Sau một thời gian bị siết chặt giãn cách vì làn sóng thứ tư của dịch COVID-19, thị trường nhà, đất nhiều tỉnh phía Nam bắt đầu rục rịch giao dịch trở lại.
Người mua kẻ bán bắt đầu xôm tụ
Từ tháng 10, ông Quốc Bảo cùng nhóm đầu tư của mình đã có nhiều chuyến khảo sát thực tế thị trường bất động sản (BĐS) các tỉnh lân cận TP.HCM. Nhóm của ông đã chọn đầu tư đất nền gần biển tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông Bảo nhận định giá đất khá ổn định, hiếm gặp nhà đầu tư giảm giá nhiều để thoát hàng.
“Cứ có sổ, vị trí tốt vừa tiền là tôi quyết ngay. Nhiều bạn bè tôi đang săn mua đất xa hơn như Lâm Đồng, Bình Phước” - ông Bảo chia sẻ.
Trong khi đó, ông Tuấn Kiệt (một môi giới ở TP Thủ Đức, TP.HCM) lại cho biết nghe điện thoại suốt ngày khi nhiều khách hỏi thông tin đất nền, căn hộ. Tuy nhiên, người hỏi chủ yếu là môi giới, còn khách mua thực đến xem nhà, đất lại rất ít, chủ yếu gọi để dò giá. Từ tháng 10 đến nay, căn hộ, đất nền ông mua đầu tư ở Bình Dương vẫn chưa bán được.
Theo báo cáo thị trường của kênh thông tin batdongsan.com.vn, tình hình dịch bệnh tại nhiều khu vực được kiểm soát ổn định, làn sóng tìm mua nhà, đất đã bật tăng trở lại với mức tăng đạt 89% so với tháng trước và 4% so với cùng kỳ. Nhu cầu tìm kiếm BĐS tại TP.HCM phục hồi đến 90%, gần trở lại như thời điểm tháng 5 trước khi dịch bệnh bùng phát.
Riêng các địa phương phía Nam, những điểm nóng về dịch bệnh thời gian qua như Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai và một số tỉnh, thành khu vực Nam Trung bộ như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng đều đang ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, nhu cầu tìm mua nhà, đất tăng 30%-90%. Đà Nẵng là thị trường ghi nhận nhu cầu mua nhà tăng cao nhất tháng vừa qua (94%).
Không chỉ có nhu cầu mua BĐS gia tăng, lượng tin rao bán nhà, đất trong tháng 10 cũng cải thiện mạnh. Tổng lượng tin đăng rao bán tăng 135%, trong đó nguồn tin rao bán đất nền tăng 113%, chung cư tăng 139%, còn nhà riêng, nhà phố tăng 184%. TP.HCM có lượng tin rao bán nhà, đất tăng mạnh với mức tăng 358% so với tháng 9; Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có mức tăng ấn tượng lần lượt là 148% và 186% so với tháng 9.
Nhiều nhà đầu tư tự đến khảo sát bất động sản trên thực địa để quyết định. Ảnh: QUANG HUY
Vẫn sốt đất một số nơi
Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Việt An Hòa, hiện nay việc đi lại thông thoáng hơn nên thị trường bắt đầu sôi động trở lại. Khi các tỉnh, thành vừa mở cửa, người muốn mua, kẻ muốn bán BĐS đã tích cực hoạt động ngay sau thời gian dài dồn nén. Điều này đã khiến thông tin mua bán tăng vọt lên.
Tuy nhiên, so với trước dịch thì lượng giao dịch thực sự chỉ đạt được khoảng 60%. Đa số là các sản phẩm đất nền, diện tích nhỏ có giá 1-1,5 tỉ đồng thì giao dịch tốt, còn nhóm sản phẩm có giá trị lớn từ 10 tỉ đồng trở lên gần như không có giao dịch. Giao dịch thứ hai diễn ra với nhóm khi hai bên đã quyết định mua bán từ trước hoặc trong dịch, đến nay chỉ còn bước làm thủ tục là xong. Dạng giao dịch thứ ba là chủ đầu tư mở bán dự án quy mô nhỏ chỉ 1/3 so với trước, số lượng bán ra cũng hạn chế.
Từ tháng 10 đến nay, cũng rất ít chủ đầu tư mở bán rầm rộ, có nghĩa thị trường BĐS vẫn chưa đủ độ nóng thực sự để những nhà cầm trịch thị trường này dám bung hàng mạnh.
“Điều đó cho thấy thị trường đang nóng trên bề mặt, nóng về thông tin. Sau thời gian thị trường đứng im thì giờ có nhiều thông tin về bán đất, nhiều dự án mới, người đi lại nhiều, phòng công chứng đông hơn. Thực ra do thị trường nghẽn lại trong năm tháng dịch bây giờ chỉ là trở lại bình thường. Đây chỉ là hiện tượng thị trường, vẫn có gì đó mong manh chứ chưa bền vững” - ông Quang đánh giá.
Ông Quang nhận định vẫn có hiện tượng sốt đất cục bộ ở một số nơi nhưng chỉ là một hiện tượng bề nổi của thị trường. Như BĐS tránh dịch được nhiều người quan tâm sau dịch nên những vùng như Lâm Đồng mới được quan tâm nhiều. Bên cạnh đó, sau dịch kinh doanh khó khăn, nhiều người có nhu cầu đầu tư BĐS tăng lên, nhất là dân văn phòng lại chuộng những sản phẩm này. Người ít tiền thì mua miếng đất nhỏ, giá tầm 500 triệu đến 1,5 tỉ đồng. Người có tài chính tốt hơn sẽ mua đất vườn, biệt thự diện tích lớn 1-2 ha đất. Sản phẩm này đúng “điểm rơi” phù hợp với tâm lý, nhu cầu của người mua nên thị trường dễ thấy có hiện tượng nhà nhà đi mua đất vùng ven.
“Đất có sổ, có hạ tầng điện, nước, đất có thổ cư hoặc có thể xin phép lên được thổ cư, trong vòng bán kính 3 km có các tiện ích như chợ, trường học… sẽ được nhà đầu tư chú ý” - ông Quang nói.
Nói về khả năng xảy ra sốt đất, chuyên gia đầu tư BĐS Phan Công Chánh cho biết sản xuất, kinh doanh khó khăn, lãi suất ngân hàng không còn hấp dẫn, đầu tư công giải ngân và lo ngại lạm phát là những nguyên nhân khiến nhu cầu đầu tư BĐS tăng lên. Tất yếu nơi nào có nhiều người mua, vùng trũng về giá, khu đô thị vệ tinh thì có thể xảy ra hiện tượng sốt.
“Nhà đầu tư cần có bộ tiêu chí đầu tư của bản thân mình, thu hẹp khu vực, sản phẩm, phân khúc và đánh giá mức độ rủi ro. Nhà đầu tư phải thấy sản phẩm ấy phù hợp với mình, vừa sức vì đây không phải là thời điểm để sử dụng đòn bẩy tài chính, đừng chạy theo đám đông” - ông Chánh chia sẻ kinh nghiệm.
Nhu cầu tìm mua đất Bà Rịa-Vũng Tàu tăng mạnh Theo báo cáo thị trường tháng 10 của batdongsan.com.vn, dẫn đầu thị trường các tỉnh phía Nam là Bà Rịa-Vũng Tàu với nhu cầu tìm mua nhà tăng gần 74%. Là địa phương chịu ảnh hưởng dịch nghiêm trọng không kém TP.HCM, Bình Dương đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư được kiểm soát hiệu quả, lượng quan tâm tìm mua nhà, đất tại tỉnh này tăng gần 69% trong tháng qua. Nhu cầu mua tại Bình Dương phần lớn vẫn rơi vào loại hình nhà phố và căn hộ tầm trung. Trong khi tại Đồng Nai, sức mua BĐS cũng tăng hơn 65% và tập trung vào dòng sản phẩm đất nền, nhà phố, biệt thự tại các khu đô thị và dự án lớn ở Biên Hòa, Long Thành. Long An cũng là thị trường có mức tăng tốt so với bốn tỉnh vệ tinh của TP.HCM trong tháng vừa qua. Nhu cầu tìm mua nhà, đất tại Long An tăng 64% so với tháng trước. |