Tỷ lệ sinh trong tình trạng đáng lo ngại
Theo niên giám mới nhất do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào cuối tháng 11, chỉ có 8,5 ca sinh trên 1.000 người ở Trung Quốc vào năm 2020.
Theo dữ liệu chính thức, đây không chỉ là mức thấp nhất khi niên giám thống kê bắt đầu được ghi chép từ năm 1978, mà còn từ khi thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa năm 1949.
Tỷ lệ sinh giảm xuống một con số là dấu hiệu mới đáng lo ngại nhất. Con số này cho thấy cuộc khủng hoảng dân số ngày càng nghiêm trọng, khi đất nước 1,4 tỷ dân mất đi lợi thế là những người trẻ tuổi.
Cuộc điều tra dân số quốc gia kéo dài một thập kỷ của Trung Quốc được công bố hồi tháng 5 cho biết, năm 2020 chỉ có 12 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra, giảm 18% so với 14,65 triệu của năm 2019.
Các nhà nhân khẩu học từ lâu đã dự đoán Trung Quốc sẽ bắt đầu suy giảm dân số trong những thập kỷ tới. Tuy nhiên, một số chuyên gia hiện lo ngại điều này có thể đến sớm hơn nhiều so với dự kiến.
James Liang, giáo sư nghiên cứu kinh tế tại Đại học Bắc Kinh cho biết, từ dự báo sơ bộ dựa trên những dữ liệu tạm thời, năm 2021 sẽ có khoảng dưới 10 triệu ca sinh. "Và tất nhiên, với con số đó, tin tức lớn nhất là Trung Quốc có thể đang trong tình trạng suy giảm dân số", giáo sư Liang nói.
Giáo sư Liang không phải là chuyên gia duy nhất lo ngại về vấn đề này. He Yafu, một nhà nhân khẩu học độc lập ở Quảng Châu, đã viết trên mạng xã hội vào tháng trước rằng "dân số Trung Quốc có khả năng tăng trưởng âm vào năm 2021".
Vào tháng 5, sau kết quả của cuộc điều tra dân số quốc gia, He dự đoán dân số Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm vào năm 2022. Song, hiện tại ông cho rằng sự đoán đó của ông từ nửa năm trước là quá lạc quan.
Tỷ lệ sinh giảm là một vấn đề mà nhiều quốc gia phải đối mặt, nhưng ở Trung Quốc, tỷ lệ này giảm nghiêm trọng hơn vì chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ của nước này.
Để ngăn chặn vấn đề trên, vào năm 2015, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ cho phép các cặp vợ chồng sinh hai con. Nhưng sau một đợt tăng ngắn trong năm 2016, tỷ lệ sinh trên toàn quốc đã giảm so với cùng kỳ năm trước đó. Tỷ lệ giảm khiến các nhà chức trách tiếp tục nới lỏng chính sách, thậm chí là cho phép sinh ba con. Một số chuyên gia tin rằng chính sách ba con sẽ thay đổi tình thế.
Ngoài ra, so với các quốc gia phát triển có tỷ lệ sinh tương tự, Trung Quốc vẫn kém xa về GDP bình quân đầu người và có hệ thống phúc lợi xã hội chưa thực sự tốt, mặc dù là quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.
Năm ngoái, tỷ lệ sinh của Trung Quốc chỉ ở mức 1,3, một trong những mức thấp nhất trên thế giới và thậm chí còn thấp hơn Nhật Bản. GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 1/4 của Nhật Bản. Một số quốc gia có tỷ lệ sinh thấp hơn bao gồm Singapore (1,1) và Hàn Quốc (0,84).
Giáo sư Liang cho rằng, đây tất nhiên chưa phải là điều tồi tệ nhất. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc đang trên đà giảm và sẽ sớm chạm đến mức thấp nhất như Singapore và Hàn Quốc. "Nếu bạn nhìn vào các thành phố lớn ở Trung Quốc như Thượng Hải và Bắc Kinh, tỷ lệ sinh ở đây (vào khoảng 0,7) là thấp nhất thế giới", ông nói.
Già hoá dân số nhanh chóng và lực lượng lao động bị thu hẹp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định kinh tế và xã hội của Trung Quốc.
Một xã hội già hoá cũng gây áp lực to lớn lên thế hệ trẻ của đất nước. Họ vốn đang ngày càng trì hoãn việc kết hôn hoặc thậm chí hoàn toàn né tránh. Năm ngoái, số cặp đôi đăng ký kết hôn đã giảm năm thứ 7 liên tiếp, xuống còn 8,1 triệu. Con số này giảm 40% so với mức đỉnh vào năm 2013, theo niên giám của Cục Thống kê Quốc gia.
Thế hệ trẻ Trung Quốc có xu hướng trì hoãn hoặc tránh né kết hôn. Ảnh: Getty
Những nỗ lực của chính quyền Trung Quốc
Trong nhiều thập kỷ, các chính quyền địa phương đã buộc hàng triệu phụ nữ phá thai do vi phạm chính sách một con. Giờ đây, chính quyền đang đưa ra nhiều khẩu hiệu tuyên truyền và chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con. Các ưu đãi phổ biến bao gồm trợ cấp tiền mặt, bất động sản và kéo dài thời gian nghỉ thai sản.
Nhưng các chính sách đã không thuyết phục được phụ nữ. Họ lo lắng rằng họ sẽ bị thiệt thòi hơn khi các công ty tìm cách tránh gánh nặng tài chính.
Trọng tâm của vấn đề là chi phí nuôi dạy trẻ cao, đặc biệt là trong tầng lớp trung lưu đang gia tăng của đất nước. Cha mẹ muốn con cái thành công phải sẵn sàng đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc nhất có thể.
Giáo sư Liang cho biết chỉ dựa vào chính quyền địa phương là chưa đủ. Thay vào đó, chính quyền trung ương nên dành một tỷ lệ nhất định trong GDP của đất nước để trợ cấp tài chính cho các gia đình, dưới hình thức tiền mặt, ưu đãi thuế hoặc các phúc lợi an sinh xã hội khác.
Nhưng cũng có nhiều vấn đề sâu xa hơn cần được giải quyết. Những yếu tố hàng đầu khiến các cặp vợ chồng không muốn sinh thêm con là giá bất động sản và chi phí giáo dục tăng cao.
Đây chính là hai lĩnh vực nổi cộm tại Trung Quốc trong năm nay, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nợ xung quanh tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande và việc chính phủ Trung Quốc siết chặt kiểm soát hoạt động dạy thêm ngoài giờ.
Việc tăng cường quản lý các lớp dạy thêm sau giờ học được cho là một phần nỗ lực nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh. Hoạt động này vốn là một áp lực đối với trẻ em và gánh nặng tài chính đối với các bậc cha mẹ. Song, giáo sư Liang cho rằng biện pháp này chỉ giải quyết các "triệu chứng" chứ chưa thể "điều trị tận gốc". Ông cho rằng giải pháp lâu dài là thay đổi chế độ tuyển sinh đại học với sự cạnh tranh khốc liệt.
Sau nhiều năm, chính phủ Trung Quốc đã nhận thức sâu sắc được mức độ nghiêm trọng của vấn đề và thể hiện nhiều quyết tâm để khắc phục. Các biện pháp trên có thể là mở đầu cho nhiều biện pháp cải thiện tình hình khác.
Thực tế, kịch bản lạc quan nhất đối với Trung Quốc là đạt được tỷ lệ sinh tương tự như châu Âu, vào khoảng 1,6 hoặc 1,7. Giáo sư Liang đánh giá: "Nhưng điều đó rất khó. Bạn đang nói về việc chi 5% GDP để khuyến khích sinh con, hoặc giải quyết vấn đề nhà ở và vấn đề giáo dục. Thực ra, duy trì ở mức 1,3 thôi đã là điều không hề dễ dàng".
Theo CNN