Đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong bình thường mới
Tại Tp.Hồ Chí Minh, việc cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố vẫn duy trì ổn định, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới.
Tính đến ngày 2/12, đã có 184 chợ hoạt động, đạt tỷ lệ 78,6%. Các chợ chủ yếu vẫn tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên. Đến nay có 3.028/3.101 cửa hàng tiện lợi để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân.
Đối với việc mở lại chợ đầu mối, đến nay đã có 2/3 chợ đầu mối đã hoạt động lại là chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Hóc Môn. Riêng tại chợ đầu mối Thủ Đức vẫn tiếp tục duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa.
Tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường Thành phố trong ngày 1/12 và sáng 2/12 tăng 9,9%, ước đạt 8.846,5 tấn/ngày; trong đó, lượng hàng cung ứng qua hệ thống phân phối trong ngày đạt 1.400 tấn.
Cùng với đó, các doanh nghiệp bình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường ước đạt 3.597,9 tấn/ngày không bao gồm lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại.
Tại 3 chợ đầu mối, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong sáng ngày 2/12 tăng 3,9% so với ngày 1/12, ước đạt 3.848,6 tấn/đêm.
Tại tỉnh Bình Dương hiện có 70 chợ truyền thống và đạt 72%, 100% siêu thị và cửa hàng tiện lợi còn hoạt động.
Hệ thống các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 6149/KH-UBND ngày 30/11/2021 của UBND tỉnh về việc Bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và ứng phó với dịch Covid-19 trong giai đoạn bình thường mới trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Theo đó, tổng giá trị hàng hóa dự trữ bình ổn thị trường trong năm 2022 ước khoảng 5.576 tỷ đồng , không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh và khẩu trang, thiết bị y tế phòng chống dịch. Riêng trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 khoảng 2.042 tỷ đồng.
Tổ công tác đặc biệt phía Nam cho biết thêm, tỉnh Bình Phước tiếp tục thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, hoạt động của doanh nghiệp phân phối, kinh doanh mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm trên địa bàn diễn ra bình thường trên cơ sở tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của các địa phương tùy theo cấp độ dịch, bệnh.
Hơn nữa, việc đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đối với những địa bàn có cấp độ dịch 3, 4 luôn được duy trì ổn định đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân, không có hiện tượng người dân tập trung đi mua sắm.
Theo ghi nhận của Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Bình Phước tiếp tục hoạt động bình thường. Riêng chợ Đồng Xoài hiện tạm thời ngưng hoạt động để nâng cấp, sửa chữa. Lượng hàng hóa trong và ngoài tỉnh lưu thông ổn định đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trên địa bàn.
Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, 68 và cửa hàng Bách Hóa Xanh lượng hàng hóa cung ứng vẫn tiếp tục dồi dào, ổn định, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá góp phần vào việc ổn định thị trường, đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ người dân.
Không xảy ra tình trạng sốt hàng, tăng giá đột biến
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, hiện có 100/108 chợ đang hoạt động (có 8 chợ tự phát ngừng hoạt động), ngoài ra còn có 11 siêu thị, 73 cửa hàng Bách Hóa Xanh; 1 Trung tâm thương mại; 91 cửa hàng tiện lợi và hơn 5.782 cửa hàng tạp hóa, thực phẩm chuyên doanh. Hầu hết các hệ thống phân phối, bán lẻ hàng hoá này hoạt động, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa tiêu dùng cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vẫn còn diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Số ca mắc mới trong những ngày gần đây không giảm nên một số khu vực có nguy cơ rất cao đã tổ chức cho người dân trên địa bàn đi chợ mua mặt hàng thiết yếu phân chia theo ngày giờ và ngày chẵn lẻ. Riêng với những khu phong tỏa phân công cho tổ phụ nữ, dân quân hỗ trợ chăm sóc người nhiễm đi chợ hộ.
Tại tỉnh Đồng Tháp, việc cung ứng hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và các chợ truyền thống vẫn đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân.
Hàng hóa được bày bán đa dạng, phong phú, giá cả nhiều mặt hàng vẫn ổn định và không xảy ra tình trạng sốt hàng, tăng giá đột biến làm bất ổn thị trường, không có tình trạng tích trữ, đầu cơ, găm hàng.
Ngoài ra, tại các tỉnh, thành phía Nam khác nhìn chung tình hình thị trường tại các tỉnh không có biến động bất thường, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm.
Hơn 1.400 doanh nghiệp đăng ký chương trình khuyến mãi tập trung
Ngày 27/11, thông tin từ Sở Công thương Tp.HCM cho biết, số lượng đăng ký tham gia chương trình khuyến mại tập trung năm 2021 do UBND Tp.HCM chỉ đạo thực hiện đang tăng nhanh từng ngày, lũy kế từ ngày 15/11 đến nay đã có hơn 1.400 doanh nghiệp với gần 4.600 chương trình đăng ký với mức giảm giá từ 30%-70%.
Với việc kích hoạt chương trình khuyến mại tập trung (CTKMTT) của thành phố, lượng khách hàng đến mua sắm tại các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ… có tăng nhẹ, chủ yếu vẫn dừng ở các lĩnh vực thiết yếu; lĩnh vực phi thiết yếu có nhóm hàng thời trang, trang sức. Các mặt hàng đa dạng từ nhu yếu phẩm, tươi sống, đồ gia dụng đến hàng điện tử... sức mua tăng khoảng 10%.
Trong thời gian diễn ra chương trình khuyến mại tập trung có chuỗi sự kiện: Chương trình khuyến mại tập trung với chủ đề “Shopping Season 2021” của Tp.HCM; “Kết nối cung - cầu hàng hoá giữa Tp.HCM và các tỉnh, thành”; tổ chức hội chợ khuyến mại tập trung 2021 với chủ đề “thỏa sức mua, đua sức sắm”; hưởng ứng chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2021 - Vietnam Grand Sale 2021”, từ ngày 1/12 đến ngày 1/1/2022.
“Trong suốt đợt dịch Covid-19 vừa qua, doanh nghiệp chúng tôi đã nỗ lực gia tăng công suất để tăng sản lượng nhằm đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng kịp thời và không tăng giá, thậm chí một số mặt hàng còn giảm dù nguyên liệu tăng mạnh do đứt gãy chuỗi cung ứng. Hưởng ứng CTKMTT của thành phố, chúng tôi đã đăng ký 2 gian hàng để trưng bày bán sản phẩm chế biến và trứng dinh dưỡng cao với mức giảm giá thấp nhất 20% để chia sẻ với người dân vượt qua đại dịch”, bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân chia sẻ.
Theo bà Phạm Thị Huân, doanh nghiệp không kỳ vọng quá lớn ở CTKMTT vì hiện nay người dân đang rất khó khăn, sức mua sẽ khó có đột phá. Dẫu vậy, chương trình sẽ góp thêm động lực để có thể giúp doanh nghiệp đạt khoảng 80% so với kế hoạch đề ra và quan trọng hơn là giúp người dân tiếp cận được nguồn hàng giá rẻ, chất lượng.
Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn Trương Tiến Dũng đánh giá, CTKMTT diễn ra trong bối cảnh hiện nay đặc biệt có ý nghĩa và thiết thực, không chỉ giúp kết nối cung, cầu giữa người mua và người bán, mà còn giúp giải quyết được từ khâu phân phối, sản xuất…
Hiện doanh nghiệp đang xây dựng phương án để tung ra mức giảm giá sâu nhất có thể để góp phần hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận được nguồn hàng rẻ và chất lượng.
“Sức mua năm nay sẽ không như mọi năm do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chỉ tập trung vào những mặt hàng thiết yếu. Với CTKMTT kỳ vọng sẽ giúp chúng tôi đẩy doanh số đạt khoảng 70%-80% trong năm nay, nhưng quan trọng hơn là dịp để tri ân, chia sẻ khó khăn với khách hàng, chứ hoạt động trong tình hình này chỉ mong đủ lo cho lao động, chưa tính đến lợi nhuận”, ông Trương Tiến Dũng nói.
Hương Anh (tổng hợp)