Giáo viên Trường tiểu học Châu Văn Liêm, quận 6 dọn dẹp, trang trí lớp học chuẩn bị đón học sinh - Ảnh: C.M.B.
Thầy Chung Minh Bảo - hiệu trưởng Trường tiểu học Châu Văn Liêm, quận 6 - cho biết thời điểm này, trường chủ yếu làm công tác tư tưởng cho phụ huynh lớp 1 để họ có sự đồng thuận khi cho con em đến trường.
"Thực tế học sinh lớp 1 học trực tuyến lâu quá sẽ không tốt. Đặc thù của học sinh lớp 1 là giáo viên phải dạy học theo kiểu cầm tay chỉ việc. Ví dụ tập viết giáo viên phải hướng dẫn cặn kẽ, sửa nét chữ cho từng em... Trẻ lớp 1 cũng cần đến trường để có sự giao tiếp, sinh hoạt với bạn bè, thầy cô giáo... trong môi trường mới" - thầy Bảo nói.
Thầy Bảo cũng thừa nhận vài ngày đầu, chắc chắn học sinh sẽ không đi học đầy đủ như bình thường. Tuy nhiên, nếu trường tạo được sự tin tưởng, dần dần phụ huynh sẽ yên tâm cho con em đi học.
"Trường chúng tôi được trưng dụng phục vụ công tác phòng chống dịch. Sau khi bàn giao lại, trường bắt tay ngay vào việc vệ sinh, khử khuẩn, tu bổ cơ sở vật chất... Mấy ngày gần đây, các giáo viên cũng đã vào trường sắp xếp, trang trí lại lớp học để chuẩn bị đón học sinh.
Trường có 6 lớp 1, sĩ số bình quân chỉ 27-28 học sinh nên không phải tách lớp. Trường đã xây dựng phương án phân luồng ở cổng trường, đảm bảo độ giãn cách giữa các học sinh. Giờ vào lớp và giờ ra về giữa các lớp cũng cách nhau 20-30 phút để tránh tình trạng tập trung đông người ở sân trường hoặc hành lang" - thầy Bảo cho biết.
Nhân viên Trường tiểu học Lương Định Của, quận 3 đang vệ sinh khử khuẩn phòng học chuẩn bị đón học sinh lớp 1 đi học trở lại - Ảnh: NHƯ HÙNG
Tương tự, cô Đỗ Ngọc Chi - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 - chia sẻ: "Trường đã khảo sát về việc đi học trực tiếp, số phụ huynh lớp 1 đồng thuận chưa cao nên sẽ thực hiện song song cả hai hình thức dạy trực tiếp cho học sinh đến trường và dạy trực tuyến cho học sinh chưa đến trường.
Điều quan trọng là phải đảm bảo quyền lợi học sinh, nhưng nhà trường cũng đang tính toán phương án để có giải pháp phù hợp về lao động đối với giáo viên. Khó khăn trước mắt của trường là khi học sinh đi học lại rất cần lực lượng bảo mẫu, trong khi hiện trường không có nguồn để chi trả lương cho lực lượng này".
Trước đó, UBND TP.HCM đã có văn bản về việc thí điểm cho học sinh lớp 1, 9, 12 đi học trực tiếp từ ngày 13-12.
Phụ huynh vẫn ngần ngại
"Khi nhà trường thực hiện khảo sát ý kiến phụ huynh về việc cho học sinh lớp 1 đi học trực tiếp, lớp tôi chủ nhiệm chỉ có 1 phụ huynh đồng ý", đó là tâm sự của một giáo viên lớp 1 ở nội thành TP.HCM khi nói về việc cho học sinh đi học trực tiếp.
Giáo viên này cho biết: "Số phụ huynh còn lại nói họ không phản đối việc đi học, mà muốn có thêm thời gian để nghe ngóng xem tình hình như thế nào rồi mới quyết định. Có người thì thẳng thắn bày tỏ đợi các học sinh khác đến trường trước. Sau một tuần, nếu thấy tình hình ổn thì sang tuần thứ hai mới cho con em mình đi học.
Đa số phụ huynh này đều tỏ ra băn khoăn vì trẻ 6 tuổi chưa được tiêm vắc xin".
* Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM:
Cần quan tâm người trong gia đình học sinh đã tiêm vắc xin hay chưa
Trẻ có tiêm hay không tiêm vắc xin thì chắc chắn trong lớp học sẽ có F1 khi học sinh đi học trực tiếp. Thực tế thời gian vừa qua cũng cho thấy học sinh ở trong nhà, không đến trường nhưng vẫn bị nhiễm COVID-19 do lây từ những người xung quanh trong gia đình.
Khi trẻ đi học lại có thể có 2 nguy cơ: học sinh nhiễm COVID-19 và lây cho những người trong gia đình mình. Nguy cơ thứ 2 là học sinh lây cho bạn của mình và người bạn ấy cũng sẽ lây cho người trong gia đình.
Điều cần quan tâm còn lại là những người trong gia đình học sinh đã tiêm vắc xin hay chưa mà thôi.
TTO - Quyết định của UBND TP.HCM về việc thí điểm cho học sinh lớp 1, 9, 12 đi học trực tiếp từ ngày 13-12 đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều về việc cho học sinh lớp 1 đến trường.
Xem thêm: mth.51484207130211202-ial-ort-coh-hnis-coh-nod-na-gnouhp-nel-mch-pt-o-coh-ueit-gnourt/nv.ertiout