Sinh viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam trong lễ bế giảng và nhận bằng tốt nghiệp khóa 2013-2018
Đây là những câu hỏi một lần nữa được nhiều người đặt ra nhân chuyện ồn ào Tranh sinh viên nộp cho trường 'chạy' đến nhà sưu tập mà Tuổi Trẻ đã phản ánh.
Trả cho sinh viên thay vì lưu kho đến khi tranh hỏng, mất
Năm 2018, giới mỹ thuật bàn tán xôn xao chuyện "lá đơn không có hồi âm ngày tốt nghiệp" của Trần Khả Ái, lúc đó đang là sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Một tuần trước lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp khóa 2013 - 2018, Khả Ái đã đại diện cho nhiều sinh viên khác viết một lá đơn kiến nghị gửi thầy hiệu trưởng, trong đó có kiến nghị nên bỏ việc thu tranh tốt nghiệp của sinh viên bởi sau đó nó không được bảo quản tốt.
"Toàn bộ số tranh tốt nghiệp bị đưa xuống kho lưu trữ ở hầm nhà D, và ở đây, tranh tốt nghiệp của bọn em cũng như của các khóa tốt nghiệp khác không hề được bọc lại cẩn thận mà xếp chồng, đè lên nhau.
Tại sao nhà trường giữ tranh tốt nghiệp của sinh viên nhưng lại không bảo quản trong điều kiện đảm bảo an toàn lưu trữ cho tác phẩm? Tại sao nhà trường không chụp lại ảnh lưu file mềm và trả lại tranh tốt nghiệp cho sinh viên thay vì lưu kho cho đến khi tranh hỏng và biến mất?", Trần Khả Ái viết trong đơn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 4-12, Khả Ái cho biết bạn từng xuống kho lưu bài của nhà trường và thấy điều kiện bảo quản dưới kho không hề tốt. "Với tình trạng vậy thì nên để cho sinh viên đem bài về, dù sao đó cũng là kỷ niệm và cố gắng sau quá trình 5 năm học của sinh viên. Nên để sinh viên tự bảo quản chứ không nên để hỏng dần trong kho lưu trữ của nhà trường", Khả Ái nói.
Từng có thâm niên 25 năm giảng dạy tại Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp (Hà Nội), họa sĩ Lê Huy Tiếp đề xuất rằng nhà trường chỉ nên lưu giữ bài xuất sắc vì nếu thu tất cả từ thế hệ này sang thế hệ khác sẽ không có chỗ để dẫn tới hư hỏng, thất lạc...
Còn nếu thu tranh của sinh viên về không bảo quản tốt để tranh theo cách nào đó bị tuồn bán ra thị trường thì rất tệ.
Bảo tàng trưng bày các tác phẩm xuất sắc của sinh viên Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội - Ảnh: T.ĐIỂU
Ai sở hữu tranh bài tập của sinh viên?
Về đề nghị trả lại bài tập, tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên mỹ thuật như các "trường Tây" làm, từ tiếng nói của nhà trường, ông Vũ Chí Công - quyền hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp - cho biết một số trường quốc tế trả lại bài tập cho sinh viên vì tôn trọng sinh viên chứ nhà trường vẫn có quyền sở hữu với bài tập của sinh viên.
"Bài tập của sinh viên đúng là sáng tạo của sinh viên nhưng làm trong hệ thống bài tập của nhà trường, với công sức của giảng viên, cơ sở vật chất nhà xưởng của nhà trường, không phải sinh viên độc lập sáng tác nên nhà trường có quyền sở hữu là đương nhiên", ông Công nói.
Ở trường ông quản lý thu các tác phẩm tốt nghiệp và bài tập của sinh viên để làm bằng chứng cho việc học, việc thi, tránh chuyện gian lận... Lệ này đã thực hiện từ đời hiệu trưởng này đến đời hiệu trưởng khác.
Ngoại trừ những tác phẩm tốt nghiệp xuất sắc được nhà trường thu, vào sổ sách, được lưu giữ vĩnh viễn trong bảo tàng và kho của nhà trường, được quản lý chặt chẽ; còn lại, sau 5 năm thì sinh viên có thể đến xin lại bài tập của mình mang về. Với những trường hợp bài tốt nghiệp trên giấy thì nhà trường phải đốt sau 5 năm lưu trữ.
"Nếu thay đổi phải thay đổi tổng thể, Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra quy chế quản lý mới thì chúng tôi sẽ theo. Bao giờ Nhà nước yêu cầu rằng tranh bài tập của sinh viên là của sinh viên thì chúng tôi trả lại", ông Công chia sẻ.
Cũng có chuyên gia đồng tình với quan điểm của ông Công rằng về nguyên tắc trường đại học nào cũng giữ mọi bài của sinh viên vì đó là bằng chứng về việc học và thi. Các trường Tây lấy học phí rất cao nên họ cũng ưu tiên nhiều thứ cho sinh viên, ví dụ cho phép mang tác phẩm về, chứ không phải là sinh viên có quyền sở hữu.
Về điều này, họa sĩ Vu Do (Vũ Đỗ) cũng thừa nhận trường anh học tại Mỹ - Viện hàn lâm Mỹ thuật Pennsylvania (PAFA) - có điều khoản quy định mọi tác phẩm làm ra trên cơ sở vật chất của trường là tài sản của trường.
Nhưng theo họa sĩ Vu Do, điều khoản này chỉ áp dụng để giải quyết trường hợp nhà trường làm mất mát tranh của sinh viên chứ không phải để áp dụng thu tranh của sinh viên.
Về quyền sở hữu với tác phẩm của sinh viên, luật sư chuyên về bản quyền Phạm Anh Tuấn (Công ty luật Phạm và cộng sự) cho biết về nguyên tắc nhà trường muốn khẳng định các bài tập của sinh viên trong quá trình học tập tại nhà trường thuộc sở hữu trí tuệ của nhà trường thì phải chứng minh được nhà trường tài trợ về tài chính hoặc giao cho sinh viên làm trong một chương trình có tài trợ cho sinh viên.
Còn sinh viên muốn khẳng định nó thuộc sở hữu của mình cũng phải chứng minh được sinh viên làm nó một cách độc lập sáng tạo, không lấy nguồn kinh phí từ nhà trường.
Nhà trường cần rà soát, chấn chỉnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về vấn đề trên, bà Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) - cho biết bộ không quy định những việc liên quan quyền sở hữu mà vấn đề này nằm trong các quy định pháp luật khác.
Nhưng với các bài kiểm tra, bài thi, sản phẩm học tập của sinh viên nói chung do cơ sở đào tạo quản lý để phục vụ công tác hậu kiểm khi cần thiết.
Theo một chuyên viên của Vụ Giáo dục đại học thì việc thu, quản lý bài kiểm tra, bài thi, sản phẩm học tập của sinh viên phải lưu trữ trong suốt quá trình sinh viên học tập cho tới khi tốt nghiệp. Sau thời hạn đó trường có thể hủy.
Với trường hợp các sản phẩm học tập mà sinh viên bỏ nhiều công sức và tài chính trong các lĩnh vực đặc thù như kiến trúc, mỹ thuật…, trường có thể trả cho sinh viên sau khi họ tốt nghiệp, nếu họ có nhu cầu đề đạt.
"Không có quy định cấm, nhưng việc trường giữ sau đó lại bán hoặc để lọt ra thị trường như một thương phẩm là việc các nhà trường cần rà soát và chấn chỉnh" - chuyên viên này bày tỏ quan điểm.
VĨNH HÀ
TTO - Ngay sau khi họa sĩ Hà Huy Mười thông tin 'may mắn' mua lại được một tác phẩm từng nộp cho nhà trường khi còn là sinh viên, một số họa sĩ cũng lên tiếng đã vô tình gặp lại tác phẩm tốt nghiệp nộp cho trường nhưng lại 'lưu lạc' ngoài thị trường.