Đặc biệt, nhiều lượt cán bộ chiến sĩ đã thầm lặng hy sinh cuộc sống riêng của mình và gia đình chỉ để mong hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tất cả hình ảnh cao đẹp đó đã chiếm được nhiều cảm tình với nhân dân.
Những hình ảnh đẹp của Công an quận Tân Bình
Có mặt ở điểm cấp CCCD cố định ngay trụ sở CAQ Tân Bình vào buổi sáng cuối tháng 11, chúng tôi ghi nhận trong phòng dành riêng làm thủ tục cấp CCCD có khoảng 15 người. Đặt câu hỏi vì sao vắng người đến làm thủ tục, một cán bộ thuộc Đội CSQLHC về TTXH cho biết, không phải vắng mà là nhằm đảm bảo an toàn cho công tác phòng chống dịch Covid-19, Đội đã phối hợp với các phường sắp xếp lịch cho bà con theo quy định giãn cách.
Bác Phạm Văn Hưng (ngụ P3, Q.Tân Bình) cho biết: "Khi nghe đồng chí CSKV thông báo và giải thích nghĩa vụ, quyền lợi khi đổi CCCD có gắn chíp, tôi rất hào hứng và chờ đợi. Theo tôi biết, qua thông tin trên báo, đài thì việc cấp đổi này rất hay, văn minh và hiện đại. Chỉ cần một "con chíp" thôi là có thể tích hợp tất cả dữ liệu vào đấy, không cần phải giữ nhiều giấy tờ luộm thuộm".
Còn tại điểm lưu động trên đường Phạm Văn Hai (thuộc P2, Q.Tân Bình), chúng tôi ghi nhận có khoảng 30 người đang chờ làm thủ tục. Tất cả đều được bố trí ghế ngồi giãn cách theo đúng quy định để phòng ngừa Covid-19. Phía trong phòng, các cán bộ chiến sĩ làm việc hết sức khẩn trương.
Bác Phạm Văn Lâm (56 tuổi, ngụ P2, Q.Tân Bình) chia sẻ: "Mấy ngày nay, do dịch bệnh nên tôi hơi lo lắng khi xuất hiện ở nơi đông người. Tuy nhiên, được sự nhiệt tình giúp đỡ, bố trí phù hợp của mấy chú CA, lượng người làm thủ tục cấp CCCD ở đây giãn cách khiến tôi yên tâm. Ngoài ra, tôi thấy cách trả CCCD theo đường bưu điện chuyển phát nhanh về tận địa chỉ nhà là cách làm hay, không gây phiền hà cho người dân".
Tại một điểm cấp khác thuộc địa bàn P14, chúng tôi cũng ghi nhận sự năng nổ, nhiệt tình của các cán bộ chiến sĩ trong việc hỗ trợ người dân cấp CCCD. Một số đồng chí CSKV, khi thấy những người dân có tên trong danh sách đăng ký cấp đổi CCCD không đến làm thẻ, đã phải chạy xuống tận nhà nhắc nhở hoặc hỗ trợ chở đến điểm cấp căn cước lưu động với các trường hợp di chuyển khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Lan (ngụ KP7, P14, Q.TB) xúc động: "Thấy tôi đi lại khó khăn, mặc dù là ngày thứ 7 nhưng anh CSKV Hồ Quang Bình cùng một số anh em ở phường đã đem xe xuống tận nhà, chở tôi lên trụ sở để làm CCCD gắn chíp. Điều đó khiến tôi xúc động và vô cùng biết ơn".
Do nhu cầu công việc, hiện nhiều cán bộ chiến sĩ CAQ Tân Bình phải tranh thủ làm thêm giờ, tăng ca vào ban đêm và cả những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, không một cán bộ nào than vãn mà chỉ động viên, bắt tay nhau để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tính đến nay, nhiều phường thuộc quận Tân Bình đã cơ bản hoàn thành khối lượng công việc được giao, giúp người dân phần nào giải tỏa áp lực không phải xếp hàng chờ đợi.
Công an huyện Bình Chánh: Vì một đô thị thông minh
Là một địa bàn rộng lại nằm giáp ranh, thời gian qua phải vất vả trên nhiều mặt trận, đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch Covid-19 nhưng khi nhận nhiệm vụ thực hiện cấp CCCD có gắn chíp theo sự chỉ đạo của Bộ CA và lãnh đạo CATP, toàn thể cán bộ chiến sĩ và BCH CA huyện Bình Chánh đã thể hiện rõ quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao.
Do là địa bàn vùng ven, dân số quá đông, trong đó lượng người nhập cư (chủ yếu thành phần lao động đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp) khá lớn nên việc triển khai thủ tục cấp CCCD gắn chíp là một nhiệm vụ phải nói là quá sức đối với lực lượng chuyên trách của CA huyện. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm cao và được sự hỗ trợ từ CATP, đặc biệt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, xuyên suốt từ thiếu tướng Trần Đức Tài (Phó giám đốc CATP), CA huyện Bình Chánh đã tổ chức được 8 tổ công tác lưu động và một tổ cố định ngay tại trụ sở CA huyện, với hơn 139 cán bộ chiến sĩ tham gia, triển khai làm thủ tục cấp CCCD cho gần 150.000 nhân khẩu trong đợt hai (từ ngày 4-10 đến 30-11) vừa qua.
Để đảm bảo công tác trên được vận hành trơn tru, lãnh đạo CA huyện đã chỉ đạo BCH Đội CSQLHC về TTXH lập thêm một tổ dự phòng gồm 32 đồng chí. Trong trường hợp cán bộ chiến sĩ nào bệnh hoặc vì lý do cá nhân, ngay lập tức sẽ có người dự phòng để thay thế làm nhiệm vụ.
Ngoài việc thường xuyên nhắn tin cho người dân qua mạng zalo, CA xã, huyện còn tổ chức phát nhiều tờ rơi, hướng dẫn địa điểm, thông tin về quy trình cấp CCCD gắn chíp đến người dân. Đó là chưa kể đến các bản tin phát thanh của ấp, xã, khu phố, thị trấn liên tục phát tuyên truyền, triển khai về nội dung và tầm quan trọng của việc làm căn cước gắn chíp.
Bác Lê Thanh Bình (56 tuổi, ngụ xã Bình Hưng) khi được hỏi về cách làm của lực lượng CA đã vui vẻ cho biết: "Tôi trước đây ở Q5, mới dời về Bình Hưng. Tuy đường xá mới mẻ nhưng tôi thấy cách làm của CA huyện vô cùng hiệu quả, tôi làm CCCD rất thuận tiện và dễ dàng".
Thấu hiểu được sự khó khăn về thời gian, địa điểm đối với lực lượng công nhân đang tạm trú trên địa bàn huyện, Đội CSQLHC về TTXH của CA huyện cũng triển khai nhiều lượt công tác lưu động, tiến hành làm CCCD gắn chíp ngay tại các KCN trên địa bàn huyện.
Từ ngày 16 đến 25-11, CA huyện Bình Chánh đã bố trí thêm một tổ cấp căn cước lưu động để phục vụ đối tượng là công nhân ngay tại KCN Lê Minh Xuân. Được cấp đổi căn cước mới mà không cần phải về quê để làm, nhiều công nhân đã vui mừng và bày tỏ thái độ hài lòng với cách làm của CA huyện Bình Chánh. Đại úy Trần Ngọc Trí (Phó Đội CSQLHC về TTXH) cho biết: "Nhằm phục vụ bà con được tốt hơn, sắp tới đây CA huyện sẽ cử thêm tổ công tác lưu động tiến hành triển khai cấp đổi CCCD cho công nhân tại KCN Vĩnh Lộc".
Đặc biệt, tại hai xã thuộc hàng đông dân nhất thành phố là Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (với dân số mỗi xã gần 180.000 nhân khẩu - PV), Đội CSQLHC về TTXH cũng đã triển khai nhân sự, phối hợp CA xã hỗ trợ làm căn cước tại địa phương, kết quả cơ bản đã hoàn thành theo tiến độ. Nói về hình ảnh người chiến sĩ CAND, nhiều người dân vẫn còn nhớ như in hình ảnh trung úy Lê Phước Tùng (CA xã Vĩnh Lộc B) đã giúp đỡ người già yếu, thương tật bằng cả tấm chân tình.
Một buổi trưa trung tuần tháng 11, khi thấy một cụ ông bị thương tật ở chân, được người nhà dìu vào khu vực cấp đổi CCCD một cách khó khăn, lập tức trung úy Tùng chạy ra bồng cụ ông vào, sau đó hỗ trợ làm ngay thủ tục để cụ khỏi phải chờ đợi. Chứng kiến nét đẹp của người sĩ quan CA, tất cả mọi người có mặt hôm đó đều dành cho trung úy Tùng những tràng vỗ tay khen ngợi.
Hay như thượng úy Đỗ Thị Hồng Nguyệt, người nữ sĩ quan luôn hết mình với công việc. Mấy tháng nay, thấy nhiều đồng đội của mình vất vả, đồng chí Nguyệt đã tình nguyệt tham gia làm 3 ca liền, từ sáng đến tối không nghỉ. Rồi câu chuyện đầy cảm động của vợ chồng thượng úy Trang Thảo Uyên (Đội CSQLHC về TTXH), dù bận bịu gia đình, con nhỏ nhưng đồng chí Uyên đã tạm gác sang một bên, con nhỏ thì gửi về cho mẹ ruột chăm để xung phong cùng chồng phụng sự nhân dân.
Chính vì thế nên mặc dù BCH CA huyện thành lập 5 tổ kiểm tra, đôn đốc nhưng nhiều tháng qua, chưa trường hợp cán bộ chiến sĩ nào bị phát hiện sai phạm, nhắc nhở hay lập biên bản về cách thực hiện công việc và thái độ phục vụ của người chiến sĩ CA đối với nhân dân. Đó là điểm son của công an huyện Bình Chánh trong việc cấp đổi CCCD gắn chíp cho người dân trong suốt thời gian qua.
Xem thêm: lmth.079321_nad-iougn-ohc-dccc-pac-od-neit-hnahn-yad-oat-gnas-cul-on-4-iab/hnihc-nit/nv.moc.nagnoc