Trào lưu “phím hàng” trong đầu tư chứng khoán tuy đã được cảnh báo không ít nhưng cuối cùng vẫn đang được khá đông nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư F0 nói riêng chọn lựa như một cây gậy thần nhằm muốn gặt hái được lợi nhuận một cách dễ dàng.
“Phím hàng” – chuyện thường ngày trên các nhóm
Người viết bài này tham gia hơn chục nhóm, diễn đàn về đầu tư chứng khoán. Trong đó, hầu hết các nhóm trên Facebook hay Zalo, vẫn thường diễn ra những mời mọc phím hàng.
Ở chiều cung, nhiều thành viên tham gia các nhóm, diễn đàn chuyên về chứng khoán trên Facebook khá đều đặn và thường xuyên rao phím hàng, đại loại như: Anh chị chấm cho em 1 chấm em sẽ phím cho 1 mã; hôm nay em phím miễn phí 3 mã hot, ngon ăn, anh chị nào cần thì inbox em ạ…
Còn ở chiều cầu, nhiều nhà đầu tư trông chờ vào hàng phím, đại loại: Hôm nay có mã nào ngon xin phím cho em với ạ; phiên hôm nay có ai phím hàng cho em xin 1 mã với ạ…
Theo anh Kh., chuyên viên tư vấn của một công ty chứng khoán, việc phím hàng cũng còn tùy vào từng nhóm trên Facebook, Zalo. Nhóm Zalo do anh Kh. thành lập chủ yếu tư vấn cho khách hàng, cung cấp các thông tin và cả danh mục đầu tư, nhưng tuyệt đối không dùng từ “phím hàng” nghe có vẻ là hàng “độc”, đánh là trúng gây ảo tưởng hay nhận thức không đúng cho nhà đầu tư.
“Nhiều nhóm phím hàng nhằm hô hào để “lùa gà”, anh chị cẩn thận nhé”, anh Kh. cảnh báo.
Chị K. - trưởng phòng kinh doanh của một công ty chứng khoán có trụ sở chính tại TPHCM – phân tích: “Các hàng phím có “hàng độc” hay không cũng tùy. Vì với những room đó thường cần theo dõi một thời gian xem có thực là đem lại hiệu quả khi người ta phím hàng cho nhà đầu tư hay không”.
Theo phím hàng, lỗ tự chịu
Anh Q. bắt đầu tập chơi chứng khoán từ tháng 4.2021. Thời gian đầu anh tìm hiểu thông tin từ 3 nguồn: Tin tức thị trường chứng khoán đăng tải trên các báo; thông tin ở các nhóm, diễn đàn về đầu tư chứng khoán trên Internet, và thông tin từ các chuyên viên tư vấn nơi anh mở tài khoản để giao dịch.
“Lên các nhóm trên mạng xã hội, nghe phím hàng, bàn luận hết mã này tới mã kia mà quay cuồng, chóng mặt quá”, anh P.Q thốt lên. Và phương án cuối cùng anh chọn là “thọ giáo” những người đi trước có kinh nghiệm, từng thành công, và thông tin chính thức các báo đăng tải, cùng với thông tin tham khảo thêm từ chuyên viên tư vấn, môi giới. Còn hàng phím, anh gần như không quan tâm nữa.
Chị K. cho biết thêm, các nhóm phím hàng có tin mật từ doanh nghiệp rò rỉ ra hay không khó có thể khẳng định chắc chắn được. Bởi biết đâu, “chủ thớt” hay người phím hàng trong nhóm có mối quan hệ với những người trong doanh nghiệp niêm yết có thể nắm được thông tin nào đó, hoặc thông tin từ các “đội lái”, theo kiểu: Xây dựng một câu chuyện cho cổ phiếu đó, rồi chuẩn bị có game gì hay… Nhưng tất cả chỉ mang tính giả thiết, tin hành lang, chứ hoàn toàn không chính thống.
Với một nhà đầu tư hơn 10 năm kinh nghiệm và từng nhiều lần “đau thương nặng” qua các năm 2008 (khủng hoảng tài chính toàn cầu) và đầu năm 2020 (dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam), anh H. không chút mảy may lay động trước các danh mục hàng phím.
“Giả dụ có là hàng độc đi nữa, nhưng với người đầu tư lâu năm thường họ phải tìm hiểu, phân tích thêm chứ không lao vào như thiêu thân được. Và khi đó, để ra quyết định xuống tiền còn phụ thuộc vào tâm lý, bản lĩnh, sự tự tin…”, anh H. cho biết.
Tuy nhiên, nhà đầu tư F0 thì dễ tin vào hàng phím hơn, vì họ còn đang thiếu kiến thức, thông tin, kinh nghiệm, cho nên nhiều khi xem việc phím hàng như một cái phao định hướng đầu tư. Hơn nữa theo anh H, người chưa có kinh nghiệm và chưa biết đau thương thì dễ liều hơn. Nhưng nếu gặp phải nhóm “lùa gà” thì hàng phím lại dẫn đến vực sâu.
Xem thêm: odl.281089-0f-ut-uad-ahn-iov-iod-uas-cuv-yah-teyuq-ib-gnah-mihp-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal