Tín hiệu tích cực
Tham gia tuyển dụng tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội, ông Lê Tuấn Anh, đại diện nhân sự Công ty trà Cozy đến tuyển các vị trí chuyên viên marketing yêu cầu 3 năm kinh nghiệm và giám đốc marketing với trên 5 năm kinh nghiệm quản lý hàng tiêu dùng. "Mức lương khởi điểm của chuyên viên marketing từ 20-25 triệu đồng. Còn mức lương của giám đốc marketing sẽ được xây dựng theo hướng "mở", có thể trên 60 triệu đồng…", ông Lê Tuấn Anh cho biết.
Còn bà Nguyễn Ngọc Thúy, Phó Chánh Văn phòng, Liên hiệp hợp tác xã Ocop Việt Nam cho biết: "Dịp cuối năm, đơn vị có nhu cầu tuyển hàng chục vị trí việc làm. Công ty dự kiến mức lương khởi điểm cho vị trí trưởng phòng kinh doanh trên 20 triệu đồng, chưa kể các khoản theo định mức. Vị trí bán hàng khởi điểm 8 triệu đồng… Thời điểm cuối năm là giai đoạn "về đích" trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp của năm 2021. Vì vậy, doanh nghiệp sẵn sàng chi trả mức lương hấp dẫn hoặc lương thỏa thuận riêng với ứng viên nếu đáp ứng được yêu cầu".
Mặc dù có nhiều kỳ vọng về tuyển dụng lao động cuối năm từ Sàn giao dịch việc làm Hà Nội nhưng với nhân lực chất lượng cao vẫn khó kiếm. Từ góc độ nhà tuyển dụng, ông Lê Anh Tuấn lý giải: "Việc tuyển dụng ứng viên phù hợp có thể không dễ trong thời điểm này. Đa số người lao động đang có việc sẽ ít nghĩ tới chuyển việc dịp cuối năm. Còn với những lao động đã mất việc, chủ yếu họ đã về quê để tránh dịch. Do đó, nhu cầu tuyển dụng cao nhưng nguồn cung chất lượng chưa nhiều…".
Theo phân tích của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội từ các mức lương trong tuyển dụng cho thấy có sự phân chia theo trình độ, kinh nghiệm. Mức lương "mở" được xây dựng trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà tuyển dụng và ứng viên dành cho người có kinh nghiệm đảm trách những vị trí cao, chịu áp lực lớn, nhiều kinh nghiệm và tích hợp nhiều kỹ năng quản lý. Mức lương khởi điểm của nhân sự ở nhóm này từ 30-60 triệu đồng/tháng hoặc có thể cao hơn nữa. Ngoài ra, ứng viên có thể nhận thêm nhiều phúc lợi đi kèm với vị trí công việc...
Với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng trở lên gắn với những chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao vào các vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng - phó phòng dành cho người lao động có kinh nghiệm, chuyên môn tốt, khả năng chịu áp lực công việc cao.
Mức lương trên 7 - 10 triệu đồng/tháng chiếm tỉ lệ 1/3 tổng số chỉ tiêu tuyển dụng tại các phiên kết nối. Đây là mức thu nhập của đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề... Thấp nhất là mức lương khởi điểm từ 5-7 triệu đồng/tháng là mức thu nhập dành cho lao động chưa có tay nghề, các bạn sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, bán thời gian.
Nhận định về mức lương của doanh nghiệp tại các phiên tuyển dụng, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng: "Qua đánh giá, Trung tâm nhận thấy khoảng cách các phân khúc lương trong tuyển dụng khá rõ. Điều này cho thấy rõ các nhu cầu và mối quan tâm của các nhà tuyển dụng về chất lượng, kỹ năng và kinh nghiệm nhân sự".
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết thêm: Phiên giao dịch việc làm thường được Trung tâm tổ chức gần dịp lễ, tết, cũng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tuyển dụng nguồn lao động phục vụ nhu cầu sản xuất dịp cuối năm. Qua thu thập của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng lao động qua kênh trên tăng. Ngoài lao động toàn thời gian, các đơn vị gia tăng tuyển dụng lao động bán thời gian phục vụ dịp lễ, Tết.
Cần sự vào cuộc từ nhiều phía
Ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, các doanh nghiệp có sự hợp tác với trung tâm dịch vụ việc làm để chia sẻ thông tin kết nối được việc làm cho lao động, bởi các Trung tâm có lượng lao động đến làm bảo hiểm thất nghiệp nhiều. Bên cạnh đó, trong thời buổi dịch bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối có vai trò quan trọng, lao động có thể dễ dàng tìm việc.
Theo các chuyên gia về lao động, với doanh nghiệp khi tham gia tuyển dụng cũng đã xác định phương án khôi phục, phát triển sản xuất. "Doanh nghiệp tồn tại người lao động mới có việc làm. Doanh nghiệp khoẻ mới có việc làm tốt", ông Lê Quang Trung cho biết.
Do đó, để thu hút người lao động quay trở lại, ngoài mức lương, các doanh nghiệp cũng giới thiệu các biện pháp đảm bảo an toàn, có chính sách về an sinh xã hội, y tế… Doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh cam kết quy định pháp luật, công khai minh bạch; có thỏa ước lao động cam kết với người lao động từ tiền lương đến phương án đào tạo, sử dụng để người lao động có sự thăng tiến trong công việc.
Ông Vũ Quang Thành cũng nhận định: Từ tư vấn, hỗ trợ người lao động đến Sàn giao dịch việc làm có thể thấy bên cạnh yếu tố tiền lương thì lao động quan tâm nhiều đến yếu tố an toàn phòng dịch, phương án và chế độ hỗ trợ ra sao khi đơn vị có các ca F0 và F1...
Trong hơn 2 tháng qua, có thể thấy nhu cầu tuyển dụng lao động trên thị trường Hà Nội tập trung nhiều khối dịch vụ do tác động thời gian giãn cách trước đó.
"Trong khi đó, khối sản xuất dù gặp nhiều khó khăn nhưng các đơn vị này cũng đã nỗ lực hỗ trợ người lao động để giữ chân nguồn nhân lực nên thực tế cho thấy các khu công nghiệp, khu chế xuất không có biến động lớn. Điều này có thể thấy số lao động đến rút trợ cấp thất nghiệp sau giãn cách không tăng", ông Vũ Quang Thành chia sẻ.
Để hỗ trợ kết nối cung - cầu trên thị trường lao động, trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và điểm sàn giao dịch vệ tinh và các sàn việc làm các tỉnh thành sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, kết nối hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường công tác đào tạo cho người lao động.
XM
Báo Tin Tức
Xem thêm: nhc.59860737130211202-man-iouc-pid-ial-ort-gnod-ios-mal-ceiv-nas/nv.zibefac