Nhà văn Thiên Sơn về quê Nghệ An vui Tết đoàn viên bên đại gia đình - Ảnh: NVCC
Tết về quê không chỉ đoàn tụ với người sống mà cả với người chết
Dân Nghệ quê tôi vốn tha phương lập nghiệp rất nhiều và có lẽ cũng là xứ sở mà tinh thần hướng về quê hương cũng rất mạnh mẽ. Tết năm nay có lẽ sẽ là một cái Tết đặc biệt hơn nữa bởi những đoàn tụ cảm động sau một năm nhiều bất an, chia ly và khó nhọc.
30 năm rời quê học hành lập nghiệp ở Hà Nội, gia đình con cái đông đủ nhưng chỉ có 1-2 năm tôi không về quê ăn Tết do rơi vào thời điểm vợ mới sinh con nhỏ không thể đi đường xa.
Dù đã có gia đình riêng, cơ nghiệp riêng nhưng tôi vẫn đưa vợ con về ăn Tết cùng bố mẹ ở quê. Quê hương đã lắm đổi thay "san sát nhà bêtông, những biển hiệu quảng cáo", đôi khi chẳng tránh được cảm giác man mác khi mình thành khách xa lạ trên quê hương mình, thèm nhớ "ngôi nhà thoảng hương cau lá trầu xanh ngoài giậu/lưng còng, áo nâu bà tôi/tuổi thơ mất rồi chỉ ước rưng rưng những hoàng hôn cỏ úa".
Nhưng tôi vẫn nghẹn lòng muốn về lại quê bởi bố mẹ, người thân vẫn luôn ở đó với tình yêu suốt đời không đổi thay dành cho mình. Có bố mẹ là có quê hương, bố mẹ chính là quê hương ngóng ta trở về...
Mà về quê đâu phải chỉ để đoàn tụ với người sống, còn đoàn tụ cả với người chết. Có ai không xúc động bùi ngùi mỗi mùa Tết về thăm quê, được gặp lại mùi hương trầm ngày Tết, gặp lại bàn thờ ấm cúng, cả nhà quần áo chỉnh tề đi thăm mộ tổ tiên, thăm lại từng góc chợ quê để tìm lại hình bóng bà ta mẹ ta ngày nào gồng gánh cả triệu triệu niềm vui mỗi phiên chợ Tết...
Quê tôi nhà nào cũng có nhà thờ họ, nghĩa trang dòng họ, nên cái sự gắn kết người sống - người chết, gắn kết những người trong dòng họ càng mạnh mẽ. Tết là cái cớ đẹp nhất cho những đoàn tụ thiêng liêng.
Sau một năm đi khắp nơi làm ăn, có thành công, có thất bại, chúng ta lại trở về quê để được nghỉ ngơi bên tình thân, nạp lại năng lượng của yêu thương để chuẩn bị cho một chu trình mới ở phương xa. Với những người con quanh năm xa quê để tìm kiếm giấc mơ, khát vọng, thời khắc giao thừa đứng bên người thân nó thiêng liêng, quý giá vô cùng.
Nên ai đi đâu xa cũng đều gắng về nhà trước Tết để kịp đón giao thừa cùng gia đình bên bàn thờ tổ tiên. Cái này người thành phố vốn đã mất đi nhiều tâm tính, tập tục truyền thống có thể khó hiểu hết cái linh thiêng của khoảnh khắc giao thừa đoàn tụ.
Và Tết để đoàn tụ với người sống thì rõ rồi, không chỉ với người thân mà còn với xóm làng. Quê tôi mấy ngày Tết không nhà nào đóng cửa, chẳng ai có cuộc hẹn nào mà cứ đi từ nhà này kéo sang nhà khác từ đầu làng tới cuối làng, cả ngày ngập trong những lời chúc tụng, ăn uống.
Ngày Tết người quê tôi không cần một cái hẹn để được gặp nhau, Tết đã là một lời hẹn lớn, lời hẹn chung cho cả làng. Đến nhà ai vào bất cứ lúc nào cũng thành thượng khách. Có khi đến nhà nào đó đi vắng, cửa vẫn mở, khách còn vào thắp nén hương lên ban thờ như một lời chào gia chủ rồi mới rời đi.
Tết quê đẹp, tình là thế, nên dù trào lưu đi du lịch ngày Tết của những người thành thị gần đây rất sôi nổi nhưng chẳng lây lan được tới người dân quê tôi, dù những người ấy cũng đều đã vài chục năm bám rễ thành thị.
Với chúng tôi, Tết là về nhà, gặp lại quê hương, bố mẹ, người thân, gặp lại tiền nhân, những người đã chết và gặp lại cả ký ức đời người cứ mỗi ngày thêm dày lên.
Nhà văn Thiên Sơn
Tết sum vầy bên bạn bè của hoạ sĩ Đỗ Phấn (thứ 2 từ trái sang) - Ảnh: NVCC
Nhớ những chi li thời lính, yêu những sum vầy hôm nay
Qua những đại nạn ví như COVID-19, con người càng quý hơn những đoàn tụ tình thân, người ta mong đoàn tụ bất cứ lúc nào có thể chứ không chỉ đợi Tết.
Nhưng những người đã trải qua chiến tranh như chúng tôi thì bình tĩnh hơn trước những thử thách lớn với nhân loại giống như đại dịch. Nếu nhìn lại những năm tháng chiến tranh sẽ hiểu cái chia cắt vì đại dịch COVID-19 đâu thấm gì so với bọn tôi ngày ở lính.
Hồi đó cả năm, có khi vài năm chúng tôi không về nhà. Mà hồi ấy xa nhau là xa biền biệt chứ đâu có Internet để gặp nhau như bây giờ. Thư từ vài dòng cho nhau còn khó khăn chứ nói chi thấy mặt nhau. Tôi giải ngũ rồi mà 3 tháng sau còn nhận được bức thư do chính mình gửi về nhà trước đấy nửa năm.
Chia ly gian khổ thời lính là cái khổ nhất. Bộ đội không lo đói rét, chỉ có nhớ vợ con cha mẹ thì phải chịu. Tôi vào lính theo lệnh tổng động viên vào năm 1980, khi đang là giảng viên Trường đại học Xây dựng. Khi đó, con gái mới được vài tháng tuổi, rất khó khăn nhưng cũng không có cách nào giải quyết.
Đời tôi chỉ có những năm tháng đi lính ấy là cảm nhận chia ly, mất mát rõ ràng và sâu sắc nhất. Sau này tôi rất ít đi xa, cuộc đời 66 năm tôi hầu như chỉ ở Hà Nội.
Nhưng có lẽ chính cái trải nghiệm chia ly quá sâu đậm thời chiến đã khiến tôi luôn cố gắng để gia đình bé nhỏ của mình không còn phải xa cách nữa. Con gái duy nhất của tôi năm nay 41 tuổi, đã có gia đình riêng nhưng vẫn sống với tôi, chưa bao giờ đi xa.
Cháu ngoại đang học lớp 11 của tôi thậm chí còn thành bạn chí cốt, tôi hay mang cháu đi chơi. Đoàn viên gia đình là may mắn của tôi, nhưng cũng là do mình cả. Bởi tôi không ham hố gì những chuyện kinh bang tế thế, tham vọng lớn nhất là trở thành người bình thường. Từng thấm nỗi chia ly, người ta mới càng hiểu cái giá của đoàn viên.
Họa sĩ Đỗ Phấn
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - Chiều cuối tuần lang thang ở một quán cà phê thuộc khu trung tâm Sài Gòn để thả hồn, xả stress sau những ngày dài làm việc căng thẳng, tôi thấy hình ảnh những chiếc Vespa xưa.