng 13),
Hong Kong (hạng 46) và Tokyo (hạng 53).
Hầu hết các thành phố châu Á được nêu trong khảo sát đều được đánh giá tốt nhất trên toàn thế giới về khả năng định cư, tài chính và nhà ở, cũng như chi phí sinh hoạt tại địa phương. Tuy nhiên, Tokyo và Hong Kong vào danh sách mười thành phố bị đánh giá là tệ nhất, do điểm thấp ở hạng mục định cư và chi phí sinh hoạt.
Viễn Thông