GS Hà Tôn Vinh (Việt kiều Mỹ, cựu trợ lý Nhà trắng thời Tổng thống Mỹ Reagan-Phó Tổng thống Bush, cố vấn tài chính cho nhiều công ty đa quốc gia) đã nói như vậy khi bàn đến các đồng coin ít phổ biến, dễ dàng bị thao túng bởi nhà đầu tư bất kỳ.
Vì sao Việt Nam chưa công nhận tiền mã hóa?
GS Hà Tôn Vinh phân tích, hơn 90% giao dịch trên toàn cầu hiện nay không sử dụng tiền mặt. Trong bối cảnh đó, một số cá nhân/ tổ chức đã sáng lập ra tiền mã hóa (Cryptocurrency).
Loại tiền này thường hoạt động trong một hệ sinh thái mở và có thể chuyển đổi sang các dạng tiền tệ khác. Chính vì có thể giao dịch trực tiếp mà không cần thông qua ngân hàng, nó sẽ thách thức đồng tiền chính thức của các quốc gia cũng như vai trò của ngân hàng Nhà nước.
“Ngoài việc gây ảnh hưởng toàn bộ nền kinh tế khi làm giảm vai trò điều tiết thị trường của Nhà nước, tiền mã hóa còn gây ra nhiều hệ lụy khác, bao gồm cả việc dùng coin vào các giao dịch phi pháp”.
GS Hà Tôn Vinh. Ảnh: Mạnh Quân.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đồng tiền kỹ thuật số để xem xét liệu có thể đưa vào sử dụng. Tại Trung Quốc, Chính phủ đã hợp thức tiền kỹ thuật số nhưng chỉ công nhận đồng tiền do Nhà nước phát hành. Trong khi đó ở Mỹ, đô la vẫn là đồng tiền hợp pháp duy nhất.
“Ngay cả ở Mỹ cũng chưa ai nghiên cứu được chính xác mức độ ảnh hưởng của tiền mã hóa. Đối với Việt Nam thì đồng tiền này càng quá mới”.
Những đồng coin nhỏ lẻ phần lớn chỉ là một hình thức lừa đảo
Bên cạnh những đồng coin phổ biến, được nhiều người đầu tư như Bitcoin, Ethereum... trên thế giới có hàng nghìn loại coin khác nhau. Theo ông Vinh, đầu tư vào những coin nhỏ lẻ, được giao dịch trên sàn phi tập trung (DeFi) rất nguy hiểm.
“Những cá nhân/ tổ chức tạo ra đồng coin mới chủ yếu đánh vào lòng tham muốn làm giàu nhanh của mọi người. Họ thường quảng bá đây là đồng tiền sinh lợi nhiều, rủi ro ít và có tính lan tỏa cao”.
Nhưng thực tế, thường sau khi lập đỉnh, các đồng coin này sẽ chết hoặc trở thành coin rác, không thể lên giá. Nguyên nhân chính là do cá nhân/ tổ chức sáng lập không có khả năng chi trả khoản chênh lệch rất lớn cho các nhà đầu tư ban đầu. Đồng coin từ đó giảm uy tín, tụt giá trên thị trường. Những người mua coin sau cùng sẽ là người chịu thiệt hại nặng nhất và có nguy cơ trắng tay.
So với mốc đỉnh 0,145 USD lập được vào tối 28/9, giá của đồng tiền mã hóa Diamond Boyz Coin hiện đã giảm gần 5 lần. Dữ liệu từ CoinMarketCap. Trong hội nhóm nhà đầu tư DBZ trên Facebook, nhiều người cảm thấy hoang mang sau khi đã trót đầu tư vào đồng tiền số này, thậm chí kêu gọi nghỉ đầu tư.
Theo ông Vinh, có thể hiểu mô hình vận hành của các đồng tiền này như sau: A mời B mua coin với giá 10 đồng, quảng cáo về khả năng tăng giá 10 lần trong khoảng X thời gian. A lại mời C và D… mua coin khi nó đang lập đỉnh với giá 100 đồng, quảng cáo rằng nó sẽ tiếp tục tăng 30% chỉ trong thời gian ngắn. Lúc này, A dùng tiền của C và D trả cho B 100 đồng, số còn lại bỏ túi.
“Bản chất vẫn là người đến sau trả cho người đến trước. Đến lúc nào đó không có người đến sau nữa thì cả hệ thống sẽ sập. Và vì biết trước sẽ sập, nên ngay từ khi thành lập, các đồng tiền này thường tự thừa nhận nó rất rủi ro, nhà đầu tư phải tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình”, ông Vinh nói.
Cũng có trường hợp, để có tiền trả cho nhà đầu tư bán coin vào lúc đồng tiền lên giá thì nhà sáng lập cần phải thu hút được rất nhiều người đầu tư khác.
“Khoản tiền chênh lệch mà một người A đáng ra được hưởng đã lấy từ túi rất nhiều người khác. Tức là mỗi người đến sau sẽ đóng góp một ít vào số lãi của người đến trước”, vị GS phân tích.
Dù không chỉ đích danh đồng tiền nào, nhưng phân tích của ông Vinh khiến một số người liên tưởng đến những ồn ào quanh đồng coin DBZ của Johnny Đặng.
Ông Vinh cũng cho rằng, để đảm bảo có đủ dòng tiền xoay vòng, những người thao túng đồng coin có thể sẽ đặt ra các quy định như: nhà đầu tư không được bán coin trong một khoảng thời gian nhất định, hoặc là khi coin lên giá thì chỉ trả tiền gốc, còn phần chênh lệch (tức tiền lãi) thì buộc họ phải để lại để tái đầu tư.
“Nếu như đối với nhà đầu tư nào cũng làm theo cách này thì cuối cùng, người cầm đầu sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Người vào sau cùng sẽ thiệt thòi nhiều nhất. Đây là một hình thức lừa đảo rất tinh vi”.
Dù không chỉ đích danh một loại coin nào, xong các phân tích của ông Vinh vô tình trùng khớp với đồn đoán của cộng đồng mạng liên quan đến đồng DBZ của Johnny Đặng. Cụ thể, có ý kiến cho rằng Johnny Đặng và Khoa Pug đã bắt tay nhau thổi giá đồng DBZ rồi "xả" để kiếm lời. Khi đồng coin này lao dốc, họ quay sang chỉ trích nhau chỉ để đánh lạc hướng dư luận.
Không trực tiếp bình luận về vấn đề này, nhưng vị GS người Mỹ cũng cho rằng, trên CoinMarketCap hiện nay có rất nhiều đồng tiền ảo. “Cá nhân tôi đã thấy rất nhiều đồng tiền ít phổ biến do một số người tự quảng cáo là đại gia, tỷ phú sáng lập ra bị chết yểu. Rất hiếm loại trụ được 1-2 năm. Khi đầu tư vào những đồng coin như vậy, mọi người phải rất dè chừng”, ông Vinh nói thêm.
Nguồn cơn tranh cãi giữa Khoa Pug và Johnny Đặng
Khoa Pug và Johnny Đặng từng bắt tay nhau trong dự án DBZ – đồng tiền mã hóa được quảng bá do Johnny Đặng thành lập vào khoảng tháng 6/2021. Loại coin này từng lập đỉnh với giá trị 0,14 USD vào tối ngày 29/9, nhưng sau đó có nhiều phiên trồi sụt và gần đây liên tục cắm đầu đi xuống.
Lý do giá DBZ lao dốc được Johnny Đặng chỉ ra là do Khoa Pug đã bán tháo đồng tiền và không giữ lời hứa quảng bá cho DBZ. Ngược lại, Khoa Pug tố Johnny Đặng lừa mình hơn 30 tỷ đồng.
Cụ thể, Khoa Pug tố đã chuyển khoản cho Johnny Đặng 100.000 USD (tương đương với 2,3 tỷ đồng) để mua 10 triệu coin DBZ. Sau đó, anh bị Johnny Đặng đòi lại khi đồng coin này đã tăng hơn 15 lần với lý do để hợp thức hoá việc mua bán giữa hai bên.
Tuy nhiên, sau khi Khoa Pug chuyển lại coin, Johnny Đặng chỉ trả anh tiền gốc đầu tư ban đầu (tức 100.000 USD) và chiếm dụng khoản chênh lệch. Đồng thời, Johnny Đặng ra điều kiện: Khoa Pug muốn lấy lại được số chênh lệch đó thì phải quảng bá cho đồng DBZ.
Khoa Pug đã nhờ Vương Phạm đòi lại 10 triệu coin. Hot youtuber cũng tố đồng coin này không phải do Johnny Đặng sáng lập mà thuộc về một nhân vật bí ẩn khác. Người này thuê Johnny Đặng để đại diện và quảng bá cho đồng DBZ. Tuy nhiên, với sức ảnh hưởng của Johnny Đặng chưa đủ làm cho đồng coin này tiếp cận được nhiều người nên "ông hoàng kim cương" đã tận dụng sự ảnh hưởng của Khoa Pug.
Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Toàn bộ thông tin trong bài viết không có giá trị khuyến nghị đầu tư.
Theo T.Hường
DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ