Nếu ai từng đọc cuốn Gió Lạnh Đầu Mùa của Thạch Lam, hẳn sẽ nhớ Một Cơn Giận. Truyện nói về một người đàn ông tên Thanh, trong một cơn giận nhất thời, đã vô tình đẩy gia đình của một người phu xe vào cơn bĩ cực. Sự ác độc bộc phát đấy đã để lại trong Thanh một sự ăn năn như một vết thương vĩnh viễn không lành, và lúc nào anh cũng sống trong dằn vặt khi đứng trước tòa án lương tâm.
Đó là trong truyện. Ở ngoài đời thực, để tôi kể cho bạn một câu chuyện khác.
Cô gái nọ ăn trộm chiếc váy trị giá 160k ở một tiệm quần áo và bị chủ tiệm phát hiện. Người chủ tiệm bèn trừng phạt cô gái bằng cách lao vào đánh đập, cắt áo ngực, lăng mạ và ghi hình lại. Thậm chí đòi cô gái bồi thường một khoản tiền trị giá từ 15-30 triệu, bằng không sẽ đưa ra công an. Sau khi đoạn clip cảnh hành hạ cô gái ăn trộm được lan truyền, công an cũng đã xuất hiện thật. Nhưng là để khám xét và điều tra chính cửa hàng quần áo và chủ tiệm nọ. Khởi tố tội làm nhục người khác, cố tình cưỡng đoạt tài sản, và tịch thu tất cả hàng hóa ở đây vì “không rõ nguồn gốc xuất xứ”.
Hai cơn giận. Hai kết cục khác nhau nhưng đều tiệm cận một điểm chung: Có lẽ họ đều ước giá như mình không để cơn giận dữ chiếm đoạt sự tỉnh táo thì mọi chuyện đã không thành cơ sự thế này.
Trộm cắp dĩ nhiên là một việc sai. Ta không thể dùng bất cứ lý do gì để biện minh cho hành động đó. Nhưng, đánh đập và lăng mạ còn sai hơn. Lợi dụng sự sợ hãi để đe dọa tống tiền ai đó cũng vậy. Người chủ tiệm nọ có lẽ nghĩ rằng mình đang đòi lại công bằng cho bản thân, và rằng mình có quyền để được đáp trả hành vi sai trái của cô gái kia. Dù rằng sự công bằng đấy chênh lệch hơi… nhiều (160k và 15 triệu), và sự đáp trả cũng nhuốm màu bạo lực và dã man. Nhất là khi ta so nó với thái độ thành khẩn và hối lỗi của kẻ ăn trộm.
Giận dữ thật ra là một cảm xúc rất bản năng của con người. Giận dữ vì bị hại còn là một cảm xúc tiêu cực và ức chế hơn. Nhưng giận dữ không có nghĩa là ta tự trao cho mình cái quyền được trừng phạt. Nhân danh sự tức giận, ta trút những cảm xúc tiêu cực người gây ra nó bằng một cách bất nhân, thì đó chính là giây phút ta tự biến mình thành kẻ có tội, và cũng là lúc ta tự lột tấm mặt nạ tốt đẹp của mình để cho tất cả nhìn thấy những xấu xí bên trong một cách trần trụi nhất. Bất cứ ai cũng có thể dễ dàng hành xử tốt với nhau, nhưng cách những cá nhân cư xử với người mình ghét hoặc đã làm gì sai với họ - mới là thứ cho ta thấy liệu họ có phải một người tử tế và văn minh.
Câu chuyện của chị chủ shop ở trên, vừa là một bài học về cách hành xử, nhưng cũng là một bài học về sự bao dung. Không phải chỉ với người kia, mà còn là với chính mình.
Tại sao ư? Bởi giận dữ cũng là một cảm giác rất khó chịu, cực kỳ tồi tệ và mất năng lượng. Cơn giận khiến cảm xúc của ta trở nên nặng nề, bực dọc. Ta tốn từng đấy thời gian quý giá của mình vào những suy nghĩ tiêu cực, những ý định trả thù. Bao nhiêu thứ tốt đẹp có thể lướt qua khi ta bận tức giận, thời gian làm những việc quan trọng hay tận hưởng cuộc sống trôi bẵng đi bởi ta hằn học với người khác. Bạn thật sự muốn những thứ quý giá nhất của mình là cảm xúc và thời gian bị phung phí trong những cơn giận quay cuồng? Và trở nên mong manh khi bất cứ ai, bất cứ chuyện gì cũng có thể khiến bạn phát khùng và thả con quỷ bên trong của mình ra? Nghĩ lại đi bạn à, sống thế… hơi mệt.
Nếu ai làm gì ta cũng đáp trả, thì thời gian đâu để đầu óc ta nghỉ ngơi và tận hưởng cuộc sống? Học cách tha thứ cho người khác, cũng là tự cho lòng mình được thanh thản, mình có thêm thời gian và khoảng trống cho những thứ tích cực và quan trọng hơn, đời bớt đi một sự đáp trả, một hành động sai lầm, bớt đi một người nữa nhận về tổn thương, cũng là ta tự bớt đi một nguy cơ sau này phải ôm hối hận. Ta không nuôi cơn giận của mình bằng sự thù ghét, thì nó sẽ không có cơ hội được sinh sôi thành cái ác. Cũng thật khó để bảo rằng ta sống mà không giận dữ, và sẽ là sáo rỗng nếu nói hãy tha thứ cho tất cả những người gây tổn hại cho mình.
Ta không nhất thiết phải trở thành một nhà đạo đức trong mọi trường hợp. Nhưng, khi tự biến mình thành một kẻ tồi, ta sẽ tự nối dài những sai lầm và thậm chí là cả sự độc ác khi cứ để bản thân trượt dài trong những cảm xúc tiêu cực và cơn phẫn nộ. Hay ứng xử đúng với cơn giận, hãy lý trí, tỉnh táo, văn minh và tử tế. Bởi chỉ có vậy, dẫu không được hả hê trong phút chốc, nhưng đêm về ta có thể ngủ ngon, và không sợ rằng ngày mai những thù ghét ta suýt nữa gieo xuống sẽ quay lại với ta trong một hình hài khác.
Và, nếu ai đó hại bạn đến mức không thể tha thứ, hãy để pháp luật làm việc của mình. Pháp luật sinh ra để bảo vệ cho những người bị hại, dùng sự uy nghiêm và tỉnh táo để phán xử chứ không phải bằng luật rừng hay cơn giận mờ mắt. Đừng tự mình thay trời hành đạo, bởi hãy nhớ rằng: Không ai trên đời có quyền nhân danh cơn giận để xâm hại người khác dù bằng thể xác hay tinh thần.
Theo Diệp
Pháp luật & Bạn đọc