Với bề dày quan hệ ngoại giao và tiềm năng kinh tế, năng lượng giữa hai nước, hợp tác thương mại, đầu tư Việt-Nga đang phát triển nhanh.
Cơ hội đầu tư kinh tế Việt - Nga
Là doanh nghiệp nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam “cầm chuông đi đánh xứ người”, Tập đoàn TH đầu tư Dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao là hình ảnh nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp tại Nga.
Tháng 1.2018, TH đã hoàn thành xây dựng một phần Trang trại chăn nuôi bò sữa tại huyện Volokolamsk, tỉnh Moscow. Bất chấp những khó khăn trở ngại vì cấm vận trong quan hệ thương mại Mỹ - Nga, TH đã nhập về Nga thành công 1.100 con bò sữa cao sản thuần chủng HF từ Mỹ. Đàn bò đã thích nghi với điều kiện sống, tăng trưởng rất tốt và tổng đàn hiện nay đã lên hơn 2.000 con, cho năng suất sữa trung bình cao hàng đầu nước Nga.
Tại tỉnh Kaluga, cụm trang trại tại quận Ulyanovo quy mô 6.000 con hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 4.2022 và giai đoạn 2 tháng 4.2023. Tiếp sau đó cụm trang trại tại quận Khvastovichi với quy mô tương đương cũng sẽ được bắt đầu xây dựng và dự kiến hoàn thành quý IV/2024.
Tập đoàn TH cũng đang hoàn thành thiết kế Nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH tại tỉnh Kaluga – giai đoạn 1 quy mô 500 tấn. Giai đoạn 2 của nhà máy với công suất 1.000 tấn/ngày sẽ hoàn thành vào quý IV/2026. Cùng với xây dựng nhà máy, TH sẽ đẩy nhanh tiến trình chính thức ra mắt thương hiệu TH true MILK tại thị trường Nga.
Bên cạnh dự án tổ hợp chăn nuôi bò sữa, hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam đã có hơn 15 dự án đầu tư vào Nga với số vốn khoảng 3 tỉ USD. Nhiều dự án hợp tác, đầu tư đã mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp và cả hai nước.
Theo Bộ Công Thương, Nga chiếm vị trí 25 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 150 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 953,7 triệu USD, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực năng lượng. Nếu như trước đây, dầu khí, năng lượng là các mặt hàng cơ bản, quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Nga thì nay đã xuất hiện nhiều ngành và lĩnh vực hợp tác mới.
Việt Nam giữ vị trí số 1 về thương mại khu vực Đông Nam Á
Việt Nam hiện đang giữ vị trí số 1 về kim ngạch thương mại với Liên bang Nga trong số các quốc gia khu vực Đông Nam Á và là đối tác thương mại đứng thứ 6 của Liên bang Nga ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đặc biệt, từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) có hiệu lực, tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam-Nga đã có bước tiến mạnh mẽ với mức tăng trung bình khoảng 30%/năm.
Theo Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương), năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, mức tăng trưởng vẫn trên 18%, đạt 5,3 tỉ USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 3,2 tỉ USD.
Trong 10 tháng năm 2021, dịch COVID-19 phức tạp hơn nhưng tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn tiếp tục tăng trưởng, đạt 4,45 tỉ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga đạt 2,65 tỉ USD, tăng 11,3%; nhập khẩu hàng hóa từ Nga về Việt Nam đạt 1,8 tỉ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhìn vào cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước cho thấy, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Nga các loại sắt, thép; than các loại; phân bón; sản phẩm từ dầu mỏ; hóa chất; chất dẻo; gỗ và sản phẩm từ gỗ; lúa mỳ; thịt; thủy sản…
Các mặt hàng xuất khẩu chính sang Nga của Việt Nam gồm: Điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử; nông sản; thủy sản; hàng dệt may; da giày…
Mới đây, tại “Diễn đàn trực tuyến thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản, thủy sản Việt Nam-Liên bang Nga”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga - ông Sergey Levin bày tỏ sự hài lòng tương tác hiệu quả và phối hợp tốt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả đến nay đã có hơn 90 doanh nghiệp Nga đã cung cấp các sản phẩm của mình vào thị trường Việt Nam.
Theo ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), là đối tác quan trọng của Nga ở khu vực Đông Nam Á, kim ngạch thương mại song phương của Việt Nam và Nga chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch của Nga với ASEAN.
Xem thêm: odl.596089-neirt-tahp-gnugn-gnohk-agn-teiv-ut-uad-iam-gnouht-cat-poh/et-hnik/nv.gnodoal