Ngày 3/12, Cơ quan Điều tra Công an TP.HCM công bố bản kết luận điều tra bổ sung vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" do Trần Công Thiện cùng đồng phạm thực hiện xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận.
Nội dung điều tra bổ sung gồm định giá tài sản để xác định giá trị tài sản của Công ty Tân Thuận tại 3 mốc thời điểm để xác định chính xác tài sản của nhà nước bị thất thoát tương ứng với các thời điểm trên của các dự án trong vụ án; xác định và kết luận về trách nhiệm của các cá nhân thuộc CTCP Quốc Cường Gia Lai trong vụ án; làm rõ việc thu hồi tài sản bị thất thoát trong vụ án…
Về kết quả định giá tài sản, ngày 2/6, Cơ quan Điều tra có yêu cầu định giá số 1488 gửi Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự cấp thành phố đề nghị định giá đối với quyền sử dụng đất tại Khu IV - Khu dân cư Ven Sông, P. Tân Phong, quận 7 thời điểm tháng 3/2016, tháng 11/2017 và tháng 12/2019.
Ngày 9/6, Cơ quan Điều tra tiếp tục gửi yêu cầu định giá 1549 tới Hội đồng định giá đề nghị định giá quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất đã đền bù tại dự án Khu dân cư Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè vào tháng 5/2018.
Đến nay, Hội đồng định giá vẫn chưa có kết quả định giá đối với 2 yêu cầu định giá nêu trên.
Về trách nhiệm các cá nhân tại CTCP Quốc Cường Gia Lai, căn cứ kết luận của giám định viên Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường về trình tự, thủ tục triển khai và chuyển nhượng một phần dự án KDC Ven Sông và phần đất đã đền bù tại dự án KDC Phước Kiển; căn cứ luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 và nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp thì việc chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án KDC Phước Kiển và chuyển nhượng một phần dự án Ven Sông và hoạt động chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, việc chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp, hoán đổi 10% vốn góp còn lại là hoạt động "đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp".
Cơ quan Điều tra nêu, các hoạt động nêu trên không bắt buộc phải đấu giá, việc đấu giá chỉ là một trong những căn cứ để đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, mang lại lợi ích cao nhất cho công ty và chủ sở hữu.
Căn cứ để xem xét trách nhiệm của các bị can trong vụ án chủ yếu là việc Công ty Tân Thuận không thực hiện đúng quy định về xây dựng giá dẫn đến giá chuyển nhượng thấp gây thất thoát nguồn vốn của Đảng bộ TP.HCM tại công ty. Mặt khác, không có quy định nào bắt buộc Công ty Quốc Cường Gia Lai và bên nhận chuyển nhượng phải biết giá của Công ty Tân Thuận được xây dựng đúng hay sai.
"Kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ trong vụ án đến nay chưa có cơ sở xác định bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai có sự thông đồng, cấu kết với các cá nhân trong Công ty Tân Thuận để có lợi trong việc ký kết các hợp đồng chuyển nhượng nên không có cơ sở xem xét trách nhiệm đối với bà Nguyễn Thị Như Loan", kết luận điều tra bổ sung nêu.
Về việc thu hồi tài sản bị thất thoát trong vụ án, ngày 7/6, Cơ quan Điều tra có công văn 1522 đề nghị UBND TP.HCM hỗ trợ xác định các nội dung liên quan đến dự án Ven Sông.
Ngày 17/6, Văn phòng UBND TP.HCM có công văn 4646 giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý khu Nam, UBND quận 7 và các cơ quan liên quan nghiên cứu nội dung liên quan đến dự án Ven Sông. Tuy nhiên, các ý kiến trả lời của các đơn vị này vẫn chưa giải quyết được các nội dung của Cơ quan Điều tra tại công văn 1522.
Ngày 5/11, Cơ quan Điều tra tiếp tục có công văn 2559 gửi UBND TP.HCM đề nghị sớm xác định các nội dung liên quan đến dự án Ven Sông. Đến ngày 16/11, Văn phòng UBND TP.HCM có công văn 8728 giao cho Thanh tra Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận 7 và các cơ quan liên quan nghiên cứu nội dung công văn 2559 và dự thảo văn bản trình UBND TP.HCM có ý kiến trả lời. Đến nay Cơ quan Điều tra vẫn chưa nhận được ý kiến của UBND TP.HCM đối với dự án Ven Sông.
Về việc cấp giấy chứng nhận chủ quyền cho các cá nhân tại dự án Khu Cao ốc căn hộ thương mại Ven Sông Tân Phong, dự án đã hoàn thiện khối B gồm 940 căn hộ, trong đó có 486 căn hộ đã bàn giao cho khách hàng, 160 căn hộ đang liên hệ khách hàng để bàn giao, 54 căn hộ chưa bàn giao do khách hàng vi phạm hợp đồng và 240 căn officetel đang trong quá trình bàn giao với khách hàng. Tất cả các căn hộ tại Block B chưa được cấp giấy chứng nhận chủ quyền căn hộ cho khách hàng do dự án chưa được bàn giao toàn bộ mặt bằng trống để thi công hoàn thiện các hạng mục theo quy hoạch 1/500 do Ban quản lý khu Nam phê duyệt.
Về việc xác định trách nhiệm dân sự của các cá nhân liên quan đến hậu quả thiệt hại, thất thoát tài sản nhà nước, đến thời điểm hiện tại, Hội đồng định giá vẫn chưa có kết quả giám định tài sản tại các thời điểm Công ty Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai ký hủy hợp đồng chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án Phước Kiển vào tháng 5/2018 và thời điểm 2 công ty ký hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án Ven Sông vào tháng 11/2017 và thời điểm khởi tố vụ án tháng 12/2019, do đó chưa có cơ sở để xác định trách nhiệm dân sự cụ thể đối với các bị can trong vụ án...
Căn cứ kết quả điều tra bổ sung, Cơ quan Điều tra cho biết giữ nguyên hành vi phạm tội của các bị can và vật chứng của vụ án như bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số 25 ngày 16/8/2020; quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra bổ sung đến Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đề nghị truy tố bị can Trần Công Thiện, Nguyên Văn Minh, Trần Tấn Hải, Nguyên Thị Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Hoàng Việt, Tất Thành Cang, Phạm Văn Thông, Phan Thanh Tân và Huỳnh Phước Long về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Huyền Trâm
Nhịp sống doanh nghiệp