Tại nhiều địa phương và ở nhiều lĩnh vực ngành nghề, hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục 80-90% so với công suất trước đây với số lượng lao động quay trở lại làm việc đạt hơn 80%. Đây là những diễn biến tích cực cho thấy, dấu hiệu hồi phục sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm cuối năm 2021.
Dệt may, điện tử dẫn đầu hồi phục
Trên cơ sở rà soát và xử lý các kiến nghị của địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) cho hay, hiện theo phản ánh của các hiệp hội và doanh nghiệp, các chính sách và giải pháp được các bộ ngành triển khai đang góp phần quan trọng và tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp và địa phương.
Đến nay, việc ban hành kịp thời các hướng dẫn khôi phục sản xuất, kinh doanh theo tình hình mới giúp nhiều doanh nghiệp và người lao động quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh với tỉ lệ rất cao như tỉnh Đồng Nai có 97% doanh nghiệp đang hoạt động với 85% tổng số lao động đang làm việc.
Đáng chú ý nhiều ngành lĩnh vực như điện tử, dệt may có công suất hoạt động đạt 80-90% so với trước đây. Đối với lĩnh vực hàng không, trong tháng 11 các hãng hàng không có thể khôi phục được 90% các đường bay nội địa, ngoài ra một số tỉnh cũng thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Các doanh nghiệp ngành nghề du lịch, nhà hàng, khách sạn cũng đang chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới.
Một số ngành hàng thậm chí có mức tăng rất mạnh so với các tháng trước đây như thủy sản, chế biến gỗ. Dữ liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, trái ngược với mức sụt giảm mạnh trong tháng 8-9, bước sang tháng 10 xuất khẩu thủy sản hồi phục nhanh với trị giá 918 triệu USD, xấp xỉ cùng kỳ 2020 và tăng tới 47% so với tháng 9.
Với các doanh nghiệp ngành gỗ, theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), tốc độ phục hồi sản xuất kinh doanh cũng cải thiện rất nhanh so với các tháng trước đây. Nhờ giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 945 triệu USD trong tháng 10, tăng mạnh 35,6% so với tháng trước, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng này trong 10 tháng đạt 12,08 tỉ USD, tăng 23,4%, tương ứng tăng 2,29 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước.
So với các tháng 7-9.2021, tốc độ hồi phục của ngành gỗ là đáng "kinh ngạc" đặc biệt theo khảo sát trước đó của Viforest, ảnh hưởng của dịch bệnh từng khiến hơn một nửa số doanh nghiệp tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TPHCM phải ngừng hoạt động, các doanh nghiệp còn lại cũng phải cắt giảm công suất, cố gắng duy trì được khoảng 60% đến 70% lượng công nhân làm việc.
Khó khăn vẫn còn chồng chất
Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương cho hay, bước sang tháng 11, cùng với kiểm soát dịch bệnh, mở cửa từng bước nền kinh tế, các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi sinh hoạt xã hội cũng dần được nối lại theo hướng bình thường mới, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực và tiếp tục khởi sắc.
Tình hình doanh nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 44,6% so với tháng trước, vốn đăng ký tăng 38%, lao động tăng 30,2%, đặc biệt là tại các địa phương chịu ảnh hướng nặng nề của dịch bệnh như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai. Đáng chú ý, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng mạnh 15,2% so với tháng trước.
"Nhìn chung trong tháng 11, nền kinh tế bước vào quỹ đạo phục hồi, dần thích ứng linh hoạt với dịch bệnh; hầu hết các ngành, lĩnh vực tăng trưởng trở lại; hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, người lao động ổn định và phát triển trở lại trong trạng thái bình thường mới" - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định.
Tuy nhiên theo khảo sát của Bộ KHĐT, ở thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phản ánh còn gặp phải một số vấn đề khó khăn nổi cộm nhất như: Thiếu hụt trầm trọng lao động, áp lực về lao động rất lớn để duy trì các đơn hàng cuối năm, tỉ lệ lao động trở lại nhà máy thấp do lao động có tâm lý ở lại quê ăn Tết; Lao động chưa được tiêm vaccine và thiếu vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh.
Diễn biến đáng lo ngại là dịch bệnh có chiều hướng phức tạp với biến thể mới, nguy cơ lây nhiễm ngoài cộng đồng.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, điều này yêu cầu các cấp, các ngành phải bám sát diễn biến dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, có phương án chủ động ứng phó với mọi tình huống xảy ra.
Theo đó trong tháng cuối năm 2021, theo Bộ KHĐT, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung và ưu tiên toàn lực cho phòng, chống dịch bệnh gắn với mở cửa lại nền kinh tế, trong đó tập trung hoàn thiện, ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Cũng như dự báo, xây dựng kịch bản, phương án phòng, chống dịch; chuẩn bị sẵn sàng phương án, nguồn lực ứng phó với dịch bệnh trong tình huống khẩn cấp và xấu nhất, không để bị động, bất ngờ.
Đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; thực hiện miễn, giảm thuế, phí và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Xem thêm: odl.086089-taus-gnoc-09-08-cuhp-ioh-ehgn-hnagn-ueihn/et-hnik/nv.gnodoal