Hạnh giúp mẹ phân loại ve chai để bán kiếm tiền - Ảnh: ĐỨC TÀI
Thương mẹ mắc bệnh tim, thường xuyên đau ốm, từ nhỏ Mỹ Hạnh đã đi làm thêm, tự lo chi phí học tập. Năm nay, cô trở thành tân sinh viên Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng.
Nhiều lần thấy con bé tủi thân, tôi động viên con vượt qua cú sốc tinh thần, nỗ lực học tập để có tương lai tươi sáng.
Bà Nguyễn Thị Sự
Làm thuê từ nhỏ
Năm 2006, gia đình Hạnh bàng hoàng khi nhận tin dữ. Ba của Hạnh cùng 12 ngư dân trong lúc ra khơi trên Biển Đông gặp phải bão Chanchu khiến cả con thuyền bị chìm. 13 người không thể quay về, cho đến nay vẫn chưa tìm thấy thi thể của ba Hạnh...
Sau thảm nạn Chanchu, nỗi đau cũng vơi dần, nhưng những vết nhăn dần hiện lên gương mặt, đôi tay của bà Nguyễn Thị Sự (46 tuổi, mẹ của Hạnh) vì những vất vả mưu sinh. Người đàn ông trụ cột của gia đình mất đi, để lại cho bà hai đứa con nhỏ dại.
Biết gia đình khó khăn, từ khi 8 tuổi Hạnh đã cùng mẹ đến cơ sở sản xuất cá bò khô làm việc. Tùy vào lịch học mỗi ngày, cô có thể kiếm được 50.000 đồng - 60.000 đồng (1kg cá bò khô/6.000 đồng). Mười năm qua, cô gái nhỏ làm đủ mọi việc, từ đóng nước chai, lượm lông yến, đi hái đậu phộng thuê hay làm phục vụ ở những quán cà phê. Dù vậy, Hạnh chưa bao giờ bỏ bê việc học.
Thời điểm lớp 10, gia đình quá túng thiếu, Hạnh phải tạm nghỉ học để đi làm. "Buồn lắm, vì mình biết chỉ có việc học mới giúp thoát khỏi cảnh nghèo khổ này... nhưng đành chịu thôi. Mình thương mẹ lắm" - Hạnh chia sẻ.
Với quyết tâm đến trường, ba tháng nghỉ hè Hạnh tìm đến TP Hội An, Quảng Nam xin làm thêm cho một quán cà phê. Có được chút tiền, cô mua sách vở, một chiếc xe cũ và thuyết phục mẹ để tiếp tục nuôi ước mơ con chữ. Mỗi dịp nghỉ hè, nghỉ tết cô lại tìm công việc làm thêm.
Chỗ dựa của các con
Từ ngày chồng mất, bà Sự bươn chải nhiều nghề để nuôi anh em Hạnh ăn học. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển của con gái vào ngành giáo dục tiểu học Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng, bà vui mừng xen lẫn lo lắng. Hoàn cảnh nhà như thế, bản thân lại đau ốm liên miên, lấy tiền đâu cho con đi quãng đường dài?
Thương con, hơn hai tháng nay, bà lặn lội khắp nơi thu mua ve chai, kiếm thêm ít tiền mua sách vở cho con. "Giờ chỉ mong cho bản thân có sức khỏe để gồng gánh nuôi con, làm chỗ dựa tinh thần cho con" - bà Sự tâm nguyện.
12 năm liền Hạnh đều đạt học sinh giỏi. Cô ước mơ trở thành giáo viên và mong thời gian trôi qua thật nhanh để ra trường đi làm, báo đáp công ơn mẹ và những người giúp đỡ mình. "Ra Đà Nẵng, mình sẽ cố gắng kiếm việc làm thêm", Hạnh quả quyết.
Gắn bó với Hạnh hơn một năm qua, chị Nguyễn Thị Yến Ly (chủ quán cà phê nơi Hạnh làm việc) cảm phục trước tinh thần chịu thương chịu khó của cô nhân viên. "Hạnh siêng lắm, những lúc làm ở quán em cũng hay tâm sự về nỗi lo chi phí học đại học. Tôi cũng động viên, mong em cố gắng học tập để thành người có ích, đỡ đần cho mẹ mình" - chị Ly kể.
Tiếp sức đến trường cho 125 tân SV Quảng Nam
Hôm nay (5-12), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Nam tổ chức trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 125 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Quảng Nam. Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên lễ trao được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tại 17 điểm. Trong đó, điểm cầu chính là TP Tam Kỳ và huyện Phú Ninh.
Đây là điểm trao Tiếp sức đến trường thứ ba trong năm 2021: CLB Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng tài trợ kinh phí học bổng hơn 1,59 tỉ đồng dành cho 154 tân sinh viên Quảng Nam - Đà Nẵng (trong đó có 10 suất đặc biệt). Công ty Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng cho tân sinh viên.
Mỗi suất học bổng trị giá 10 triệu đồng, suất đặc biệt trị giá 15 triệu đồng tiền mặt. Dịp này, CLB Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng còn tặng 15 phần thưởng cho 15 sinh viên từng nhận học bổng có thành tích học tập xuất sắc, nhiệt tình tham gia các phong trào, với kinh phí 150 triệu đồng, do Công ty CP xây dựng Trung Nam ủng hộ.
LÊ TRUNG
TTO - Lý Ngọc Tuyết Nhi vừa trở thành cử nhân luật với thành tích thủ khoa "kép" tuyển sinh và tốt nghiệp Trường đại học Luật TP.HCM với điểm số xếp loại xuất sắc.
Xem thêm: mth.79055819140211202-81-iout-iod-oav-cul-ihgn/nv.ertiout