Ngày 2/12, Hội thảo Chuyển đổi số ngành BĐS đã diễn ra với sự tham gia của đại diện Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cùng các nhà khoa học, chuyên gia nhằm nhìn lại và đưa ra định hướng thúc đẩy chuyển đổi số cho ngành, một cách tích cực và hiệu quả hơn nữa trong năm 2022.
Lợi ích cho tất cả các bên
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam: "Khối lượng giao dịch, dữ liệu, khách hàng trong ngành BĐS là khổng lồ, để quản lý, xử lý các công việc như nộp thuế, xem xét nguồn gốc, giấy tờ, sổ đỏ… mất rất nhiều thời gian".
Vậy để rút ngắn khoảng thời gian đó, rút ngắn quy trình trong hoạt động mua bán BĐS, chuyển đổi số (CĐS) là điều rất cần thực hiện. “Quan điểm của chúng tôi là đối với lĩnh vực đặc thù thì CĐS là tất yếu", ông nhấn mạnh.
Chuyên gia bày tỏ, CĐS trong lĩnh vực BĐS mang lại lợi ích cho toàn diện cho tất cả các bên.
Đối với Nhà nước, CĐS giúp Nhà nước dễ dàng quản lý, đánh giá thị trường, đặc biệt đối với vấn đề về thông tin, dữ liệu, hoạt động mua bán, giao dịch, biến động. Chính phủ đã ban hành Nghị định nhằm thu thập thông tin, dữ liệu BĐS từ 2015, tuy nhiên việc thực hiện Nghị định này là chưa hiệu quả.
Bởi vẫn đang quản lý theo những phương pháp truyền thống, trong khi đó tính chất của BĐS là thay đổi liên tục, cần nắm bắt thị trường rất nhanh. Quản lý bằng công nghệ sẽ giảm đi rất nhiều sự phức tạp, cồng kềnh trong quy trình.
Đối với các nhà phát triển, ngay từ ý tưởng đầu tiên, quy hoạch, xây dựng các đề án, dự án BĐS cho đến tiếp cận thị trường, quản lý dữ liệu, mua bán, giá cả, hợp đồng… nếu có sự ứng dụng công nghệ số sẽ hiệu quả trong hoạt động quản lý và đầu tư.
Qua đó, giảm bớt được thời gian và chi phí, đặc biệt là chi phí về bộ máy quản lý điều hành của chủ đầu tư.
Đối với hoạt động giao dịch, có thể thấy, trong giai đoạn gần đây chúng ta mới ứng dụng công nghệ ở mức ít, cơ bản. Tuy nhiên, rõ ràng đã nhìn thấy hiệu quả và trợ giúp đắc lực của công nghệ trong việc trao đổi, kết nối, tiếp cận khách hàng. Vậy nên, cần phải ứng dụng công nghệ 4.0 ở mảng này mạnh hơn nữa trong thời gian trước mắt.
Từ đó, trong tương lai, Hiệp hội BĐS hy vọng những phát triển về công nghệ có thể thay thế cho cả một bộ máy vận hành, những “trợ thủ số" sẽ giúp tối ưu hoá hoạt động kinh doanh, quản lý. Ứng dụng công nghệ số chắc chắn sẽ là xu hướng và là điều tất yếu, được các chủ thể: Nhà nước, nhà đầu tư, khách hàng… tìm đến.
Vai trò trong đại dịch
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: "Đại dịch Covid đã tạo ra một cú huých nhằm đẩy mạnh công cuộc CĐS trong các doanh nghiệp ngành BĐS".
So với các ngành như tài chính, ngân hàng, thương mại, kinh tế, có thể BĐS bắt đầu chậm hơn, tuy nhiên, BĐS sẽ mang lại tiềm năng rất lớn trong việc phát triển.
Thực tế chứng minh, thời gian qua, từ khoá “Proptech" (viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Property Technology, là ứng dụng công nghệ thông tin và kinh tế nền tảng vào thị trường bất động sản, gọi tắt là công nghệ bất động sản) là một trong những từ khoá được quan tâm nhiều nhất trong các doanh nghiệp BĐS.
Tốc độ phát triển nhanh chóng của proptech đã thu hút sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp BĐS, các quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong 2019, những quỹ đầu tư này đã đầu tư tới 31,6 tỉ USD vào các dự án proptech trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, thị trường proptech cũng đang diễn ra rất sôi động.
Theo khảo sát, giá trị bất động sản toàn cầu đạt mức tăng trưởng 5,5% trong năm 2020, thấp hơn giá trị của khoản trái phiếu, cổ phiếu gộp lại, giá trị BĐS thương mại cũng như đất nông nghiệp toàn cầu trong việc đóng góp GDP cũng có dấu hiệu sụt giảm.
Tuy nhiên, thị trường BĐS Việt Nam được nhận định là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất tại khu vực ĐNA. Cụ thể trong 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, nhưng thị trường BĐS Việt Nam vẫn có những tín hiệu đáng mừng.
Một phần trong những kết quả đó, phải kể đến sự đóng góp của việc ứng dụng công nghệ vào trong các hoạt động quản lý, mua bán BĐS. Do đó, trong thời gian tới những công nghệ mới như blockchain, AI, phân tích dữ liệu,... dự kiến sẽ mang lại nhiều thay đổi trong cách thức giao dịch, mua bán, cho thuê và quản lý BĐS.
Có thể nói, những nỗ lực về mặt chính sách, đầu tư về công nghệ từ phía cơ quan, Chính phủ, các Bộ, ngành sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy CĐS trong các doanh nghiệp BĐS.
Qua đó, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực Proptech, không chỉ mang lợi ích, thuận tiện cho các doanh nghiệp mà cho cả các nhà đầu tư và khách hàng cá nhân.