Trước tỉ lệ nhập viện gia tăng ở trẻ em trong đợt lây nhiễm COVID-19 thứ tư ở Nam Phi do biến thể Omicron gây ra, chuyên gia y tế Ntsakisi Maluleke ngày 4-12 cho rằng người dân cần cảnh giác, song không nên hoảng sợ vì tình trạng nhiễm bệnh chỉ ở mức độ nhẹ, hãng Reuters đưa tin.
Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh thành phố đô thị Tshwane (Nam Phi) hồi tháng 11 đã ghi nhận số lượng lớn trẻ sơ sinh nhập viện vì COVID-19.
Điều này làm dấy lên lo ngại rằng biến thể Omicron có thể gây ra rủi ro lớn hơn cho trẻ nhỏ so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2.
Nam Phi: Trẻ sơ sinh nhập viện vì Omicron tăng, chuyên gia nói 'đừng hoảng sợ'. Ảnh: REUTERS
Theo bà Maluleke - chuyên gia y tế công cộng ở tỉnh Gauteng, bao gồm TP. Tshwane và TP. Johannesburg, trong số 1.511 bệnh nhân nhiễm COVID tại các bệnh viện ở tỉnh có 113 trẻ dưới chín tuổi. Tỉ lệ này được đánh giá là lớn hơn so với các đợt bùng phát COVID-19 trước đó tại Nam Phi.
“Báo cáo từ các bác sĩ lâm sàng cho thấy những trẻ em mắc bệnh nhẹ, điều này giúp chúng tôi cảm thấy được an ủi” – bà Maluleke nói với Reuters.
Bà Maluleke cho biết các quan chức y tế và nhà khoa học đang nghiên cứu điều gì đã dẫn đến sự gia tăng tỉ lệ nhập viện ở lứa tuổi trẻ hơn, cũng như hy vọng sẽ cung cấp thêm thông tin rõ ràng hơn trong hai tuần tới.
Vì chỉ có một tỉ lệ nhỏ các xét nghiệm dương tính với virus gây COVID-19 tại Nam Phi được gửi để giải trình tự bộ gen, các quan chức vẫn chưa biết số trẻ em nhập viện đã nhiễm loại biến thể nào.
Tuy nhiên, bà Maluleke lưu ý rằng các nhân viên y tế có thể hành động thiếu thận trọng.
“Họ thà để trẻ em tại bệnh viện trong một vài ngày còn hơn là để các em ở nhà và mọi thứ trở nên phức tạp,… nhưng chúng tôi thực sự cần chờ bằng chứng” – bà Maluleke nói thêm.
Vị chuyên gia cho hay nhiều bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở tỉnh Gauteng đã có các triệu chứng giống bệnh cúm "không đặc hiệu" như ngứa cổ họng, trái ngược với các triệu chứng dễ nhận biết hơn khi mắc COVID-19 như mất vị giác hoặc khứu giác.
Tuy nhiên, bà Maluleke khuyến cáo các bậc cha mẹ và phụ nữ mang thai không nên coi nhẹ các triệu chứng giống bệnh cúm và đi xét nghiệm trong trường hợp cần can thiệp sâu hơn.
"Người dân cần bớt sợ hãi nhưng hãy cảnh giác" – bà Maluleke nói thêm.
Theo bà Maluleke, tuy tỉnh Gauteng gần đây ghi nhận nhiều bệnh nhân nhập viện, song công suất sử dụng giường chuyên dụng điều trị COVID-19 tại tỉnh vẫn chỉ đạt khoảng 13%.
Bà Maluleke cho biết thêm rằng các kế hoạch dự phòng đã được đưa ra nếu tỉ lệ công suất tăng lên.
Theo Reuters, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để tìm ra mức độ nghiêm trọng do Omicron gây ra cũng như liệu biến thể này có thể kháng các loại vaccine hiện có hay không.
Biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện ở miền nam châu Phi vào tháng 11. Đến nay, biến thể này đã được ghi nhận ở hơn 30 quốc gia.