Tối 3-12 chương trình Dân hỏi thành phố trả lời đã được phát sóng trực tiếp với chủ đề: Mua sắm an toàn trong điều kiện bình thường mới.
Khách mời để giải đáp thắc mắc trong số này là ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương; BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM và Bà Phạm Thi Vân, Trưởng ban Quản lý Hệ thống bán lẻ Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra).
Đặt câu hỏi cho các khách mời bạn Bình Minh hỏi: “Tôi được khuyên nên đi mua đồ ở các chợ tạm, chợ tự phát thay vì đi chợ truyền thống hay vào siêu thị để tránh tập trung đông đúc, theo chuyên gia việc này có đúng không? Nguy cơ nhiễm COVID-19 tại chợ truyền thống và chợ tự phát có khác nhau không?”
Trả lời vấn đề trên BS Lê Hồng Nga cho biết cho tới thời điểm này chưa có một nghiên cứu hay tài liệu nào chứng minh đi chợ tự phát ít nguy cơ lây nhiễm COVID-19 hơn đi chợ truyền thống hay đi vào trong siêu thị.
Khách mời của chương trình "Dân hỏi thành phố trả lời" đang giải đáp các thắc mắc của người dân. Ảnh: ĐẶNG LÊ
Theo BS Nga nguy cơ lây nhiễm COVID-19 không phải ở mô hình cái chợ mà là do mức độ tiếp xúc của người dân. Ví dụ một người đến một nơi đông đúc tiếp xúc với một F0 ở khoảng cách rất gần thì nguy cơ lây nhiễm là rất cao. Chưa kể nguy cơ lây nhiễm không chỉ đi chợ mà có thể bị lây nhiễm khi đi làm, tới dự sự kiện…
“Do đó, vấn đề nhiễm COVID-19 ở đây không phải là đi chợ nào mà vấn đề bạn đi chợ bạn có khẩu trang đầy đủ hay không, có giữ khoảng cách an toàn và sau khi đi chợ về cần rửa tay, khử khuẩn bản thân sạch sẽ”- BS Nga thông tin.
Chia sẻ về vấn đề này Bà Phạm Thi Vân cũng cho biết người dân đi chợ trong siêu thị thậm chí sẽ còn an toàn hơn là đi mua đồ ở chợ tự phát vì trong siêu thị có lực lượng kiểm tra, giám sát người ra vào trong khi chợ tự phát không ai kiểm tra vấn đề này.
Tiếp sau đó, bạn đọc Mạnh Hùng cũng đặt câu hỏi: “Tình trạng chợ tự phát mọc lên rất nhiều, không chỉ xung quanh các chợ đầu mối mà còn ở các khu dân cư. Điều này rất nguy hiểm khi mà dịch bệnh đang lây lan. Các quận, huyện đã xử lý nhưng không hiệu quả vậy nguyên nhân là do đâu và kế hoạch của TP để quản lý tốt hệ thống chợ trên địa bàn”.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết nguyên nhân chợ tự phát tăng cao trong thời gian qua là trong thời gian TP giãn cách thì đa số các chợ truyền thống phải đóng cửa. Trong khi một đại bộ phận người dân vẫn quen với kiểu đi chợ truyền thống (thay vì đi siêu thị). Do đó, nhiều tiểu thương, người dân đã tự ý mở điểm bán dẫn đến xuất hiện nhiều chợ tự phát.
Ông Phương cũng cho biết tính đến nay trên toàn TP còn có khoảng 50 chợ truyền thống còn đang phải tạm đóng cửa. Theo kế hoạch thì qua tuần sẽ có thêm 15 chợ được mở cửa trở lại và từ giờ tới cuối năm thì toàn bộ chợ truyền thống sẽ mở lại hết.
“Khi chợ truyền thống mở lại, các tiểu thương quay về chợ buôn bán thì việc các địa phương xử lý, giải toả các chợ tự phát sẽ thuận lợi hơn”-ông Phương thông tin.
Trước thông tin giá cả hàng hoá sau dịch vẫn còn cao Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết có nhiều nguyên nhân như dịch bệnh làm chuỗi cung ứng đứt gãy, chi phí vận tải tăng, chi phí phục vụ công tác phòng chống dịch tăng, sức mua thị trường thấp hơn so với trước đây…