Tối 3-12, tại chương trình livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" chủ đề "Mua sắm an toàn trong điều kiện bình thường mới", nhiều thắc mắc của người dân TP HCM đã được các khách mời giải đáp.
An toàn khi mua sắm
Ba vị khách mời gồm ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, BS Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM và bà Phạm Thi Vân - Trưởng Ban Quản lý hệ thống bán lẻ Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA).
Nhiều câu hỏi của người dân bày tỏ lo lắng trước nguy cơ bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 khi đi mua sắm tại những nơi tập trung đông người dù có đeo khẩu trang hoặc đến những nơi có nhiệt độ thấp.
Trả lời, BS Lê Hồng Nga cho biết nguy cơ lây nhiễm bệnh tại những nơi có mật độ người tập trung cao sẽ hơn những nơi tập trung ít người. Do đó, để bảo vệ mình, người dân cần thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế khi đi mua sắm, bao gồm có thẻ xanh y tế hoặc đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi, thực hiện 5K và khai báo y tế đầy đủ.
Chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời” tối 3-12. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
"Ngoài việc tuân thủ các quy định về an toàn phòng dịch, người dân nên hạn chế đến mua sắm tại những nơi quá đông người. Về phía người kinh doanh, các siêu thị, cửa hàng cũng cần điều tiết lượng khách mua sắm tại một thời điểm theo đúng quy định đã được hướng dẫn tại bộ tiêu chí hoạt động an toàn để bảo vệ sức khỏe khách hàng, nhân viên và tránh làm lây lan dịch bệnh" - BS Nga lưu ý.
Về câu hỏi của khán giả Hồng Thắm về nguy cơ nhiễm bệnh tại những nơi có nhiệt độ thấp như xứ lạnh, khu vực bán hàng đông lạnh ở siêu thị, BS Nga trả lời đúng là virus SARS-CoV-2 tồn tại lâu hơn trong mùa đông và trong môi trường có nhiệt độ thấp.
Do đó, một trong những khuyến cáo phòng bệnh là hạn chế sử dụng nhiệt độ máy lạnh ở nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, chúng ta không quy kết cho quầy đông lạnh ở siêu thị vì tất cả các quầy đông lạnh đều thực hiện quy định về vệ sinh, khử khuẩn... nên bảo đảm an toàn.
Một thắc mắc khác là trường hợp người bị chống chỉ định tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 nên không thể tiêm và không có thẻ xanh y tế, vậy có đi mua sắm được không? Theo BS Nga, tỉ lệ người bị chống chỉ định tiêm vắc-xin rất ít. Không chỉ ở Việt Nam mà các nước cũng đều có quy định hạn chế một số hoạt động cộng đồng đối với những người chống chỉ định tiêm vắc-xin để bảo vệ chính họ. Giải pháp mua sắm cho các đối tượng này là các siêu thị, cửa hàng sẽ tiếp nhận đơn hàng cần mua và đi chợ thay cho khách.
Bạn đọc Quốc Trường đặt câu hỏi với Sở Công Thương TP HCM về giải pháp để bảo đảm cho các nhà hàng, quán ăn, quán nhậu... hoạt động an toàn trở lại. Ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết từ ngày 16-11, hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn được mở lại; TP thí điểm cho một số địa bàn như TP Thủ Đức, quận 7 được bán bia rượu tại chỗ.
Do diễn biến dịch còn phức tạp nên sau thời gian thí điểm, TP có văn bản tiếp tục cho thí điểm từ ngày 1 đến 30-12. Kết thúc đợt thí điểm thứ 2 thì sẽ có quyết định chính thức. Việc mở lại hoạt động là cần thiết và chưa có cơ sở để kết luận rằng gia tăng số ca nhiễm Covid-19 từ các nơi bán rượu bia này.
Mở dần các chợ đầu mối
Một vấn đề khác đang được nhiều người quan tâm liên quan đến việc cung ứng hàng hóa để người tiêu dùng mua sắm thuận tiện hơn, giá cả thị trường và chương trình khuyến mãi cuối năm.
Khán giả Thục Nhiên hỏi Tết Nguyên đán có chương trình khuyến mãi nào không, đặc biệt là phục vụ lao động thu nhập thấp? Trả lời, ông Phương cho hay chương trình khuyến mãi tập trung của TP kéo dài từ ngày 15-11 đến 31-12. Theo kế hoạch, hằng năm chương trình tổ chức thành 2 đợt nhưng năm nay do vừa trải qua đợt dịch kéo dài, sức mua giảm sút, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc phục hồi sản xuất - kinh doanh nên chương trình tổ chức kéo dài nhằm kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện cải thiện đầu ra cho sản phẩm.
Theo đó, đến cận Tết, TP sẽ có ưu tiên cho đối tượng yếu thế, công nhân - lao động có thu nhập thấp. Hiện TP đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao tăng cường các giải pháp cung ứng hàng hóa đến công nhân - lao động. Sở Công Thương đã phối hợp một số đơn vị tổ chức điểm bán hàng lưu động tại Công ty Pouyuen và Khu Chế xuất Tân Thuận, tới đây sẽ triển khai tại tất cả khu chế xuất và khu công nghiệp.
Ngoài ra, ngày 2-12, Sở Công Thương vừa phối hợp sở công thương các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị kết nối cung cầu nhằm tạo cầu nối cho các tỉnh đưa hàng về TP HCM tiêu thụ. Hy vọng sắp tới sẽ có thêm nhiều mặt hàng chất lượng tốt, giá bán hợp lý phục vụ cho người tiêu dùng TP.
Cũng theo ông Phương, TP HCM đang mở cửa dần hoạt động tại các chợ đầu mối. TP giao Sở Công Thương phối hợp các sở ngành, đặc biệt là Sở Y tế cùng chính quyền địa phương xây dựng phương án hỗ trợ 3 chợ đầu mối mở cửa trở lại.
Hiện chợ đầu mối Bình Điền đã khôi phục khoảng 50% công suất. Hằng tuần, Sở Công Thương làm việc với chợ để có điều chỉnh, hướng dẫn chợ phương án quản lý người ra vào, giãn cách, cách thức tiếp xúc, quản lý xe để có quyết định chính thức cho chợ hoạt động trở lại 100% công suất.
Cần nâng cao ý thức phòng dịch
BS Lê Hồng Nga cho biết số ca nhiễm bệnh tại TP HCM đang có xu hướng tăng nhưng tín hiệu lạc quan là số ca khỏi bệnh tăng cao. Số ca mắc mới tăng do một số F0 thiếu ý thức. Ví dụ đang là F0 mà vẫn tiếp xúc với cộng đồng, đến nơi công cộng hoặc uống rượu bia chung với nhiều người. Nếu số ca F0 tăng cao làm tăng cấp độ dịch của TP thì bắt buộc phải đóng cửa trở lại nhiều hoạt động. Vì vậy, ngành y tế kêu gọi người dân nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm túc việc cách ly để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng để TP kiểm soát tốt cấp độ dịch, cũng là cách góp phần sớm để TP khôi phục hoàn toàn mọi hoạt động kinh tế - xã hội.
Xem thêm: mth.88335623230211202-mas-aum-ihk-gnort-naot-na-ed-uht-naut/us-ioht/nv.moc.dln