Tháng 8-2020, nữ diễn viên người Mỹ Alyssa Milano (hiện tại 48 tuổi) tiết lộ cô bị rụng nhiều tóc sau khi mắc COVID-19. Cô chia sẻ trong một video đăng trên Twitter: "Tôi chỉ muốn cho các bạn thấy lượng tóc rụng khỏi đầu tôi do mắc COVID-19. Xin hãy xem điều này nghiêm túc và hãy đeo khẩu trang" - Ảnh: ACCESS/Alyssa Milano
Chuyên gia khẳng định: sẽ mọc lại!
Thời gian qua trên thế giới đã có nhiều trường hợp cho biết họ bị rụng tóc sau khi mắc COVID-19 hoặc sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Hiện chưa có kết luận chính thức về mối liên hệ giữa vắc xin COVID-19 và rụng tóc, cũng như giữa mắc COVID-19 và rụng tóc. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu tóc có mọc lại hay không và cần làm gì khi bị rụng tóc?
Với người phục hồi sau khi mắc COVID-19, ông Manoon Leechawengwongs, bác sĩ chuyên khoa phổi tại Bệnh viện Vichaiyut ở Bangkok (Thái Lan), cho biết nhiều bệnh nhân COVID-19 bắt đầu bị rụng tóc sau 2-3 tháng khỏi bệnh, theo báo The Nation (Thái Lan).
Bác sĩ Manoon Leechawengwongs giải thích tình trạng rụng tóc không phải do COVID-19 trực tiếp gây ra, mà là hậu quả của tình trạng sốt cao, căng thẳng và lo lắng.
Ông dẫn lại trường hợp một phụ nữ 65 tuổi mắc COVID-19 đã khỏi bệnh sau 2 tuần nằm viện. Ông cho biết sau 2 tháng rưỡi hồi phục, người phụ nữ này thấy mình bị rụng tóc thành từng mảng. Tình trạng này tiếp tục diễn ra trong khoảng 2 tháng.
Con gái của người phụ nữ này cũng mắc COVID-19 và gặp vấn đề tương tự, nhưng ở mức ít nghiêm trọng hơn.
"Thông thường người ta có thể rụng khoảng 100 sợi tóc mỗi ngày. Tuy nhiên, những người mắc COVID-19 có thể rụng tới 300 sợi tóc mỗi ngày sau 2-3 tháng phục hồi, và vấn đề này có thể kéo dài trong 6 tháng" - bác sĩ Manoon Leechawengwongs nói.
Ông cho biết: "Hầu hết tóc sẽ dần mọc trở lại và bệnh nhân COVID-19 sẽ có lại bộ tóc đầy đủ trong vòng 6-9 tháng. Tôi khuyến cáo bệnh nhân COVID-19 không nên hoảng sợ, vì tình trạng rụng tóc sẽ dừng sau 4 tháng và mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường".
Với người bị rụng tóc sau khi tiêm vắc xin COVID-19, giáo sư Chun Eun Mi tại Bệnh viện MokDong thuộc Đại học Nữ sinh Ewha (Hàn Quốc) giải thích: "Rụng tóc không gây nguy hiểm đến tính mạng, và trong trường hợp này có khả năng rất cao tóc sẽ mọc lại".
Nam sinh Bodin (19 tuổi) ở Phuket (Thái Lan) đã bị rụng tóc đến mức hói đầu sau khi tiêm 2 mũi vắc xin COVID-19 - Ảnh: THE THAIGER/Eakkapop Thongtub
Dinh dưỡng đóng vai trò quyết định
Theo báo Times of India, để giải quyết vấn đề rụng tóc sau khi mắc COVID-19, chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng của Ấn Độ Pooja Makhija đề xuất nên bổ sung các loại hạt cùng một số loại thực phẩm tốt cho tóc vào chế độ ăn uống:
- Quả hạch (nut): Ăn 7 hạt hạnh nhân (almond) và 2 hạt óc chó (walnut) mỗi ngày để củng cố chân tóc, nhờ đó giúp giảm rụng tóc.
- Hạt (seed): Theo bà Pooja, có 3 loại hạt có thể thêm vào chế độ ăn uống để cải thiện chất lượng tóc, đó là hạt chia, bí ngô (pumpkin), hạt lanh (laxseed). Hạt chia có hàm lượng phốt pho cao giúp thúc đẩy sự phát triển của tóc, còn hạt bí ngô giàu các khoáng chất như kali và kẽm. Hạt lanh giàu vitamin E, rất tốt cho sự khỏe mạnh của cả da và tóc. Bà khuyên dùng 1 muỗng cà phê mỗi loại hạt chia, hạt bí ngô và hạt lanh hàng ngày.
- Dầu dừa nguyên chất: Bà Pooja khuyên uống 1 muỗng dầu dừa nguyên chất khi đang đói bụng. Dầu dừa nguyên chất giúp bảo vệ các sợi tóc khỏi hư tổn và tăng độ phồng, là sự lựa chọn hoàn hảo để duy trì sức khỏe của tóc.
- Trứng: Chuyên gia Pooja khuyên nên ăn trứng vì trứng là nguồn giàu protein. Nên dùng 3 lòng trắng và 1 lòng đỏ trứng mỗi ngày. Lòng trắng trứng làm sạch da đầu, còn lòng đỏ trứng có thể là "siêu thực phẩm" cho tóc vì kết hợp nhiều vitamin và khoáng chất.
Bên cạnh các loại thực phẩm, chuyên gia dinh dưỡng Pooja Makhija cũng đề xuất bổ sung 3 loại vitamin giúp chống rụng tóc. Tuy nhiên, cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng về liều lượng, thời gian sử dụng và các thông tin liên quan khác:
- B12: Đây là một trong những chất dinh dưỡng quan trọng nhất để thúc đẩy sự phát triển của tóc. Thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến rụng tóc.
- D3: Bà Pooja nói: "Thiếu vitamin D gây ra tình trạng rụng tóc, vì thiếu vitamin D sẽ không kích thích các nang tóc mới". Do đó, việc bổ sung đầy đủ vitamin D3 đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích các nang tóc mới và cũ.
- C: Các gốc tự do (free radical) gây ra bởi COVID-19 trong cơ thể có thể làm hỏng và ngăn chặn sự phát triển của tóc mới. Vitamin C có thể "khử" bỏ các gốc tự do này và thúc đẩy sự phát triển của tóc, theo Times of India. Hơn nữa, vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh có thể giúp cơ thể người hấp thụ sắt, một khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của tóc.
Ngoài ra, nhật báo Indian Express (Ấn Độ) dẫn lại lời chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng Rujuta Diwekar cho biết, để khắc phục vấn đề về rụng tóc và tái tạo tóc mới sau khi mắc COVID-19, nên: (1) Không bỏ bữa sáng, (2) Không loại bỏ cơm khỏi chế độ ăn, (3) Không ngủ muộn.
Báo Times of India cũng dẫn lại một số lời khuyên của các bác sĩ như sau: Tránh nhiệt độ quá cao và các phương pháp điều trị hóa chất cho tóc; sử dụng dầu gội không chứa sulfat; nếu rụng nhiều tóc và dẫn đến hói đầu, hãy đến khám bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và điều trị.
TTO - Trên thế giới, có cả trường hợp nam giới và nữ giới cho biết họ bị rụng nhiều tóc sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Chưa có kết luận chính thức về mối liên hệ giữa rụng tóc và vắc xin, nhưng cũng không loại trừ khả năng liên quan.