5 ngân hàng mới nhất bị EU phạt bao gồm UBS (Thụy Sĩ), Barclays (Anh), RBS (Ngân hàng Hoàng gia Scotland), HSBC (Anh) và Credit Suisse - Ảnh: GETTY IMAGES
Theo kênh CNBC, trong tuyên bố phát ngày 2-12, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết các ngân hàng UBS (Thụy Sĩ), Barclays (Anh), RBS (Ngân hàng Hoàng gia Scotland), HSBC (Anh) và Credit Suisse (Thụy Sĩ) đã bị phạt tổng cộng 344 triệu euro (390 triệu USD).
Cuộc điều tra cho thấy các giao dịch viên phụ trách giao dịch ngoại hối giao ngay đối với các đồng tiền lớn - thay mặt cho các ngân hàng Anh và Thụy Sĩ - đã "bắt tay nhau" và điều phối các chiến lược giao dịch.
Các giao dịch viên tại 5 ngân hàng nói trên đã thảo luận về các thông tin nhạy cảm và các kế hoạch giao dịch. EC cho biết các giao dịch viên thỉnh thoảng điều phối các kế hoạch giao dịch của họ thông qua một phòng trò chuyện trực tuyến có tên là Sterling Lads.
Một trong các ngân hàng cho biết hành vi sai trái đã diễn ra khoảng một thập niên trước.
4 ngân hàng UBS, Barclays, RBS và HSBC đều thừa nhận tham gia vào liên minh giao dịch ngoại hối nói trên. Riêng UBS được miễn nộp phạt vì tiết lộ sự tồn tại của liên minh thao túng thị trường giao dịch ngoại hối. Còn Credit Suisse không hợp tác với nhà chức trách.
Theo Hãng tin Reuters, UBS đã tránh được khoản tiền phạt 94 triệu euro. HSBC chịu khoản tiền phạt lớn nhất với 174,3 triệu euro, tiếp theo là Credit Suisse với 83,3 triệu euro, Barclays chịu 54,3 triệu euro và RBS bị phạt 32,5 triệu euro.
"Việc chúng tôi quyết định phạt UBS, Barclays, RBS, HSBC và Credit Suisse gửi đi thông điệp rõ ràng rằng EC vẫn cam kết đảm bảo một khu vực tài chính lành mạnh và cạnh tranh, vốn cần thiết cho đầu tư và tăng trưởng" - bà Margrethe Vestager, phó chủ tịch EC và là ủy viên châu Âu phụ trách cạnh tranh, cho biết.
Bà Margrethe Vestager cho biết hành vi thông đồng của 5 ngân hàng nói trên đã làm suy yếu tính chính trực của khu vực tài chính, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và nền kinh tế châu Âu.
Hồi tháng 5-2019, cơ quan chống độc quyền của EU từng phạt ngân hàng Barclays, Citigroup, JP Morgan, MUFG và RBS tổng cộng 1,07 tỉ euro (1,2 tỉ USD) vì thao túng thị trường ngoại hối thông qua hai liên minh, gồm một nhóm kéo dài từ năm 2007 - 2013 và một nhóm từ năm 2009 - 2012.
TTO - Sáng 2-11 giờ địa phương, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Axel Van Trotsenburg, tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB).