Ngày 3-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Phú Yên, khẳng định từ trước đến nay, tỉnh này không nhận bất cứ thông tin cảnh báo xả lũ nào từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Gia Lai.
Căn nhà bà Phạm Thị Quờn (74 tuổi, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, Phú Yên)
tan hoang do lũ. Ảnh: TẤN LỘC
Phú Yên: Không nhận cảnh báo xả lũ từ Gia Lai
Ông Tùng viện dẫn Quyết định 878 ngày 18-7-2018 của Thủ tướng về việc trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Gia Lai phải có trách nhiệm thông báo cho Phú Yên khi ban hành lệnh vận hành hồ.
“Quy định là vậy nhưng từ trước đến nay tỉnh Gia Lai chưa bao giờ có một thông tin cảnh báo xả lũ đối với Phú Yên. Họ cho các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn xả lũ xuống hạ du với lưu lượng lớn nhưng không thông tin, thông báo gì cả” - ông Tùng nói.
Trong đợt lũ vừa qua, Nhà máy thủy điện Đắk Srông có lưu lượng nước chảy qua tràn, đổ xuống sông Ba chảy xuống Phú Yên gần 6.000 m3/giây. Đây là lưu lượng lớn nhất trong các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Ba thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai đổ xuống Phú Yên. Nhà máy thủy điện này nằm ngay phía trên Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Công Hoan, Giám đốc Ban quản lý thủy điện Đắk Srông, khẳng định là nhà máy chỉ có trách nhiệm báo cho chính quyền tỉnh Gia Lai, Ban chỉ đạo Quốc gia PCTT, các nhà máy thủy điện bên dưới chứ không có trách nhiệm báo với chính quyền tỉnh Phú Yên.
Gia Lai nói gì?
Về việc Gia Lai không thông báo xả lũ cho Phú Yên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 3-12, ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Gia Lai, nói: “Họ nói thế nào chứ lâu nay trong quy trình vận hành đều phải thông báo cho các địa phương phía dưới”.
Cuối chiều 3-12, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Gia Lai, gọi điện thoại cho PV cho hay là chủ tịch UBND tỉnh bảo ông điện cung cấp thông tin.
Sẽ tổ chức hội nghị về phối hợp xả lũ giữa Gia Lai, Phú Yên Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết: Tại cuộc họp trực tuyến mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia PCT-TKCN đã giao ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Chỉ đạo chủ trì một hội nghị trong tháng 12-2021. “Cuộc họp này sẽ bàn về phối hợp xả lũ giữa hai tỉnh Gia Lai, Phú Yên để thực hiện cảnh báo xả lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du”- ông Tùng thông tin. |
Theo ông Nghĩa, ông được ủy quyền điều hành xả lũ có lưu lượng dưới 500 m3/giây. Khi xả lũ trên 500 m3/giây, chủ tịch UBND tỉnh sẽ trực tiếp có lệnh.
Ông Nghĩa cho hay là đợt lũ vừa qua, bốn hồ thủy điện trên lưu vực sông Ba là Ka Nak, An Khê, Ayun Hạ, Ia M’lá xả lũ với tổng lưu lượng… rất nhỏ, chỉ hơn 400 m3/giây!
“Theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba, tôi chỉ thông báo cho các địa phương thuộc tỉnh Gia Lai thôi! Chủ hồ xả phải thông báo toàn tuyến. Các chủ hồ phải có trách nhiệm thông báo cho Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Phú Yên và các huyện ven sông Ba” - ông Lưu Trung Nghĩa nói.
Khi chúng tôi cung cấp thông tin các thủy điện trên địa bàn Gia Lai đã đổ xuống sông Ba tổng lưu lượng có thời điểm hơn 10.000 m3/giây, ông Nghĩa nói là “sẽ gửi các văn bản để cung cấp thông tin sau”.•
Sẽ rà soát, kiểm tra để khẳng định trách nhiệm . Phóng viên: Trong cuộc họp sáng 1-12, ông cho biết là tối 30-11 đã nhận được văn bản của Phú Yên về việc các thủy điện Gia Lai xả lũ, sau đó ban chỉ đạo đã phối hợp với các địa phương để rà soát, xử lý. Cụ thể sự việc thế nào, thưa ông? + Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai: Các nhà máy thủy điện phải thực hiện đúng theo quy trình, khi xả phải thông báo cho hạ du, thời hạn trước đó là 6 tiếng. Khi lũ về các hồ trong lưu vực bắt buộc phải xả nhưng vẫn phải thực hiện theo quy trình. Đó là điều kiện bắt buộc. Hiện nay, chúng tôi đang đi kiểm tra các chủ hồ khi xả lũ đã thực hiện thông báo như thế nào. Đồng thời, kiểm tra xem khu vực nào bị ách tắc dòng chảy, vì theo thiết kế của sông Ba có thể xả lũ đến 25.000 m3/giây nhưng vừa rồi mới xả ở mức độ thấp đã ngập lụt. Vấn đề này cần rà soát kiểm tra để sau này đưa vào quy hoạch phòng chống lũ. Ngay sau khi có công văn của Phú Yên, trong vòng 30 phút sau, văn phòng thường trực của ban chỉ đạo đã có công văn gửi các địa phương, chủ hồ để xem xét, rà soát vấn đề điều tiết lại các hồ ở thượng lưu. Đợt mưa này, tất cả hồ ở thượng lưu của Phú Yên đều đã đầy nước, việc đóng các hồ lại là không thể mà phải thực hiện điều tiết. Các địa phương đã điều tiết nâng cao một chút mực nước để giải quyết những phần dung tích cuối cùng, giữ nước cắt cho sông Ba, đây là việc rất kịp thời. Để khẳng định việc thủy điện ở Tây Nguyên xả lũ mà không thông báo hay không, chúng tôi cần phải rà soát, kiểm tra lại các thông tin. Hiện chúng tôi đang tập hợp các tài liệu này, yêu cầu các nhà máy khi phát lệnh xả như thế nào, từ khi phát lệnh đến khi bắt đầu xả là thời gian bao lâu, phát lệnh cho những ai, khi nhận được lệnh thì các địa phương triển khai tới người dân như thế nào. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp sẽ tiếp tục vào để kiểm tra nội dung này. . Cơ quan khí tượng thủy văn đã đưa ra dự báo về việc sẽ xảy ra đợt mưa lớn này, nhưng có vẻ các hồ vẫn bị động trong việc ứng phó dẫn đến sự việc vừa qua? + Chúng tôi không thể khẳng định các hồ này đều bị động. Hiện chúng tôi đang cho kiểm tra để khẳng định trách nhiệm. Nhưng phải khẳng định các văn bản chỉ đạo của các địa phương, cũng như các bộ ngành, trong đó có Bộ mà có liên quan đến quản lý vận hành hồ thì đều được cung cấp kịp thời, rất sớm, cộng với văn bản chỉ đạo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Ban chỉ đạo quốc gia đều rất quyết liệt, kịp thời. . Tại sao Nha Trang, hay Phú Yên, Bình Định, đều là địa phương ven biển, ngay sát biển mà vẫn ngập lụt, thưa ông? + Việc ngập lụt liên quan đến nhiều yếu tố, như thủy triều lớn, sự bồi lắng của các cửa sông. Do vậy khi có triều cường, ở Phú Yên, Bình Định đã phải điều tiết giảm xả khi triều cường và tăng xả khi triều giảm. . Những thiệt hại của người dân do xả lũ như vừa qua ở Phú Yên có được bồi thường, hỗ trợ gì không? + Phải xác định nguyên nhân xả lũ do chủ quan hay khách quan nhưng hiện nay chưa xác minh được nên chưa xác định được. AN HIỀN |